Càng tu lâu càng khó chịu?

Mỗi ngày phải siêng năng đọc tụng kinh điển, không tụng kinh thì trí không sanh, không đọc tụng kinh thì thấy ngày đó thiếu thốn, nghĩa là Pháp thân mình bị ốm yếu, vì người tu lấy Pháp làm thân, không phải lấy sinh mạng làm thân.

Mỗi ngày thân phải nghe pháp, tụng kinh, nếu không thì Pháp thân yếu.

Mỗi ngày mỗi ngày chúng ta dành thì giờ cho việc đọc tụng, suy tư Phật pháp; không làm như vậy, chúng ta dễ lạc đường, khó quay trở lại. Thà không tu còn đứng tại chỗ, nhưng tu sai thì đi lạc xa, không tiến được, mà rớt vào ngã mạn.

Đại lão HT.Thích Trí Quảng - Pháp chủ GHPGVN
Đại lão HT.Thích Trí Quảng – Pháp chủ GHPGVN

Thực tế cho thấy một số Phật tử tu lâu, nhưng tu sai nên rất khó chịu, nghe pháp thì không chú tâm và hiểu đạo theo dị kiến, họ học nhiều biết nhiều, nhưng làm cho người ghét, rồi lại khoe rằng tôi tu lâu rồi, nhưng thực sự đã bị lạc.

Trong lúc người mới phát tâm nghe pháp tập trung và có ảnh hưởng tốt, tâm họ thanh tịnh. Vì vậy, cổ nhân nói phải giữ tâm ban đầu. Người mới phát tâm vào chùa thấy tượng Phật uy nghiêm thì kính trọng, nhưng đi lâu lại xem thường Phật. Đó là nhứt niên Phật tại tiền, lúc mới tu, Phật ở trước mặt, nhưng nhị niên Phật thăng thiên, lúc thấy Phật, lúc không thấy, hay thấy Phật bình thường là tâm hư rồi. Và tam niên bất kiến Phật, tu ba năm thì không còn thấy Phật, là tu sai, đi lạc quá xa.

Trích bài giảng “Nở hoa tâm hồn” 

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng