Từ nhân vật Đề Bà Đạt Đa nhận diện “thiện tri thức” trong Kinh Pháp Hoa
Thiện tri thức trong Kinh Pháp Hoa không còn bị bó buộc bởi hình tướng Phật, Bồ tát, chư thiên hay những vị ủng hộ đạo pháp mà đến ngay như hình tượng Đề-bà Đạt-đa, chuyên chống phá Phật cũng được nâng lên tầm cao mới trong kiến giải là “thiện tri thức”.
Nói đến Thiện tri thức trong kinh Pháp Hoa thì mỗi phẩm, mỗi chương đều ẩn tàng ý về việc nhận diện “thiện tri thức”. Dù ở quá khứ hay hiện tại, đối với người tu tập, Thiện tri thức có vị trí quan trọng như ngọn hải đăng trên đường đạo. Mỗi người ở cấp bậc nhận thức khác nhau sẽ được gần gũi, tương ngộ Thiện tri thức khác nhau, có thể nghịch hạnh, thuận hạnh nhưng đều là duyên, khiến cho mình vững bước thành tựu lợi lạc đến giải thoát.
Thiện tri thức trong Kinh Pháp Hoa không còn bị bó buộc bởi hình tướng Phật, Bồ tát, chư thiên hay những vị ủng hộ đạo pháp mà đến ngay như hình tượng Đề-bà Đạt-đa, chuyên chống phá Phật cũng được nâng lên tầm cao mới trong kiến giải là “thiện tri thức”. Qua hình ảnh nhân vật Đề-bà Đạt-đa có thể nói khái niệm “thiện tri thức” cũng có những bước tiến mới về tư duy để ứng dụng trong đời sống cõi Ta Bà đầy những gai góc, trái ý.
“Những lời dạy về pháp tu Ngondro dòng Longchen Nyingthig”, Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro đã từng nói: “Nếu bạn coi Đạo sư như người thường, và cầu nguyện đến Ngài theo cách đó thì bạn sẽ nhận được kết quả tương ứng”. Vậy nếu coi Đạo sư như người tốt, từ bi bạn sẽ nhận được sự gia trì tương ưng. Nếu bạn xem Đạo sư như vị A la hán (Arahat), thì bạn sẽ nhận đươc gia trì của A la hán. Nếu bạn nhìn nhận Đạo sư như vị Đại Bồ tát địa thứ nhất hay địa thứ mười thì bạn sẽ nhận được sự gia trì của cấp bậc đó.
Tương tự thế, nhờ quán đạo sư như Phật, bạn sẽ nhận được sự gia trì to lớn, tương ứng với thái độ. Chính thái độ bản thân mỗi người đối với mọi hoàn cảnh, cuộc sống nơi Ta bà uế trược, với những con người chúng ta gặp gỡ mà khởi niệm tràn đầy lòng biết ơn sâu sắc dù là duyên thuận, duyên nghịch, cũng đều được gọi là Thiện tri thức. Đến cuối cùng của Pháp hoa, chung quy cũng hợp về một thể thống nhất – Thiện, từ đó đưa đến cho học viên cái nhìn về Phật tính, chân như, bình đẳng, sáng suốt đều không ngoài một niệm Tâm. Cho nên, Tịnh độ với câu: “Tâm an, thế giới an”. Nhà thiền có viết: “Chế Tâm nhất xứ, vô sự bất biện”.
Đề Bà Đạt Đa là một vị đại Bồ Tát ứng dụng nghịch hạnh?
Trong Kinh Pháp Hoa, Thiện tri thức được nhắc đến khá nhiều và rõ rệt. Từ nhân vật Đề-bà Đạt-đa, đến hình ảnh Bồ tát Thường Bất Khinh, sự hiếu thảo của hai người con của vua Diệu Trang Nghiêm, đã nêu bật được tầm quan trọng của Thiện tri thức hay tên thường gọi là “bạn tốt”.
