Quả báo khủng khiếp từ thói hung hăng
Nay cô ta đã biết, chết không phải là hết, mà cô sẽ có một kiếp sống tiếp theo trong cảnh giới khác. Hơn nữa, có một quy luật liên kết giữa những gì cô đã làm khi còn sống và những kết quả cô phải chịu sau khi sang bên kia thế giới. Nhưng giờ mới biết thì đã quá muộn.
Một đêm mùa hè oi bức năm 2000, cái nóng nực khiến cho con người ta bức bí, ngột ngạt. Tại một căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn An Ninh, khu Bến Đình, thành phố Vũng Tàu, một người đàn ông sinh năm 1966 tên Thoi Phánh bị cái nóng khiến cho mất ngủ, cứ lăn qua lăn lại, trằn trọc mãi. Cuối cùng bực quá, anh trở dậy, pha một ly cà phê ra sân hóng mát.
Nhấp vài ngụm, hút chưa được nửa điếu thuốc, thì chợt tai anh nghe thấy những âm thanh rất lạ vọng từ xa về. Rồi những âm thanh ngày càng rõ hơn, văng vẳng giữa đêm hè thanh vắng. Đó là tiếng hét của phụ nữ, mang theo một cảm giác đau đớn ghê gớm như tiếng của người bị tra tấn.
Anh đảo mắt nhìn về hướng phát ra âm thanh…, tim anh như rụng khỏi lồng ngực vì một cảnh tượng kì quái. Một cô gái vừa chạy, vừa la hét, tiếng hét ghê rợn như muốn xé toạc màn đêm.
Trên đầu cô ta, lửng lơ giữa hư không là một thanh gỗ không có ai cầm cả, vậy mà cứ đập xuống liên hồi vào đầu cô ta. Mỗi nhát đập xuống là máu lại phun ra, kèm theo tiếng rú lên, rồi cô ta ôm đầu quần quại.
Là một người đàn ông mạnh bạo, từng trải qua nhiều sóng gió trong đời, ấy vậy mà anh cũng không khỏi khiếp hồn, chân tay run lẩy bẩy vì cảnh tượng này. Anh xác định nhanh đây không phải người, vì là người thì nãy giờ bị đập như thế, sớm đã gục chết lâu rồi, đâu có chạy và la hét liên tục vậy được. Hơn nữa thanh gỗ kia cứ lơ lửng giữa hư không, đích thị là chuyện ma quái rồi.
Sợ thì sợ, nhưng anh cũng tò mò không kém. Nên cứ căng mắt theo dõi. Rồi đến lúc sợ quá, anh ngồi xếp bằng niệm Phật: “Nam Mô A Di Đà Phật! Nam Mô A Di Đà Phật !” – đây là thói quen của anh mỗi khi có gặp chuyện sợ hãi.
Niệm một lúc rồi thì anh nhớ đến anh đã từng đọc đâu đó trong kinh Địa Tạng- một bộ kinh Phật rất nổi tiếng, có nói rằng khi người sống hồi hướng công đức tụng kinh niệm Phật cho người đã chết, thì người chết sẽ nhận được một phần công đức ấy. Hồn ma nữ kia nhìn đáng sợ, nhưng cũng thật tội nghiệp. Không biết cái màn tra tấn này kéo dài bao lâu rồi, nhưng anh không muốn nó tiếp tục thêm phút giây nào nữa. Sao không thử nhỉ ?
Vậy là anh niệm Phật khẩn thiết hơn, thành tâm hơn, vừa niệm vừa hồi hướng công đức ấy cầu cho hồn ma nữ thoát khỏi sự tra tấn. Rất lâu sau, những nỗ lực của anh đã có tác dụng. Quả nhiên thanh gỗ kia biến mất, ma nữ kia cũng dừng la hét, chỉ còn một chút ít tiếng rên rỉ khe khẽ.
Thật vi diệu, đó giờ anh chỉ biết niệm Phật rất tốt, không ngờ niệm Phật lại có tác dụng mạnh mẽ đến cõi vô hình như vậy. Thấy không còn bị đập vào đầu nữa, ma nữ đứng dậy, cô ta nhanh chóng hiểu ra vì đâu mình được ngưng tra tấn. Và bắt đầu tiến về phía anh …
Đang muốn vùng dậy bỏ chạy, thì anh nghe thấy tiếng nói trong đầu mình, âm thanh của phụ nữ. Ồ, anh có thể nói chuyện với cô ta trực tiếp tâm truyền tâm.
Cái tính tò mò trong anh nó chợt trỗi dậy, lấn áp cái sợ. Vậy là anh hỏi cô ta, vì sao cô ấy bị đập đầu liên tục một cách dã man như vậy. Ánh mắt ma nữ nhìn anh đầy vẻ trìu mến, như thầm muốn cảm ơn anh, điều ấy cũng làm anh bớt sợ đi phần nào. Cô ta bắt đầu kể:
“Hơn 100 năm trước, cô ấy là một tiểu thư cành vàng lá ngọc thuộc một gia đình phú hộ, giàu nứt đố đổ vách. Thủa ấy là thời Pháp thuộc, nhà nào giàu, có quyền bỏ tiền ra mua những người khác về nhà làm người hầu, sống như nô lệ. Nhà cô tất nhiên không ngoại lệ, trong nhà cô gia nhân già trẻ nam nữ rất đông, nhất nhất theo lệnh chủ phục tùng, nửa lời không dám cãi.
