Tỉnh giấc chiêm bao
Chiêm bao thì chỉ là cái tạm thời, không có bản chất thật của nó. Ở đây có quý vị nào đem cái chiêm bao ra được không?
Vậy thì đâu có cái gì là chiêm bao, nó không có bản chất thật, là cái tạm bợ không miên viễn.
Thí dụ như đang chiêm bao thấy những cảnh vui sướng thích thú mà chợt có ai đó đánh thức dậy thì còn được không?
Rõ ràng đó là cái tạm thời, không phải là cái trường viễn cho nên có lúc mình tỉnh. Xét cho sâu, bản chất thật của chúng ta là là giác, là tỉnh chứ không phải là cái chiêm bao tạm bợ.
Cũng như bây giờ đây, cái thường của mình là cái tỉnh chứ không phải cái nằm ngủ trong chiêm bao. Chiêm bao chỉ là cái tạm thời, cái tỉnh ở đây mới là cái thật.
Mà đi sâu hơn nữa thì cái này vẫn còn là chiêm bao, còn bản chất thật của mình là cái giác cái tỉnh, phải nhớ kỹ điều đó.
Kinh Pháp Hoa có dạy: “Bản hoài của chư Phật ra đời là nhằm khai thị cho tất cả chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật”, thì ngay đó Phật đã ngầm chỉ cho mình cái gì rồi?
Đó là tất cả chúng sanh đều có tri kiến Phật nhưng vì mê nên quên mất, do vậy Phật mới ra đời để khai thị cho chúng sanh ngộ nhập trở lại.
Như vậy, bản chất thật của mình rõ ràng là chân lý giác ngộ, là tri kiến Phật chứ không phải là cái chúng sanh chiêm bao này! Do vậy, Phật ra đời là để đánh thức chân lý giác ngộ nơi tất cả chúng sanh đều sẵn có.
Cái gốc của chúng ta là tánh giác chứ không phải cái mê này, nó chỉ là cái tạm thời.
Có câu chuyện tỉnh mộng của một hoàng tử.
Thời xưa, trong hoàng cung nọ thỉnh một vị A-la-hán thuyết pháp, vị hoàng tử ở đó khi nghe pháp thì chủng tử Bồ-đề của mình gợi lại nên hoàng tử bèn xin vua cha cho xuất gia tu hành.
Vua cha và hoàng hậu hiểu đạo nên cho hoàng tử xuất gia.
Vị này theo vị A-la-hán kia một thời gian thử thách rồi được xuất gia làm Tăng.
Vị Tăng trẻ theo thầy mình du hóa từ nơi này đến nơi khác.
Lần nọ, cả hai thầy trò đi dần đến một xứ láng giềng.
Một buổi sáng, vị sư trẻ này đi khất thực một mình thì gặp một nhóm cung nữ trẻ đang vui đùa ở trong sân.
Khi vị này đến, nhóm cung nữ này thấy dễ mến nên mời lại để cúng dường.
Theo như pháp, vị này nhận của cúng dường bèn thuyết thời pháp về đạo lý vô thường cho nhóm cung nữ này bớt ham vui ngũ dục.
Khi đó có người thấy chuyện như vậy thì đến báo cho ông vua xứ này nghe.
Nghe báo cáo xong, ông vua khởi tâm tức giận nên đến đó và ra lệnh:
– Tu sĩ mà lại quây quần bên nhóm phụ nữ như vậy thì hư rồi, đánh hai chục hèo cho nó tỉnh ngộ!
Lệnh vua vừa ban liền được thi hành, Tỳ-kheo bị đánh máu me đầm đìa!
Vị này tu chưa bao lâu nên tâm sân hận liền khởi, bèn nhớ lại thân thế của mình: “Ta cũng là hoàng tử. Nếu ở triều đình thì cũng lên làm vua, há ta lại chịu thua ông vua này sao? Bây giờ ta phải hoàn tục, về cung lên làm vua đem quân qua san bằng nước này để trả hận mới được!”.
Nghĩ như vậy, sau đó vị này bèn về gặp thầy xin trả lại y, thôi tu hành.
Ông thầy là vị A-la-hán đã chứng đạo biết vậy bèn đọc bài kệ khuyên nhủ:
” Vui mừng hay đau khổ,
Mất mát hay thành công,
Tủi nhục hay vinh quang.
Hãy nhận lấy tất cả,
Với tấm lòng bình thản,
Không có ý tham cầu.
Cũng không tâm ghét bỏ,
Đó con đường thoát khỏi,
Vương quốc của ảo giác.”
Tức là bình thản trước mọi vui buồn đau khổ, mất mát hay thành công, tủi nhục hay vinh quang; mà cũng không tham cầu hay ghét bỏ thì đó là con đường vượt lên khỏi ảo giác mê lầm.
Tuy vậy, vị tu sĩ trẻ này nghe thì nghe nhưng cũng chỉ phớt qua tai không vào nổi.
Bây giờ đang hận, phải trở về trả cái hận này, quyết định như vậy rồi.
Ông thầy thấy vậy bèn nói:
– Con quyết định như vậy thì thôi. Nhưng bây giờ trời cũng tối, hãy nghỉ lại rồi sáng mai hãy đi!