Người viết đưa ra vấn đề Thiện tri thức nhằm cải biên sự hạn hẹp trong tư duy, chính diện mới là bạn tốt, bởi lẽ mỗi người chúng ta gặp trong cuộc sống dù thiện hay ác đều giúp chúng ta trưởng thành, tôi luyện. Huống nữa là Phật quả dài xa, càng cần đến vai trò của thiện tri thức. Những mong ý tưởng này sẽ đem đến nhìn nhận toàn diện trong vấn đề thiện tri thức. Đặc biệt ở đây là phân tích theo kinh Pháp hoa – một bộ kinh Đại thừa chỉ rõ con đường hướng đến Phật quả.
Dưới lăng kính Phật giáo, nhân quả ba đời xuyên suốt thông đạt ba đời. Phẩm 27 Kinh Pháp Hoa với sự xuất hiện của hai người con Vua Diệu Trang Nghiêm đã dùng phương tiện, thuận theo lời mẹ mà giáo hóa cho vua cha quay về chính đạo. Thiện tri thức một lần nữa lại được nêu bật ngay trong mối quan hệ gần gũi gia đình, rộng ra mới đến xã hội. Đồng thời, với mong muốn xuất gia tha thiết, hai người con Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn đã hiển bày được sự báo hiếu rốt ráo nhất, đại diện cho đường lối báo ân trong Phật giáo. Cũng từ đây, giá trị Thiện tri thức trong mối liên hệ duyên sinh, duyên khởi (ba đời) được khẳng định mang tính hoàn bị, viên mãn.
Tuần tự từ kinh điển nguyên thủy nhìn sang Phật giáo phát triển mà đặc biệt là Kinh Pháp Hoa có thể nói sẽ khiến cho không ít người hoang mang, sợ hãi. Đó cũng là lý do vì sao mở đầu kinh đã có 5000 người rời khỏi pháp hội mà Phật không ngăn lại. Lời dạy đức Thế Tôn tuyên thuyết suốt những năm tại thế “Đức Phật đã khẳng định rằng những gì Ngài nói ra cho chúng ta hiểu được ví như nắm lá trong tay” [78, tr.305]. Chúng sinh mỗi mỗi căn cơ khác nhau nên đấng Từ phụ cũng tùy phận mà dẫn dắt, có thể là ẩn ngôn, trực tính, dụ ý… đều vì giải thoát. Đây chính là phương tiện của Phật trước chúng sinh cang cường, chí nhụt, ương bướng, chưa nhận ra chân tính.
Đề-bà Đạt-đa được kể đến trong ba tạng đều dưới danh nghĩa kẻ phá Phật hoại pháp, như một tội đồ không thể tha thứ trong lịch sử. Nghiễm nhiên điều đó là bình thường trong tâm thức người học Phật không chút thắc mắc, bởi đó là tùy trạng chúng sinh, hợp ý thế nhân cõi Ta bà. Nhưng đến Kinh Pháp Hoa lại nói: “Do nhờ ông Thiện tri thức Ðề-bà Ðạt-đa làm cho ta đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật, từ bi hỷ xả, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi món đẹp, thân sắc vàng tía, mười trí lực, bốn món vô sở úy, bốn món nhiếp pháp, mười tám món bất cộng, thần thông đạo lực, thành bậc đẳng Chính giác rộng độ chúng sinh, tất cả công đức đó đều là nhơn Thiện tri thức Ðề-bà Ðạt-đa cả” [1].