Được cha mẹ nuông chiều từ nhỏ, gia nhân hầu hạ, ra bẩm vào thưa, nên cô ta tính tình từ nhỏ đã ngạo mạn, khinh người và đặc biệt đanh đá. Lớn lên thì cái đanh đá ấy được tôi luyện trở thành sự hung dữ. Và chẳng có gì ngạc nhiên khi kẻ hầu người hạ trong nhà sẽ là những tấm bia hứng chịu những cơn thịnh nộ của cô nhiều nhất.
Thấy ai không vừa mắt là cô lập tức chửi bới. Mà lệ thường, sau vài câu chửi thì sẽ là những đòn roi giáng xuống xối xả, vơ được cây roi, thanh gậy gì gần đó là cô đập, đập liên tiếp, đập không thương tiếc. Mà nghiệt một nỗi là cô ấy rất thích đập vào đầu.
Thành ra cô trở thành một cơn ác mộng khiếp đảm với người ở trong nhà. Đã có những người bị đập mạnh vào đầu, trúng những chỗ hiểm mà nằm liệt luôn, không dậy được, hoặc thậm chí chết ngay. Không chút tiếc thương nào cả, với những người ấy cô sẽ sai người vác bỏ vào rừng cho dã thú ăn thịt.
Đó là thời Pháp thuộc, địa chủ với chính quyền Pháp cấu kết, bao che cho nhau, nên việc gia nhân, người ở trong nhà bị đánh chết cũng sẽ chẳng có ai xử lí. Mãi rồi nó thành một cái lệ bình thường, cũng may là giờ cái thời kì nô lệ đen tối ấy đã chấm dứt.
Đến năm 27 tuổi, cô đi lấy chồng, chuyển về sống bên gia đình chồng. Gia nhân trong nhà ai nấy thắp nhang, xì xụp bái tạ trời đất. Ấy thế mà vẫn có người không qua được kiếp nạn…
Một năm sau, cô chủ về lại nhà thăm bố mẹ, ở chơi mấy ngày. Lấy chồng rồi, cô có nhiều sự thay đổi, xong có một điều được bảo tồn bất di bất dịch, ấy là cái thói quen thích dùng cây đập vào đầu người khác.
Bữa ấy, cô đi qua thấy có một cậu gia nô ngồi nghỉ dưới một gốc cây, mãi không làm việc gì. “Á à, muốn làm biếng đây mà !” – cô tự nghĩ thầm. Máu trong người sôi lên nhanh chóng, cô lao đến vừa chửi, vừa đánh cậu ta tới tấp đến tối tăm mặt mày.
Thấy cô chủ đánh hăng quá, mấy người gia nhân ở gần đấy đánh bạo chạy lại van xin cô nương tay. Họ nói cậu này không phải là dạng lười biếng, chỉ là hôm nay cậu ấy bị sốt nặng, đuối quá nên mới ngồi nghỉ thế thôi.
Nhưng cô càng đánh thì càng hăng máu, mà đã trong cơn hăng máu, thì đâu có nghe ai phân trần, nhất là lời của mấy kẻ người ở thấp hèn này. Mắt đảo qua đảo lại tìm kiếm. Rất nhanh, một thanh gỗ khá vừa tay ở gần đấy đập vào mắt cô. Cô vụt đến vớ lấy thanh gỗ. Rồi nhẳm thẳng đầu của cậu gia nô xấu số kia mà lao đến. Từng ngón tay cô siết chặt thanh gỗ, vụt xuống với tất cả sự nhiệt tình của tuổi trẻ. Đốp ! Đốp !… Những cú nện dứt khoát giáng xuống.
Đám gia nhân gần đó khụy xuống, nước mắt lưng tròng, bất lực nhìn người anh em của mình bị đánh dã man mà không thể ứng cứu. Họ mà đến cản, thì cũng chỉ là cống nạp thêm một cái mạng mà thôi, chứ cũng chẳng cứu được cậu kia.
Một lát sau, đánh đã tay rồi, cô chủ quăng thanh gỗ sang một bên, đứng thở hổn hển. Một người gia nhân đánh liều mon men đến gần nạn nhân để kiểm tra, nãy giờ thấy đã nằm im, đầu tóc bê bết những vệt máu. Và anh ta nhanh chóng nhận ra, cậu gia nô tội nghiệp ấy đã tắt thở tự bao giờ.
