Ứng dụng Phật giáo xây dựng hòa bình thế giới
Trong thế giới đầy hận thù này, đức Phật khuyên chúng ta hãy sống không hận thù, hãy sống với tấm lòng rộng mở. Hãy hạn chế cái tôi nhỏ nhen, hẹp hòi mà hãy suy nghĩ đến lợi ích chung của cộng đồng xã hội. Hận thù là nguyên nhân đưa đến chiến tranh, cạnh tranh, đem đến bất an cho mình và người.
Đức Phật xuất hiện như một vị cứu tinh của nhân loại, đem đến sự an lạc, hạnh phúc, hòa bình cho chúng sinh. Kinh Tăng Nhất A Hàm ca ngợi đức Phật: “Một chúng sinh duy nhất, một con người phi thường, xuất hiện trong thế gian này vì lợi ích cho số đông, vì lòng bi mẫn, vì sự tốt đẹp, vì lợi ích và hạnh phúc của Chư Thiên và nhân loại”. Sự xuất hiện của Ngài ở cuộc đời này chỉ vì mục đích giáo hóa chúng sinh, tức bằng mọi phương tiện, đem trí tuệ, kinh nghiệm hiểu biết để truyền dạy, để chúng sinh được an lạc và hạnh phúc. Như vậy, bi và trí luôn kết hợp với nhau, là tư tưởng cốt lõi của đạo Phật, đặc biệt về sau từ bi và trí tuệ phát triển thành tư tưởng “Bồ tát hạnh” trong Phật giáo Đại thừa. Xem “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh” như là mục đích tu học của người xuất gia trong Đại thừa Phật giáo. Nhưng hạnh phúc do đâu mà có, hạnh phúc chính là nằm trong tầm tay của mỗi người, trong mỗi chúng ta. Hận thù là mầm móng của chiến tranh đem đến bất hạnh. Chỉ có tình thương mới diệt được hận thù.
Lịch sử nhân loại cho thấy, chiến tranh, dịch bệnh…..đã gây ra biết bao thảm họa, chết chóc…mà nguyên nhân gây ra cuộc chiến tranh đó là do lòng tham của con người. Vì vậy, hòa bình và khát vọng hòa bình là vấn đề cấp thiết mà con người phải cùng nhau xây dựng.
Đức Phật không đồng tình cổ vũ bất cứ cuộc chiến tranh nào, cho dù được mệnh danh là chính nghĩa. Ngài cấm đệ tử của mình không vì bất cứ lý do gì giết hại mạng sống chúng sinh, không lẽ nào Ngài lại đồng tình với cuộc chiến; Ngài xem tham sân si là chướng ngại cho giác ngộ giải thoát thì lẽ nào lại khuếch trương lòng hận thù? Cho dù là chính nghĩa hay phi nghĩa, hậu quả của cuộc chiến tranh là khốc liệt, không chỉ giới hạn là sự công khai tàn sát, mà còn để lại đói nghèo và thù hận.
Đây chính là ý nghĩa bài kệ trong “Kinh Tương Ưng Bộ” (Sapyuktāgama) tập I, được đức Phật đã bày tỏ quan điểm của mình về kết quả của cuộc chiến tranh:
“Thắng trận sinh thù oán Bại trận nấm khổ đau, Ai bỏ thẳng bỏ bại. Tịch tỉnh, hưởng an lạc”.
Trong cuộc chiến phải có kẻ thắng và người bại, kẻ thắng trận thường sinh lòng kiêu căng ngã mạn, tiếp tục gây thêm thù oán; người bại trận thì ôm lòng khổ đau, và luôn tìm cách báo thù. Đây chính là lý do tại sao, đức Phật nói: “Hận thù không thể diệt được hậu thù”. Từ thực tế cuộc sống cho thấy, chiến tranh thật tàn khốc, không những chỉ là sự tàn sát lẫn nhau, còn là nguyên nhân sâu xa gây ra nghèo đói, làm băng hoại truyền thống văn hóa đạo đức, càng đau xót hơn, hậu quả của chiến tranh là lòng thù hận, nó được chuyển đổi cho nhau từ người này sang người khác, từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Vì vậy cuộc sống hòa bình và chống chiến tranh là phù hợp với quan điểm chung của thế giới văn minh.