Diễn giải minh chứng một phần về lục độ của đức Chính đẳng (Samma Sambuddha) được hoàn bị nhờ Đề-bà Đạt-đa. Bố thí thì buông được ích kỷ. Trì giới là bỏ được hành ác. Nhẫn nhục là trừ cái nhân đối kháng. Tinh tấn là dừng phóng dật. Thiền định là xa rời tâm loạn. Trí tuệ là chuyển hóa tà kiến. Không thể rạch ròi, phân định từng hành động ác của Đề-bà đạt-đa đã góp phần thành tựu nên vị Chính đẳng (Samma Sambuddha) như thế nào, nhưng nơi mỗi chống phá đều là thử thách sự tu trì trong tâm của hành giả. Duy chỉ có ở Kinh Pháp Hoa, xuất hiện trong phẩm 12, Đề-bà Đạt-đa được gọi tên là Thiện tri thức, giữ vai trò đưa lục độ, vạn hạnh của Phật Thích Ca được vẹn tròn. Khởi điểm từ lòng biết ơn sâu sắc, đức Thế Tôn (Bhagavāti) không tán thán hành động xấu xa, độc ác hại người, nhưng lại cảm niệm những khó khăn, chướng ngại trên lộ tình tu học để từ đó tôi luyện bản thân trước nghịch cảnh, làm bài học cho hậu nhân, thay vì than trách hoàn cảnh hay mặc định theo số phận an bài. Pháp vận hành đều đủ hai mặt xấu tốt, nên buồn phiền, chán ghét số phận chỉ làm che phủ đi sự thật, khó thể thức tỉnh. Sự khẳng định trên của Đức Thiện Thệ (Sugato), nếu như được đặt ở đầu kinh có lẽ không chỉ có 5000 người rời chỗ mà sẽ nhiều hơn số đó. Đây cũng chính là sự khéo léo của Phật khi dẫn dụ trước khi đưa đến điều ngược tánh chúng sinh. Nhớ lại lúc Anan cầu Phật cho người nữ xuất gia, sau ba lần thỉnh xin, lại cũng là chờ đợi sự kiên trì, kính tín nơi nữ nhân, lại như xoa dịu tập tục ngang trái của xã hội Ấn đầy phân chia giai cấp.
Tới Kinh Pháp Hoa, đương cơ là hàng Thanh văn đứng đầu là Xá Lợi Phất, đức Thiện thệ (Sugato) lại một lần nữa chỉ dẫn chúng phật tử đến đạo qủa theo cách của riêng mình. Ngài chỉ dạy: “nếu có tỳ khưu nào thực được quả A la han mà lại không tin pháp này, thì quyết không có lý nào như thế cả” [2]. Pháp đó là vô lượng nhân duyên, lời lẽ, thí dụ, vì chúng sinh diễn nói “phật thừa” không vì lý khác. Sang phẩm thí dụ thứ ba, Phật thọ ký cho bậc tướng quân chính pháp được thành Phật hiệu là Hoa Quang, cõi nước Ly Cấu, cũng dùng giáo pháp tam thừa chỉ dạy chúng sinh. Chính tâm ý nhu nhuyễn từ bi của đức Phật, cùng ý vị thâm sâu đầy ẩn dụ đã đưa người đệ tử đứng đầu Thanh văn có thể dần khai mở tính cố hữu, phân biệt, tự khi dễ chính mình để đến nỗi dựng lên bức tường giới hạn quả vị. Chỉ khi được đứng ở vị trí là Như Lai sẽ hiểu được tâm ý độ sinh, phương tiện thiện xảo ra sao. Sự đặt để hoán đổi này giữa hai vai trò Sư – đệ đã thay đổi chủ kiến nơi các vị A la hán nếu như làm Phật. Cũng như thế, hết thảy chúng sinh nếu luôn nhớ ra mình sẽ thành Phật, từ ngôn, hạnh, mọi ý nghĩ đều được nhiếp thủ trong hình tướng bậc toàn giác, chẳng phải chính là bước đầu mở ra ý nghĩa vi diệu cho Phẩm Thường Bất Khinh.