Không có đám tang nào cả. Họa hoằn thì cũng chỉ là những giọt nước mắt lăn dài lặng lẽ, vội vàng bị vạt áo gạt đi của những người gia nô cùng cảnh ngộ. Còn cô chủ, khác hẳn với sự điên cuồng ban nãy, bây giờ thì cô lại rất bình tĩnh. Cô nhẹ nhàng hạ lệnh cho vài người gia nô khác đem cái xác bỏ vào rừng cho đám thú rừng kiếm chác. Rồi cô bỏ đi tiếp tục làm những việc khác. Ấy mọi chuyện cứ đơn giản như là cô vừa đập chết con muỗi vậy.
Đến tối, thấy khí trời oi bức nên cô rảo bước ra vườn dạo chơi, tận hưởng những cơn gió trời phơi phới. Vườn hơi tối, chẳng có đèn đuốc, nhưng mà không sao, cô đã quen thuộc với những cảnh vật này từ nhỏ, nên cứ thoải mái ngồi hóng gió, không vấn đề gì cả.
Đang cảm thấy thư thái hết sức, bỗng dưng … Đốp ! Mắt cô hoa lên, đất trời như sụp đổ. Đốp ! Đốp ! Liên tiếp vài phát nữa, đầu cô đau buốt như vỡ tan thành từng mảnh vụn. Rất nhanh, mọi thứ tắt ngấm.
Hồn cô xuất ra khỏi xác, và nhìn thấy cha mình, tay vẫn đang lăm lăm thanh gỗ. Ây lại đúng là thanh gỗ lúc ban ngày cô dùng để đập đầu cái thằng gia nô lười biếng kia. Hóa ra, cha cô thấy trời nóng bức, cũng ra vườn hóng gió. Bỗng thấy có bóng người thấp thoáng, ông đoán ngay đó là một tên trộm nào lẻn vào, hòng khoắng tài sản nhà ông.
Dạo này chuyện ấy vẫn hay xảy ra khiến ông rất bực. Nay lại bắt được quả tang, thế thì còn gì bằng. Ông lặng lẽ thu người, khẽ khàng quờ tay tìm kiếm xung quanh… “Ơn giời, nó đây rồi !” Ông nhanh chóng tìm thấy một thanh gỗ khá vừa tay. Rồi rón rén tiếp cận đối tượng, mắt nheo lại, cẩn thận canh cự li…
Đốp! Đốp ! Ông tung ra liên tiếp mấy cú trời giáng vào đầu “tên trộm”.! Hắn đổ gục xuống nằm im đó. Ông vội gọi người mang đèn đuốc đến, soi xem cái thằng nào to gan dám vào trộm nhà ông.
Và khi đèn soi rõ ra gương mặt cô con gái yêu quý của ông, chứ chẳng phải tên trộm nào cả. Ông đổ sụp xuống bất tỉnh. Xung quanh tiếng hô hoán, tiếng gia nhân gọi nhau í ới, tiếng bước chân thình thịch chạy tới chạy lui, khiêng cáng, khiêng xác om cả một vùng.”
Kể đến đây, hồn ma nữ dừng lại, thút thít khóc. Rồi đột nhiên cô ta gào lên, một tiếng gào đau đớn đến xé lòng, như thể đã dồn nén từ rất lâu, nay bùng phát ra. Ma nữ vùng dậy bỏ chạy, thoắng cái đã biến mất vào màn đêm tĩnh lặng. Thoi Phánh sững sờ nhìn theo chỗ bóng ma biến mất. Lòng bồi hồi, ngổn ngang những cảm xúc khó mà nói rõ ra được.
Suốt đêm ấy, anh thức trắng, không phải vì sợ, mà là vì những dòng suy tư về kiếp người cứ thế ùa về không sao ngăn được. Anh tính nhẩm, nếu không tính sai thì một phút cô ta bị thanh gỗ kia đập xuống, chắc cũng phải 20 nhát. Một ngày sẽ là khoảng 28.800 nhát, một trăm năm sẽ là khoảng một tỉ nhát. Khủng khiếp thật!
Mà rồi giả sử hôm nay không gặp Thoi Phánh, được anh hồi hướng công đức niệm Phật cho mà dừng hình phạt lại, thì liệu sẽ tiếp tục hình phạt đến bao giờ? Có lẽ khi còn sống, cô ta không biết rằng cách sống của mình sẽ gây ra hậu quả như thế này. Như đa số mọi người, sống thì chỉ lo việc sống, cơm áo gạo tiền, chưa có thì làm cho có, có rồi thì lo hưởng, đâu cần mệt óc nghĩ xa xôi khi nào chết, chết rồi sẽ ra sao?
Nay cô ta đã biết, chết không phải là hết, mà cô sẽ có một kiếp sống tiếp theo trong cảnh giới khác. Hơn nữa, có một quy luật liên kết giữa những gì cô đã làm khi còn sống và những kết quả cô phải chịu sau khi sang bên kia thế giới. Nhưng giờ mới biết thì đã quá muộn. Chắc là cô ấy hối tiếc vì sự hiểu biết muộn màng ấy, hối tiếc vì những sai lầm của mình, thế nên mới thét lên một tiếng đau đến xé lòng rồi bỏ chạy như vậy. Giá như…
(Quang Tử, viết lại từ lời kể của Thoi Phánh)
Quang Tử