Câu chuyện “chiếc phích nước bị đổ” và bài học lớn về cách ứng xử cao thượng
Tự nhận lỗi về những gì mình đã làm là cách hành xử hay nhất, có văn hóa và thuyết phục nhất. Đừng có bao biện, che giấu hay tìm cách trốn tránh, đùn đẩy, đổ trách nhiệm lên đầu người khác vì sự thật bao giờ cũng là sự thật, bàn tay lông lá và đen đúa không thể che được bầu trời.
Chủ nhà pha trà xong, đặt chén trà lên chiếc bàn nhỏ phía trước mặt khách, và đậy nắp lại. Sau đó, chủ nhà dường như chợt nhớ ra điều gì, tiện tay để ngay phích nước nóng trên mặt đất, vội vàng đi vào phòng trong.
Đến làm khách là hai cha con, cô con gái mười tuổi đang đứng chỗ cửa sổ ngắm hoa, còn người cha thì vừa chạm tay vào chén trà. Bỗng “bùm” một tiếng, phích nước nóng trên sàn bị đổ và nổ tung. Cô con gái giật thót người, quay lại nhìn.
Sự việc tuy hết sức đơn giản, nhưng lại dường như là một điều lạ kỳ: hai cha con họ đích thực không hề chạm vào. Lúc chủ nhà đặt phích nước ở đó, tuy phích nước có hơi lắc lư, nhưng nó không đổ ngay lúc đó.
Người chủ nhà nghe tiếng nổ, vội vàng đi ra, trong tay cầm một hộp kẹo sô-cô-la. Vừa vào phòng khách, chủ nhà theo phản xạ, thoáng nhìn sàn nhà bốc lên hơi nước nóng hổi, luôn miệng nói:
– Không sao! Không sao!
Người cha tựa như muốn giải thích ngay với chủ nhà điều gì đó, nhưng kiềm lại.
– Tôi thực sự xin lỗi! Người cha nói, tôi đã đụng vào nó.
– Không sao đâu, người chủ nhà một lần nữa chứng tỏ là không sao cả.
Lúc ra về, cô con gái hỏi cha:
– Cha ơi, có thật là cha làm đổ không?
Cha đứng gần nó nhất, người cha nói.
– Nhưng cha không làm đổ mà. Lúc đó con đang nhìn bóng của cha ở trong tấm kính. Cha không hề động đậy mà!
Người cha cười:
– Vậy con nói thử xem phải làm sao?
– Do sàn nhà không bằng phẳng nên phích nước nóng tự đổ. Lúc chú ấy đặt phích xuống thì nó đã bị lay động rồi, lay qua lay lại thì đổ thôi. Cha, vì sao cha lại nói là do cha?
– Điều này làm sao chú ấy nhìn thấy được?
– Mình có thể nói cho chú ấy biết.
– Không được đâu con ạ, người cha nói, thà rằng nói là do cha đụng vào, nghe còn có lý hơn. Có lúc, con thật sự không hiểu là chuyện gì nữa, con càng nói thật thì nó lại như càng giả dối, và càng khiến cho người ta không thể tin được.
Cô con gái im lặng một lúc lâu.
– Chỉ có thể như vậy sao, hả cha?
– Ừ, đành phải vậy thôi!
Theo Nghệ thuật sống.
Từ câu chuyện con rắn và con ong, nghĩ về nhân quả
Bài học đạo lý:
Đành phải vậy thôi! Tự nhận lỗi về những gì mình đã làm là cách hành xử hay nhất, có văn hóa và thuyết phục nhất. Đừng có bao biện, che giấu hay tìm cách trốn tránh, đùn đẩy, đổ trách nhiệm lên đầu người khác vì sự thật bao giờ cũng là sự thật, bàn tay lông lá và đen đúa không thể che được bầu trời.
Người cha trong câu chuyện đã dạy con gái một bài học lớn thông qua cách ứng xử cực kỳ cao thượng của mình. Nhận lỗi và chứng tỏ trách nhiệm trước việc làm sai trái, gây đổ vỡ của mình vốn đã khó nhưng can đảm nhận trách nhiệm trong tình huống mình không làm nhưng “tình ngay lý gian” lại càng khó hơn.
Cái éo le của cuộc sống là đôi khi “càng nói thật thì nó lại như càng giả dối, và càng khiến cho người ta không thể tin được” nên “đành phải vậy thôi”, nhận lỗi ngay về mình.
Điều đáng ghi nhận ở đây là thái độ sẵn sàng nhận lỗi. Tất nhiên, sự biện minh để chứng tỏ mình không lỗi là cần thiết trong một số trường hợp nhưng chối bỏ trách nhiệm, phủi tay lật lọng hòng đổi trắng thay đen thì chỉ có cách hành xử của kẻ hèn.
Một bình nước đổ vỡ, một công trình đổ vỡ hay một đoàn thể tu học đổ vỡ v.v… chắc chắn là phải có nguyên nhân và phải có người chịu trách nhiệm. Cần phải tìm ra nguyên nhân, xử lý nghiêm những người có liên đới trách nhiệm. Trong đó, sự trung thực và thành khẩn nhận lỗi về mình (nếu có) là vô cùng cần thiết.
Người cha trong câu chuyện đã tạo được lòng tin tuyệt đối cho con về tinh thần trách nhiệm, thái độ sẵn sàng nhận lỗi của mình. Muốn con cái ngoan hiền, bậc làm cha mẹ phải mẫu mực để con trẻ tin tưởng và noi gương.
Quảng Tánh