“Không biết tu hoặc tu không đúng, chỉ loay hoay trong bước tới hay dừng lại mà thôi”

Hỏi: Bạch thầy, trong hiện tại mình đang tạo nên cái tâm bất thiện, và cái tâm bất thiện đó có thể tạo ra những điều bất thiện khác, chẳng lẽ mình cứ để yên nó đó sao?

445202748_1211567376865866_6525295485640078048_n

Đáp: 

Đức Phật chỉ dạy “không dừng lại không bước tới” chứ có nói cứ giữ nguyên bất thiện như vậy đâu. Mà muốn để yên bất thiện như vậy cũng không được, vì pháp luôn vận hành, sinh diệt. Có phải tâm bất thiện khởi lên là nó đứng yên không, hay chỉ có ảo tưởng mới cho là nó dừng lại? Chỉ cần quan sát tâm bất thiện thì liền thấy nó sinh diệt rõ ràng mà không cần cố bước tới hay dừng lại gì cả.

Thí dụ như lúc nãy nổi sân, nhưng bây giờ lẽ ra đã hết, vậy tại sao vẫn còn sân? Chính là do bản ngã dừng lại nơi tưởng sân đó. Mặt khác, bản ngã muốn diệt sân, đang muốn trở thành không sân, đang muốn có tâm từ, tức là đang bước tới. Như vậy vẫn không thoát khỏi vô minh ái dục.

Thực ra sân do duyên sinh thì cũng do duyên diệt, nếu thấy rõ sự thật này thì pháp tự sinh diệt, hoàn toàn vô ngã. Đó cũng chính là thấy ra trật tự vận hành của pháp. Trong thực tại thân tâm-cảnh này mọi hoạt động của vật lý, tâm lý, sinh lý đều đang thay đổi từng giây phút, từng sát-na sinh diệt. Vậy mà lắm khi có người trải qua bao nhiêu năm tháng vẫn còn ôm một mối tình hay một nỗi hận trong lòng. Vì thế, nếu không biết tu hoặc tu không đúng thì chỉ loay hoay trong bước tới hay dừng lại mà thôi.

Một người phụ nữ kể rằng cuộc đời bà quá đau khổ. Chồng bà, ông ấy thất nghiệp, buồn chán chỉ còn biết bia rư/ợu với bạn bè cho khuây khỏa thôi. Ngày xưa lương ông đủ nuôi sống cả nhà. Bây giờ bà phải cố gắng may vá để nuôi con. Ông không giúp được gì còn hàng ngày đòi tiền đi nhậu nhẹt, cho nên bà rất đau khổ. Sở dĩ bà đau khổ vì tự mình kéo dài nỗi khổ ra và đắm chìm trong đó.

Thật ra, chỉ khi ông chồng đòi tiền đi nhậu nhẹt và khi ông uống rư/ợu say về quậy mới khổ thôi, tức là trong 24 tiếng đồng hồ thực sự chỉ khổ một hai tiếng thôi nhưng bà ấy cứ khổ hoài là do mãi ôm giữ buồn bực trong lòng. Nếu trong những lúc không bị quấy rầy, bà ấy trọn vẹn chú tâm vào những sinh hoạt hàng ngày của mình như nấu ăn, giặt giũ, may vá, đi, đứng, ngồi, nằm v.v… thì có khổ gì đâu, phải không?

Và một khi đã trọn vẹn được với chính mình trong từng sinh hoạt thì ngay cả khi bị quấy rầy cũng sẽ không còn bị phiền não nữa. Vì chỉ khi có tâm đối kháng mới thấy khổ thôi.

HT. Viên Minh