Vị này nghe vậy bèn nghe lời thầy nán lại một đêm.
Ông thầy là vị A-la-hán đắc đạo nên đêm đó dùng năng lực trí tuệ chuyển cho vị Tăng trẻ một giấc mơ.
Vị này bèn mộng thấy mình về quê gặp phụ hoàng và mẫu hậu.
Sau đó, được đưa lên ngôi vua đúng như ý nguyện, vị này bèn kéo binh tướng đi để trả thù.
Nhưng thật không ngờ, kết quả là bị thất trận, vua trẻ bị bắt cầm tù. Lúc sắp bị xử trảm, đám đông hò reo vang dội thì vị này chợt thấy bóng dáng thầy mình hiện ra.
Vị vua trẻ mừng quá liền kêu cứu: “Bạch thầy, bạch thầy! Xin hãy cứu con, xin thầy tha lỗi cho con!”.
Ngay lúc đó, Tỳ-kheo trẻ liền tỉnh giấc thì thấy ông thầy đang ngồi bên cạnh mình.
Hóa ra đó là một giấc mơ!
Vị thầy phương tiện khéo như vậy để cảnh tỉnh đệ tử.
Tỳ-kheo trẻ khi ấy mồ hôi còn ướt đẫm cả mình, vị thầy bèn an ủi:
– Con đừng sợ bất cứ mọi hình ảnh gì xuất hiện trong đời, tất cả chỉ là một giấc mơ.
Còn chính con, con vẫn còn nguyên vẹn.
Tức là ông thầy nhắc nhở: “Tất cả những hình ảnh gì xuất hiện trong đời con đều chỉ là một giấc mơ, còn chính con, con vẫn còn nguyên vẹn”, ai tin được cái này là hay!
Cuộc đời của mình từ lúc bất giác vào sanh tử luân hồi cho đến ngay nơi hiện tại đây, từ lúc mở mắt khóc oa oa cho tới suốt cả cuộc đời thì cũng chỉ là một giấc mơ!
Dù cho vui buồn v.v… gì đi nữa thì cũng là một giấc mơ:
“Còn chính con, con vẫn còn nguyên vẹn” không mất mát thiếu thốn gì hết.
Ai thấy được cái đó là giải thoát liền! Cuộc đời của mình: buồn vui, giận ghét, hơn thua v.v… đó là giấc mơ chứ gì đâu.
Còn chính mình, bản chất thật của chính mình là tự tánh thì xưa nay vẫn bất sanh bất diệt, nó vẫn còn nguyên vẹn.
Chỉ là giấc mơ thì đâu dính gì tới tự tánh, thấy chỗ đó thì giải thoát liền. Khi ông thầy nhắc nhở như vậy, vị tu sĩ trẻ liền tỉnh ngộ.
Lòng thù hận liền tan biến, Tỳ-kheo trẻ bèn cúi đầu lễ tạ thầy mình và tiếp tục trên con đường giải thoát.
Bỏ được cái mộng về quê trả thù thì nhẹ nhàng, quý vị quán thấu được chỗ đó thì cuộc đời mình sẽ rất vui sướng.
Cho nên, đây mỗi người hãy quán kỹ mà tỉnh giấc chiêm bao của mình. Cuộc sanh tử luân hồi của tất cả chúng ta đây cũng y hệt vậy không gì khác.
Từ một niệm bất giác ban đầu đi vào trong sanh tử dài dài tới bây giờ, có khi đi lên có khi đi xuống đủ thứ.
Một vòng trong lục đạo luân hồi đó chắc là mình đi đủ hết, không thiếu gì đâu! Nếu mình mở được con mắt Phật nhìn thấy dòng sanh tử đó thì chắc là cũng ghê sợ lắm!
Mà sanh tử chừng bao nhiêu lần như vậy nhưng tại sao bây giờ mình cũng vẫn còn ngồi ở đây? Đó tức là nó vẫn còn nguyên vẹn, chỉ vì mê nên thành ra giấc chiêm bao chứ không gì hết.
Nếu tự tánh không còn nguyên vẹn thì chắc là nó cũng thành tro thành bụi hết chứ mình không còn ngồi tới bây giờ đâu! Quán kỹ như vậy thì đó đúng là một giấc chiêm bao thôi.
Mê tự tánh của mình nên đi vào sanh tử luân hồi, mơ một giấc chiêm bao dài nhưng khi giác ngộ rồi thì liền tỉnh ra: “Đúng là tự tánh chính mình xưa nay vẫn còn nguyên vẹn từ thuở nào. Nó chưa từng nhiễm ô, chưa từng sanh tử bao giờ!”.
Như vậy, suốt cuộc hành trình sanh tử luân hồi từ vô thủy kiếp đến bây giờ thì cũng chỉ là một giấc chiêm bao mà thôi!
Đúng như ông thầy ở đây nói: “Tất cả mọi hình ảnh xuất hiện trong đời, con đừng sợ, nó chỉ là một giấc chiêm bao. Còn chính con, con vẫn còn nguyên vẹn”.
Trích trong: Hai Giấc Chiêm Bao.
HT. Thích Thông Phương