Vấn đề được đặt ra là, theo quan điểm đức Phật, biện pháp nào ngăn chặn chiến tranh? Để trả lời cho câu hỏi này một cách hợp lý, trước tiên chúng ta thử tìm hiểu nguyên nhân nào dẫn đến chiến tranh đó chính là lòng tham vọng.
Tham được biểu hiện dưới nhiều hình thức: Tham danh, tham sắc, tham tiền bạc, tham quyền lực… đều được gọi là tham. Chính lòng tham làm nhân duyên thúc đẩy sự tranh chấp, nếu là sự tranh chấp nhỏ thì đó là sự tranh chấp giữa anh em, vợ chồng, cha con, xóm làng; nếu lớn thành sự tranh chấp giữa vua với vua, giữa quốc gia với quốc gia, giữa khối quốc gia này với khối quốc gia khác. Sự tranh chấp đó không giải quyết được bằng đạo lý thì dẫn đến vũ lực, đem quân đánh nhau, muốn giành phần thắng về mình, cho nên nếu có cuộc chiến tranh hạt nhân xuất hiện, nó thật sự đe dọa sự tồn vong của con người trên trái đất.
Kinh Trung Bộ, bài “Kinh Thừa Tự Pháp” như sau: “Ở đây, này chư Hiền, tham là ác pháp, và sân cũng là ác pháp. Có một con đường Trung đạo diệt trừ tham và diệt trừ sân, khiến (tịnh) nhãn sinh, khiến (chân) trí sinh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn…Đó là con đường Thánh tám ngành, tức là Chính tri kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mạng, Chính tinh tấn, Chính niệm, Chính định”. Có nghĩa là người yêu chuộng nền hòa bình là người trước tiên phải có quan điểm sống chân chính, nhờ có quan điểm chân chính nên dẫn đến cách suy nghĩ chân chính, khi suy tư đã chân chính thì nói năng hay hành động cũng chân chính, nỗ lực làm việc gì cũng chân chính, phù hợp đạo lý. Người ấy là ngườ i có trí tuệ, không còn lòng tham sân hận và si mê. Người đã loại trừ ba căn bản phiền não này rồi thì làm gì có lòng tham và sân để tạo thành chiến tranh. Có thể nói đây là nguyên tắc cơ bản để xây dựng một nền hòa bình cho nhân loại.
Nhờ có từ bi, người con Phật sẵn sàng làm việc bố thí ban vui cứu khổ. Bố thí bằng tiền tài, áo cơm…, để đem lại no đủ, ấm cúng cho những mảnh đời bất hạnh. Bố thí bằng giáo pháp để đem lại sự an lạc cho những tâm hồn đau khổ. Bố thí bằng sự che chở, mang đến sự không sợ hãi cho những người yếu đuối đang bị đe dọa bởi quyền uy và thế lực. Tất cả những hành vi ấy tuy khác nhau ở bề ngoài, nhưng nếu xuất phát từ lòng từ bi chân thành thì đều có giá trị như nhau. Từ bi là tình thương không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo. Xưa nay vì bởi sự hiểu biết còn hạn hẹp gọi là tình “đồng bào” mà bao nhiêu đầu người đã rơi, bao nhiêu tù nhân bị gông cùm, xiềng xích, tù đày. Thật là hãi hùng những cuộc chiến mà lịch sử nhân loại đã chứng kiến vừa qua.
Hãy lắng nghe lời dạy xóa tan hận thù của đức Phật:
“Vui thay, chúng ta sống, Không hận giữa hận thù. Giữa những người hận thù, Ta sống không hận thù”.
Trong thế giới đầy hận thù này, đức Phật khuyên chúng ta hãy sống không hận thù, hãy sống với tấm lòng rộng mở. Hãy hạn chế cái tôi nhỏ nhen, hẹp hòi mà hãy suy nghĩ đến lợi ích chung của cộng đồng xã hội. Hận thù là nguyên nhân đưa đến chiến tranh, cạnh tranh, đem đến bất an cho mình và người.
Từ bi chính là tình yêu trong Phật giáo, tình yêu đó vượt ra ngoài sự chấp thủ tự ngã, chấp thủ cái tôi hạn hẹp.