Trở lại với phẩm Đề-bà Đạt-đa thứ mười hai, từ thí dụ thứ ba, cho đến đây, mất gần mười phẩm để Đức Thiện Thệ (Sugato) lần lượt thọ ký cho các đệ tử Thanh văn nhưng không còn là sự gọi mời, ban bố mà hoàn toàn tự nguyện, hoan hỷ giới thiệu, tán thán lẫn nhau. Mỗi chúng Thanh văn khi tinh thần cởi mở, khen ngợi, xin Phật thọ ký cho người, đây cũng có thể nói là bước thành công của Phật trong việc khai trí, mở tâm cho đệ tử mà không mất chút sức lực, lại khiến cho bản thân ai ai đều phát khởi lòng thành, hòa hợp, vui theo. Mở đầu phẩm, thay vì theo duyên mà thọ ký cho các đệ tử thì Phật lại dừng lại khoảng trống để mọi người trong thính chúng cảm nhận niềm vui khi biết mình sẽ thành Phật, tiếp theo thì kể về vô lượng kiếp Phật là vị quốc vương luôn mong muốn cầu pháp đại thừa được vị tiên nhân chấp nhận chỉ dạy nếu như thỏa ứng những điều kiện trải qua hàng nghìn năm không chút thiếu thốn. Đến đây thì vị tiên nhân được kể chính là Đề-bà Đạt-đa trong hiện kiếp lại luôn bày ra những hành động hại Phật đến chảy máu, chia rẽ giáo đoàn, phá luật nghi, hiển ác pháp.
Nhìn lại chi tiết này, thì có phải chăng sự sâu sắc trong ý Phật đã được hiển bày. Khi chia chẻ những lời Phật dạy thì đã tồn tại sự móc nối, đầy ý vị pháp. Chính Đề-bà Đạt-đa kiếp xa xưa, dạy Phật, giáo lý đại thừa với lời cầu thỉnh thành ý, dù bỏ ngôi vua, vợ con, quốc thành, chấp nhận là người hầu hạ, không quản nhọc mệt. Đây phải chăng là phúc duyên đã hội đủ của vị vua cầu pháp trên con đường học đạo Vô thượng, rồi đến hiện kiếp khi ông vua đã thành Phật hiệu Thích Ca lại có sự biến chuyển giữa hai cương vị Thầy trò để tiếp nối hạnh nguyện thử thách nhằm hiển hiện đức nhẫn nhục, viên tròn quả vị tự tại của đấng Pháp vương. Hình ảnh Đề-bà Đạt-đa, trong kinh được đức Phật tôn xưng đầy khiêm nhường, kính cẩn, hoàn toàn vượt ngoài định kiến ban đầu. Điểm khác nhau đó phát xuất từ tri kiến Phật và chúng sinh.
Đã là chúng sinh thì chịu nghiệp lực chi phối nên có tư tưởng ngu si, phân biệt, tư duy đắp đổi nhau qua từng sát na mà chịu luân hồi. Không ai hạnh phúc hơn người thấm nhuần giáo lý, lấy đạo vị làm niềm vui giữa cuộc đời đầy gian khổ. Thấy ra sự khổ và khổ tập chính là cởi gỡ nút thắt đưa về giải thoát, chứ không thể tìm được bến bình an, chấp lấy nơi chốn. Thần lực đấng Đại Giác lại đầy trí tuệ sâu xa để nhận rõ căn tính từng chúng sinh trong cõi Ta bà mà tuần tự nói pháp. Cũng như thế, nhân vật Đề-bà Đạt-đa dưới nhãn quang Phật lại bổ trợ hữu ích cho sự tu hành, thành tựu quả Chính đẳng (Samma Sambuddha), Nhất thiết chủng trí. Hình tượng nhân vật vốn tưởng như chống trái, mà hoàn toàn hợp lý, logic, mang đến bài học mới lạ dưới góc nhìn khác. Hiện thân đệ tử Phật trong đại chúng với những hành động ngang ngược, phá hoại nhưng không hề bước khỏi giới hạn Tăng, đã khiến cho hậu học thêm một lần truy nghiệm. Qua đấy, mới hay lời Phật không nói còn nhiều hơn thế nữa, khó có thể dùng ngôn từ thế gian để hiển bày, lại cũng là cơ hội cho hậu học khi tìm về chân đế nên nhận rõ vị pháp tránh nhầm lẫn, ẩu đả trong chính nhận thức. Nếu giáo pháp của đức Thiên nhân sư (Satthā-devamanus-sānaṃ) đều dừng ở quả vị A la hán có phải chăng đều không khác ngoại đạo, bởi luôn sẽ có vị đứng đầu, không thể thay thế, hay cũng được chỉ định tiếp nối không được trái cãi, mọi giáo dân đều chỉ đứng dưới, không thể mong hay có thể được ở cương vị làm Thầy. Nhưng không, chính Phật – vị thầy vĩ đại lại sẵn sàng không ngần ngại tuyên bố “Tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật” chỉ có ở kinh Pháp hoa, vì tri kiến chưa mở, nên mới cần Phật xuất hiện ra đời. Một vị Phật sinh ra để chỉ đường, khai mở cho vô số những vị Phật khác được hồi sinh, có phải là điều vô lý?
