“Đời này ta phải sống sâu, sống sâu mới là thực sống”
Sự kiện ra mắt sách Sống sâu và Talkshow chuyên đề “Sống sâu” diễn ra sáng qua, 8/9, tại TP.HCM, có sự tham gia chia sẻ của tác giả Tuệ Lạc, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Doanh nhân Nguyễn Thành Tiến, tác giả sách Tạ Minh Tuấn, chuyên gia chuông xoay Hoàng Tuyết Mai.
“Đầu tư cho chiều sâu trong tâm thức mình”
Tuệ Lạc là doanh nhân, nhà thiện nguyện, tác giả sách “Sống sâu”, Nxb Công thương và Thái Hà Books ấn hành. Từ khi khai ngộ vào năm 2020, cô đã tự nghiên cứu khoa học tâm linh và thực hành tu tập. Là một người từng ở đỉnh cao sự nghiệp, song Tuệ Lạc đã nhận ra rằng chỉ làm giàu bằng vật chất và cuốn vào guồng quay công việc thì sẽ không mang lại hạnh phúc và bình an đích thực.
Vốn rất quan tâm đến việc lan tỏa các giá trị đẹp đến cộng đồng bằng nhiều hình thức, tháng 9/2023 Tuệ Lạc nảy ra ý tưởng viết sách, mong muốn chia sẻ lại tri thức, trải nghiệm thu nhặt được trên hành trình của mình đến những độc giả. Dù viết lách không phải sở trường của cô, nhưng là một trong những mục tiêu mà cô đặt ra để hoàn thành trong đời. “Khi tâm khởi trùng trùng duyên khởi”, Tuệ Lạc nói.
Đặt bút viết cuốn sách này, cô mong muốn độc giả có góc nhìn sâu hơn về các khía cạnh cuộc sống vốn hời hợt và vội vã của chúng ta ngày nay.
Tuệ Lạc tự nhận rằng dù tu tập nhưng cô là người rất thực tế. Cô tâm niệm, khi đạt được giá trị vật chất thì chú tâm nuôi dưỡng, phát triển tâm thức là một điều rất tự nhiên. Một điều mà cô muốn nhắn gửi đến tất cả mọi người là: “Nếu có việc đầu tư nào chúng ta cần làm vào lúc này thì đó chính là đầu tư cho chiều sâu trong tâm thức mình”.
Trước câu hỏi của khán giả – khi nào có thể bỏ phố về rừng, cô cho biết ấy là khi “đủ duyên” thì nên cho mình một nơi như thế.
Theo tác giả – cư sĩ Tuệ Lạc, nên tiếp tục cuộc sống hài hòa khoa học và tâm linh, phân bổ thời gian 5/5 hay 3/7 giữa việc lui về tĩnh tâm riêng mình và việc chăm sóc gia đình, mang lại giá trị cho cộng đồng, không bỏ lỡ sứ mệnh của mình với cộng đồng.
Ông Nguyễn Thành Tiến là doanh nhân, nhà sáng lập tổ chức giáo dục NIK từng đào tạo 250.000 người về kinh doanh và đầu tư, từng là người giảng dạy khai vấn về đầu tư bất động sản cho Tuệ Lạc nhận định đọc Sống sâu, ông thấy được sự thay đổi của học trò, cũng là điều ông quan sát được ở rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp, học trò khác.
“Sau khi thoải mái về tài chính thì rất nhiều người thành công theo con đường tu tập”. Ông Thành Tiến nhận xét Tuệ Lạc đã đúc kết những yếu tố căn cốt nhất liên quan đến khái niệm sống sâu trong cuốn sách, và kỳ vọng rằng độc giả sẽ không hiểu lầm những điều tác giả đã truyền tải.
Theo ông Tiến, những năm gần đây trong bối cảnh suy thoái kinh tế nở rộ khái niệm “chữa lành” trong giới trẻ, nhưng không nền nhầm lẫn điều này với những giá trị mà Tuệ Lạc gửi gắm qua cuốn sách.
“Sống sâu là trạng thái của tâm hồn khi chúng ta không chỉ sống tồn tại bề ngoài mà còn tìm kiếm để hiểu rõ sâu sắc về những giá trị bên trong, hiếu rõ tâm trí mình, hiểu rõ thế giới xung quanh, và có khả năng cảm nhận sự kết nối giữa chúng. Đó là một phong cách sống kết hợp giữa thực tế và tâm linh. Sống sâu còn là khả năng hiểu biết, nhận thức về sự hiện diện của chính mình trong thế giới này, là quá trình tìm kiếm sự hài lòng từ bên trong, thấu hiểu giá trị thực sự của tình yêu thương, lòng biết ơn và tận hưởng mọi khoảnh khắc, mọi trải nghiệm trong cuộc sống”.
“Có những người có 10 tỷ, 100 tỷ, 1.000 tỷ thậm chí 10.000 tỷ nhưng họ không an được, vì họ muốn giàu hơn nữa hoặc vì họ thấy người khác giàu hơn mình”, ông Thành Tiến nhận định. Do đó ông cho rằng chuyện an hay không an, không phải nằm ở vật chất, dù rằng vật chất cũng là định nghĩa thành công của nhiều người.