Nên đức Phật dạy rằng: “Này các Tỷ-kheo không dễ gì tìm được một chúng sinh chưa từng là cha, là mẹ, là anh, là chị, là con trai, con gái…,của Ta trong bước đường dài của tái sinh”. Phật giáo với tâm bi ấy mang đến cho hữu tình chúng sinh một niềm an lạc, và giúp phật tử thấm nhuần được tinh thần vô ngã vị tha, cho nên tất cả mọi hành động, ý nghĩa, lời nói đều hướng về lợi ích tha nhân. Chính vì tinh thần này mà phật tử đã sống khoan dung đối với những người có quan điểm dị biệt, truyền bá chính pháp không ra lệnh hay cưỡng ép.
Đức Phật dạy phải tha thứ tất cả và trải tình thương đến khắp mọi nơi. Từ bi với tất cả chúng sinh là con đường duy nhất tạo lập và xây dựng hạnh phúc, an lạc trên hành tinh này. Đức Phật được tôn thờ như một sứ giả hòa bình tuyệt diệu, Ngài tuyên bố: “Này các Tỷ-kheo, một vị thuyết Chính Pháp không có tranh luận với một ai ở đời”.
Như vậy, chúng ta hãy chung sống hòa bình, cùng nhau tồn tại trong hòa bình, cùng nhau xây dựng hạnh phúc cho loài người, cho nhân loại, chúng ta mới có thể ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước, các cường quốc. Vì vậy, chủ trương bình đẳng giữa mọi chúng sinh, giữa muôn loài được cụ thể hóa trong giới cấm sát sinh của đạo Phật. Chính tinh thần này chẳng những không chấp nhận sự tàn bạo, cái ác, mà còn phát huy tính nhân ái và thực hiện chủ trương bình đẳng, tôn trọng sự sống và quyền được sống của muôn loài trên trái đất này. Như vậy, phải chăng giáo lý Phật giáo đã hàm chứa bản “Tuyên ngôn hòa bình” bất diệt của nhân loại.
Hòa bình trong Phật giáo kết hợp bốn vấn đề chính: hạnh phúc, hòa bình, tự do và an ninh. Hạnh phúc cao nhất là Niết-bàn, trạng thái tuyệt vời của hòa bình tối thượng, giải thoát, và thoát khỏi sự trói buộc. Theo quan điển của Phật giáo hòa bình và hạnh phúc đều như nhau, vì một người có hạnh phúc thì không thể không hòa bình được. Phật giáo cho rằng cấp bậc cao nhất của hòa bình đó chính là Niết-bàn, trạng thái cao nhất của hạnh phúc. Vì vậy, để phát triển hòa bình ở cấp độ này mà con người không có phương pháp tu hành, thiền định Vipassana thì không thể đạt được cấp độ này. Cho nên, đòi hỏi phải thực hành pháp, bắt đầu từ việc thực hành năm giới; không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu. Sau đó tiếp tục thực hành Giới vì từ giới phát sinh Định và từ Định sẽ phát sinh Tuệ.
Trong hệ thống tôn giáo hiện nay, Phật giáo có thể đóng một vai trò trong việc cung cấp, và duy trì hòa bình thế giới. Mục tiêu cơ bản của Phật giáo là hòa bình, không chỉ có hòa bình cho con người, mà còn đem lại hòa bình cho tất cả chúng sinh. Đức Phật dạy rằng tâm bình an sẽ dẫn đến lời nói hòa bình và hành động hòa bình. Trong tất cả những lời dạy của đức Phật, có thể nói rằng Bồ đề tâm là tiền thân của hòa bình. Như trong Kinh Pháp Cú đức Phật dạy: “Sabba Papassa akaraman Kusalassa upasampala, Sactia pariyodapanam, Etam Buddhana Sasanam”, có nghĩa là “Không làm mọi điều ác. Thành tựu các hạnh lành, Tâm ý giữ trong sạch, Chính lời chư Phật dạy”.
Vì vậy, khi Bồ đề tâm thành tựu, hòa bình được thiết lập, bạo lực và thù hận bị tiêu diệt. Bên cạnh đó hòa bình còn được xem là hiện tượng của tâm linh. Chúng ta gọi từ Chân tâm (Sara Citta) gần với nghĩa hòa bình. Một người dân bình thường cũng có thể đạt được bằng cách tu tập giáo pháp Tứ vô lượng tâm. Tâm từ (Metta) phá hủy ác tâm và cái tôi, giúp đỡ trong việc đem lại tình yêu thương và hòa bình cho con người.