Điều này tùy thuộc ở suy nghĩ mỗi người, nhưng đối với học viên, là tăng ni trẻ trong thời kỳ xã hội phát triển thì lại không có gì thắc mắc, bởi đúng thế, chỉ có một con người trí tuệ cao tột mới có thể đưa mọi người đứng ngang hàng với mình. Ẩn sau những ganh tỵ, đè nén, sợ người khác hơn ta, thì chỉ thêm cái ngã lớn, lại hoàn toàn trái với bổn hoài của mười phương chư Phật.
Kinh Pháp Hoa khai hóa tinh thần nhân tính với khuynh hướng Đề-bà Đạt-đa, tương lai cũng thành Phật. Tuy nhiên, nếu chỉ hiểu trực diện và hời hợt lời tuyên bố của đức Phật rằng ngay cả người đã cố làm thân Phật chảy máu cũng được thọ ký thì đấy là một sai lầm lớn. Chúng ta chớ quên rằng sự đạt quả vị Phật của Đề-bà Đạt-đa tùy thuộc vào việc ông phải thoát khỏi ảo tưởng tham muốn, dục cầu và phải thực hành tu tập Giới luật. Chắc chắn kẻ xấu ác nào cũng có Phật tính. Nếu một người như thế tiếp cận với Phật pháp và xua tan đám mây đen của vọng tưởng đang che phủ tâm mình, bản tính chân thật hiện bày, thì người ấy sẽ sáng tỏ thông suốt. Giáo lý của Phật đã nêu rõ điều này, làm điểm y cứ cho con người trong thời mạt pháp. Tinh thần hiếu hòa của người Việt Nam đã thấm đượm vào máu cho đến từng mảnh da thớ thịt. Biểu hiện rõ nhất là không lấy hận thù đáp trả hận thù. Nhiều người có thể nghĩ rằng thái độ của Phật cũng như thái độ của cha ông ta trước đây sẽ không thể hiện được trong thế giới ngày nay, nơi mà chúng ta phải khổ nhọc đấu tranh để sinh tồn.
Thực tế nhất là đối với đất nước ta hiện nay, khi xưa đã từng bị nước Mỹ xâm lược và cai trị, gây cho nhân dân Việt Nam biết bao cảnh nát thịt tan xương. Nhưng ngày hôm nay thái bình đã trở về trên đất nước, cả dân tộc quật cường đã giấu những giọt nước mắt cùng nỗi đau tinh thần, phục dựng, phát triển kinh tế, đưa đất nước đi lên sánh vai với các cường quốc. Thật vậy, nếu chúng ta lấy hận thù để đáp lại đối phương như thế, hận thù sẽ sinh ra nhiều hận thù hơn và sẽ tiếp tục mãi trong vòng tròn không lối thoát.