Đồng tình với nhận định này, ông Tạ Minh Tuấn – doanh nhân, tác giả sách, một trong những người truyền cảm hứng có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam và Châu Á do tạp chí Forbes bình chọn – nhận định rằng an là tự tính từ bên trong.
“Khi con người ta có quá nhiều trải nghiệm, ký ức, những khối tòa ấy sẽ che khuất sự bình an bên trong”, ông nói. Do đó, theo ông, người lớn đôi khi cần học chữ “an” ở chính những đứa trẻ vô tư, vô lo.
Ông cho rằng có hai kiểu hạnh phúc: kiểu thứ nhất là hạnh phúc khi có nhiều tiền, thành công, được ngưỡng mộ – đây là hạnh phúc có điều kiện. Theo ông, hạnh phúc này vẫn có giá trị với một số người trên hành trình phát triển của họ. Tuy nhiên, một kiểu hạnh phúc thứ hai, sâu hơn là khi con người ta nhìn thấy tán, ánh nắng mà thấy hạnh phúc – đây là hạnh phúc vô điều kiện.
Ông không đánh giá những người theo đuổi vật chất, vì “một người chưa học xong bài học, chưa tốt nghiệp bài học vật chất thì ông trời bắt ta quay lại học. Lúc ta buông là lúc ta hiểu được”.
“Tu tập là để đi sâu vào bên trong”
Ông Nguyễn Thành Tiến nhận định rằng có hai lối tu chính: tu phước và tu đức. Theo ông, tu phước thì dễ hơn, hiểu nôm na rằng người tu cố gắng giúp đỡ thật nhiều người. Còn tu đức, tức rèn luyện bản thân, thì khó hơn rất nhiều.
Chia sẻ nhận định này, ông Tạ Minh Tuấn cũng nói rằng “Tu tập là để đi sâu vào bên trong”. Tu tập tức là tìm về chính mình, sáng tạo ra chính mình, sửa mình, thanh lọc những biến dạng bên trong. Từ đây, thành quả sự tu tập của ta rồi sẽ lan tỏa được đến những người xung quanh.
“Thời gian tốt nhất để trồng cây là cách đây 20 năm, thời gian tốt thứ hai là bây giờ”, ông nhắn nhủ mọi người nên “bắt đầu từ mình” bởi vì mọi thứ đều “bắt đầu từ một” nên mới có. Khi chất lượng được nâng đến một mức nhất định, ắt số lượng sẽ nâng theo.
Ông cũng nhấn mạnh rằng không thể phủ nhận vật chất, mà cần cân bằng vật chất và tinh thần. Nếu không, con người cũng chỉ đi từ cái tôi vật chất sang cái tôi tâm linh, dù thái cực nào thì cũng chưa phải trung đạo. Ai ai cũng phải chân chính học bài học của mình trong kiếp người này, dù có là phụ nữ hay đàn ông, là kế toán, phóng viên, nhà khoa học hay nông dân…
Ông kể từng gặp vị sư kể chuyện thấy rất nhiều người nghèo bèn cho họ đồ ăn thức uống, khi họ ngồi lại thì chia sẻ giáo lý của Đức Phật để họ tìm được bình an. Nhu cầu trước mắt là tồn tại bản năng, thỏa mãn cái bụng cho họ bình tâm thì sau đó mới có thể giảng giải cho họ hiểu và tin vào đạo. Điều này cũng tương tự như gặp người sắp đuối, thì cần quăng phao cho họ rồi về sau mới dạy họ bơi.
Tài sản lớn nhất của người Việt
“Sống sâu là tài sản lớn của người Việt Nam”, TS.Nguyễn Mạnh Hùng – CEO Thái Hà Books – bày tỏ tâm huyết của mình đối với việc làm sách và lan tỏa văn hóa đọc, đặc biệt là dòng sách tâm linh và Phật pháp. Ông tâm niệm rằng Đức Phật là nhà bác học vĩ đại nhất, người thầy vĩ đại nhất đến nay.
Tại buổi giao lưu, chuyên gia chuông xoay Hoàng Tuyết Mai – tác giả sách “Chuông xoay Himalaya – sự chữa lành kỳ diệu” cho biết, là người rất thành công trong kinh doanh, khi tìm thấy sứ mệnh bên trong, cô mong mình chậm lại. Chính từ đây đến với phương ph
áp trị liệu bằng chuông Himalaya có tác dụng rất tốt với những ai thường xuyên bị lo âu, mất ngủ, sức khỏe tinh thần kém. Khi áp lực, mệt mỏi, tiếng chuông có thể giúp điều hòa hơi thở, thư giãn tâm trí.
Được làm việc hữu ích cho cộng đồng cũng chính là mình trở về sống sâu hơn để có năng lượng an yên chia sẻ đến số đông, chuyên gia Hoàng Tuyết Mai
Nga Hà