Khi âm nhạc cũng là thiền
Ca sĩ Thanh Duy vừa ra mắt sản phẩm âm nhạc mới nhất của mình – album nhạc Thiền Ca với thông điệp “Hát cho đứa trẻ bên trong”.
Dù loại nhạc thiền ca đã được biết đến từ các tăng thân Làng Mai và xuất hiện nhiều trên các nền tảng xã hội, nhưng sự trở lại lần này của Thanh Duy với đứa trẻ trong tâm mình (mà Duy đặt là bé Thiên) đã dành được nhiều tình cảm và sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả nhiều độ tuổi.
Không chọn khung giờ vàng để phát hành, Duy và bé Thiên đến với mọi người một cách nhẹ nhàng vào 8h sáng ngày cuối hè. Ở thời điểm bắt đầu ngày mới, khi con người còn quyến luyến giấc mơ đêm, hay vẫn đang khâu vết thương lòng, thì âm thanh trong veo cất lên trên nền guitar mộc mạc và nhẹ nhàng. Giọng hát dịu dàng len lỏi vào từng giác quan, ôm ấp đứa trẻ trong tâm mỗi người mà ta bỏ quên trong guồng quay vội vã này.
Âm nhạc mang năng lượng chữa lành là giai điệu mà khi nghe ta cảm nhận được tâm trí đang căng thẳng của mình được thả lỏng, tâm hồn đang lo lắng được vỗ về, tâm trạng vội vã được phép chậm lại, để quay về với hơi thở hiện tại của mình và lắng đọng những tâm viên ý mã chạy loạn trong lòng.
Điều đặc biệt của Thiền Ca ở phiên bản Thanh Duy là nghe lần đầu sẽ được xoa dịu cảm xúc. Nghe lần sau sẽ lại là một cảm nhận khác. Khi những rung động về giác quan đã quen với năng lượng bình an này, tâm trí sẽ hướng đến lời bài hát. Những câu hát đơn giản nhưng chứa đầy thiền ý:
Mình cùng nhau thở
Mình cùng nhau cười
Cuộc đời vẫn tươi
Cuộc đời vẫn vui
Ngày mai chưa tới
chuyện buồn qua rồi
Hiện tại có ta
Thở ra – thở vào
(Bài hát Thở ra thở vào)
Phật dạy quá khứ không thay đổi được, tương lai không biết trước được, sát na hiện tại mới chính là giây phút nhiệm màu tuyệt đối. Cuộc đời tặng cho ta món quà quý giá qua làn hơi thở, một lần ta hít vào thở ra chính là ít thêm một lần được hít thở ở cuộc đời này. Thông điệp an trú trong hiện tại – chánh niệm trong hơi thở được truyền tải nhẹ nhàng như hơi thở vậy, thinh lặng mà không ngưng, không dừng.
Xuyên suốt 9 bài hát là 9 câu chuyện thiền được Duy nghiền ngẫm, thực tập và diễn đạt bằng âm thanh chánh ngữ qua góc nhìn ngây thơ thuần khiết của đứa bé trong tim mình. Bên cạnh đó, trong từng bài lại chất chứa nhiều ý niệm mang tinh thần Phật giáo mà người học Phật có thể tự chiêm nghiệm.
Mình là cánh én
Cánh én xinh
Mình là tia nắng
Nắng ban mai
Mình là cơn gió
Đến bất ngờ
Một cánh én lượn trong nắng, không lo lắng, trong thế giới thật nhiệm màu
(Bài hát Cười với thênh thang)
Nhà Phật tin rằng mỗi nhành cây ngọn cỏ đều có tâm hồn, mỗi bông hoa chiếc lá đều biết vui buồn, giọt mưa đầu xuân hay nắng vàng cuối hạ đều ẩn chứa tâm tình không thể nói bằng lời. Vạn vật đều có tình, chúng sinh hữu tình, mới sinh ra luân hồi. Đời này mang thân người, ai có thể nhớ ở một kiếp xa nào mình từng là cánh én đắm mình trong gió mưa cuộc đời?
Thiền Ca của Duy như một làn gió mát lành thổi giữa trưa hè, êm dịu và trong lành; thổi vào những hoang mang bức bối trong tâm của nhiều người ở thời đại biến động và bất ổn này. Thiền Ca kéo mọi người ra khỏi quay cuồng vội vã, hướng vào đứa trẻ chịu nhiều tổn thương trong tâm mình, để chúng ta nhận ra, bản thân mình cũng cần được yêu thương. Từ bi với chính mình, ta mới có khả năng từ bi với cuộc đời. Lượt nghe và độ thảo luận thực tế cho thấy âm nhạc chữa lành của “Thiền Ca – Hát cho đứa trẻ bên trong” đã chạm được đến tâm hồn nhiều người, những người lớn cô đơn ngay cả khi họ không nhận ra. Rất nhiều lời cảm ơn được gửi đến vì khán giả tìm được sự đồng cảm và chia sẻ ở thời điểm khó khăn của cuộc đời. Đôi khi, sự cứu độ chỉ đơn giản là nghe được một giai điệu khiến ta cảm động vào đúng thời điểm.
Trong văn minh nhân loại, âm nhạc là phương tiện để truyền đạt ngôn ngữ tâm hồn. Trong văn hoá Phật giáo, âm nhạc là phương thức để hộ trì Phật pháp. Càn Thát Bà thuộc Thiên long bát bộ bảo hộ Phật giáo là vị thần âm nhạc ở cõi trời Đế Thích, chuyên cúng dường nhạc âm cho chư Phật ở các pháp hội, do đó chứa năng lực an lạc và tịnh hoá. Khi âm nhạc ở đời sống và tín ngưỡng giao thoa, chính là một dạng thiền ngữ có khả năng trấn an và chuyển hoá nội tại, giúp cho người hát và cả người nghe hướng lên cảnh giới cao thượng tốt đẹp hơn trong tâm hồn. Lúc ấy, âm nhạc không chỉ đơn thuần là giải trí, mà đã mang trong mình sứ mệnh nghệ thuật vị nhân sinh với những giá trị cốt lõi của đạo Phật là tình thương và cứu khổ.
Khi không gian sống của chúng ta đang bị tổn thương bởi ô nhiễm tiếng ồn và năng lượng xấu, cần nhiều hơn nữa những thanh âm trong trẻo thiện lành hướng mình về chánh niệm tỉnh thức.
Quế Lâm