Kinh Pháp hoa đức Thế Tôn đã dạy một thái độ tích cực hơn để con người bước tiến xa hơn là chuyển thành sự biết ơn. Đức Phật còn nói rõ sự lợi ích đó như sau: “Trong đời vị lai nếu có kẻ thiện nam, người thiện nữ nghe kinh Diệu Pháp Liên Hoa phẩm Đề Bà Đạt Đa, sinh lòng trong sạch kính tin chẳng sinh nghi lầm, thời chẳng đọa địa ngục, ngã quỉ, súc sinh, được sinh ở trước các đức trong mười phương chỗ người đó sinh ra thường nghe được kinh này. Nếu sinh vào cõi nhơn Thiên thì hưởng sự vui rất thắng diệu, nếu sinh ở trước Phật thì từ hoa sen hóa sinh” [3].
Từ nhân vật Đề-bà Đạt-đa liên hệ đến đề tài Thiện tri thức lại một lần nữa mở lối cho học viên nhìn nhận về hệ thống bày thờ nơi xứ Bắc qua những ngôi chùa cổ kính với niên đại hơn mấy trăm năm. Không phải ngẫu nhiên, ở vị trí tiền đường lại có hai vị Hộ pháp thiện ác, chủ tể Già lam và đức Thánh hiền được chia đều đối chiếu, hỗ tương ý nghĩa cho nhau. Sự tách rời chủ thể bản chất cho các hiện tượng được chư Tổ khi xưa chọn làm mẫu hình thờ phụng có phần hợp với thế nhân – tục đế. Song nếu quan sát từ không gian ba chiều thì thực chất chùa vốn như mô hình mandala (dịch là luân viên cụ túc) thu nhỏ mang nghĩa vòng tròn đầy đủ công đức xuất thế gian. Hai bên sắp xếp phân bổ, tứ bề tạo nên sự hợp nhất lấy trung tâm là Phật – biểu tính cho giác ngộ. Có lẽ cũng từ tư duy như thế, mà xứ sở kinh Bắc đã để lại những siêu phẩm quý giá mang tính thời đại, vẫn nguyên giá trị đến hôm nay, như một niềm tự hào dân tộc. Kiến trúc Phật giáo như một minh chứng lịch sử về sự kết nối hai thời điểm quá khứ và hiện tại, dung thông mọi tư tưởng từ cội gốc uyên nguyên đến đại thừa giai đoạn phát triển.
Tiếp cận ở góc độ vai trò Thiện tri thức, đối với đời sống tu hành, con đường đạo không thể thiếu người dẫn đường sáng suốt. Tác dụng duy nhất của Thiện tri thức qua những khó khăn nghịch cảnh hay bình yên cũng đều vì muốn gắng gạn đục khơi trong tìm kiếm viên ngọc ẩn giấu nơi bể sâu tâm hồn mỗi con người. Từ đó, học viên xin được đưa ra những suy nghiệm chung nhất là bài học cho bản thân trên lộ trình tu học, đồng thời cũng mong muốn, có cơ hội tạo được một tư liệu hoàn chỉnh có thể đóng góp đối với Phật giáo nước nhà, lại là mở ra những góc nhìn mới giữa thời kỳ hội nhập. Chỉ biện chứng một phần nội dung Thiện tri thức trong Kinh Pháp Hoa và dựa theo kinh điển, có thể thấy vai trò của các vị Thầy thực quan trọng. Dù mang danh tu sĩ, cư sĩ, thì nghĩa vụ bảo vệ, hộ trì Phật pháp là của tất cả, không phải riêng ai.
Thông qua đề tài với lựa chọn hình ảnh nhân vật, Pháp Hoa như lá chúc thư chỉ về thực pháp luôn tồn tại và giá trị ngộ nhập cho ai thấy và thực hành theo. Kế nối giá trị từ tạng kinh khởi thủy đến bộ phái, phát triển, bản Kinh Pháp Hoa như sợi chỉ xâu chuỗi, liên kết, thống nhất tư tưởng Phật thừa, mang tinh thần phá chấp, dung hợp, từ bi, giáo nghĩa qua nội dung ý nghĩa Thiện tri thức.