Chính vì thế, lòng từ bi xuất phát từ tâm thiện, không muốn làm hại bất cứ ai. Chính vì thế mà đức Phật dạy chúng ta trước hết là phải có tâm thiện, lòng từ bi thương yêu tất cả chúng sinh, tu tập Thiền quán, Tứ vô lượng tâm, giữ gìn giới luật…, không tham sân si. Thì từ, đó sẽ đạt được một cuộc sống an lạc, hòa bình, không những cho chúng ta mà còn đem lại được sự hòa bình cho cộng đồng, quốc gia và toàn cầu nữa.
Bản chất của giáo lý Phật giáo là chỉ cho chúng sinh đạo lộ để tiến đến đời sống thánh thiện, bằng cách đoạn tận tham, sân, si là cái nhân xấu xa của khổ đau. Đó là, nền giáo lý thực nghiệm, nổi bật sắc thái từ bi, bất hại, bất sát, bất đạo…, đó là sắc thái của hòa bình, an lạc. Trong khi nhân loại trên thế giới đi vào từ khổ này đến nỗi khổ khác, thì đạo Phật lại ban vui cứu khổ. Chúng sinh có bệnh thì đạo Phật có thuốc, tám vạn bốn ngàn căn bệnh trầm kha được chữa trị bằng tám vạn bốn ngàn pháp môn vi diệu, mà chính đức Phật đã giới thiệu. Đó là, một giáo lý thắm đượm tính nhân bản cao,…Chính vì tính nhân bản này mà Phật giáo đã cống hiến cho nhân loại một nền tảng đạo đức lành mạnh và trong sáng. Nhằm đáp ứng những hoài bảo, ước vọng tha thiết, sâu xa của con người, xây dựng một nếp sống thật sự hạnh phúc và hướng thượng.
Thích nữ Giới Chân
(Học viên Cao học Khóa V, Học viện PGVN tại TP.HCM)
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Phật học
___________
*** Tài liệu tham khảo
1. Thích Minh Châu (dịch),“Đức Phật nhà đại giáo dục”, Hòa bình thế giới, Nxb. Tôn giáo-Hà Nội, 2005.
2. Thích Minh Châu (dịch), “Kinh Tiểu Bộ I”, Nxb. VNCPHVN, TP. Hồ Chí Minh, 1999.
3. Thích Minh Châu (dịch), “Kinh Trung Bộ I”, Nxb. VNCPHVN, TP. Hồ Chí Minh, 1992.
4. Thích Minh Châu (dịch), “Kinh Tương Ương I”, Nxb. VNCPHVN, TP. Hồ Chí Minh, 1992.
5. Thích Minh Châu (dịch), “Kinh Tương Ưng Bộ II”, Nxb. VNCPHVN, TP. Hồ Chí Minh, 1992.
6. Thích Minh Châu (dịch), “Kinh Tăng Chi III”, Nxb. VNCPHVN, TP. Hồ Chí Minh, 1992.
7. Thích Minh Châu (dịch), “Kinh Pháp Cú”, Nxb. VNCPHVN, TP. Hồ Chí Minh, 1992.
8. Võ Đình Cường, “Ánh Đạo Vàng”, Nxb. VNCPHVN, TP. Hồ Chí Minh, 1990.
9. Thích Tịnh Hạnh, “Đại tập 60- Bộ Kinh tập VII- Số 616-639”, Kinh A-Xà-Thế Vương- quyển hạ, Nxb. Hội văn hóa giáo dục Linh Sơn Đài Loan Đài Bắc- Taiwan, 2000.
10. Thích Trí Quảng, “Hành trang của người học Phật”, Năm giới của ngưỡng Phật tử tại gia, Nxb. Tôn giáo-Hà Nội, 2005.
11. Thích Đồng Thành, “Phật giáo và hòa bình thế giới”, Nxb. TP. Hồ Chí Minh.
12. Translation by Venichary Buddharakkhita, “Dhammapada”, The Corpotate Body of the Buddha Education Foundation press, p.