Bổn phận trách nhiệm của đệ tử Phật cần tập làm vị Thiện tri, truyền bá giáo pháp đến tha nhân, đưa quần mê tới bờ an vui, giải thoát, cũng là nối gót bước chân của đấng Cha lành. Tinh thần này, đã có ở tiền nhân thì cớ sao không thể tăng trưởng ở hậu bối. Sự quyết tâm, tu tập, hành trì thấu đạo của bản thân là cần yếu, bởi giáo pháp chú trọng ở thân hành, khẩu hành, ý hành mà thành tựu. Đây cũng là nguyên nhân để Tam Tạng Thánh Điển và các dòng phái, tâm tông khác nhau ra đời chỉ chung một đường ra biển lớn, để thấm được nhất vị giải thoát. Sư Viên Minh có bài thơ khai thị tính chân cho thính giả hỏi đạo như vầy:
“Bỏ tông, về lại chính mình Bỏ dòng, bỏ phái, bỏ kinh ngôn từ Ngay đây thấy pháp vốn như Tuyệt không sở đắc vô dư Niết Bàn”.
*** [1]. Thích Trí Tịnh (2007), Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Quyển Thứ Tư – Phẩm Đề Bà Đạt Đa Thứ Mười Hai, Tôn Giáo, Hà Nội, tr 331. [2]. Tuệ Hải dịch (1993), Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, thành hội Pg Hồ Chí Minh, tr 65. [3]. Tuệ Hải dịch (1993), Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, thành hội Pg Hồ Chí Minh, tr 323-324.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Minh Chánh (1999), Pháp Hoa đề cương, Nxb Hồ Chí Minh. 2. Nguyên Châu (2007), Phật học đức dục, Tỉnh hội Pg Hà Tây. 3. Thích Minh Châu (1998), Hãy Tự Mình Thắp Đuốc Lên Mà Đi, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh. 4. Thích Minh Châu (2005), Đức Phật nhà đại giáo dục, Nxb Tôn giáo. 5. Thích Minh Châu (2002), Đạo đức Phật giáo & Hạnh phúc con người, Đại kinh ví dụ lõi cây, Tôn Giáo, Hà Nội. 6. Thích Minh Châu (2005), Đức Phật – nhà đại Giáo dục, Giải phóng và giải thoát, Tôn Giáo, Hà Nội. 7. Thích Minh Châu (2003), Những Lời Dạy Cuối Cùng Của Đức Phật, Tụng Phẩm Thứ Sáu, Nxb Tôn Giáo. 8. Thích Nguyên Chứng (biên soạn) (2011), Pháp Diệt Tránh, III. Đề Bà Đạt Đa, Phương Đông. 9. Trần Văn Duy dịch và chú thích (2019), Đời sống của các giáo điển vĩ đại, Nxb Hồng Đức. 10. Gyalwang Drukpa (2014), Tâm linh thời hiện đại, Nxb Tôn giáo. 11. Gyalwang Drukpa (2014), Chìa khóa dẫn đến giác ngộ, Nxb Tôn giáo. 12. Gyalwang Drukpa (2020), Sống trí tuệ, Nxb Tôn giáo. 13. Thích Nguyên Đạt (2020), Kinh Pháp Hoa từ hệ chiếu đương đại, Nxb ĐHQG Hà Nội. 14. Nguyễn Thế Đăng (2022), Vũ trụ trong hạt bụi, Nxb Tôn giáo. 15. Nguyễn Quốc Đoan dịch (2016), Tinh Vân pháp ngữ – Tu giữa cõi người, Nxb Hồng Đức. 16. Thích Huệ Hải (2002), Pháp Hoa kệ tụng, Nxb Tôn giáo.
Thích Nữ Bảo Giác–Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Phật học.