Thức dậy cùng tiếng chuông chùa

Quê tôi là một làng nhỏ ở vùng ven đô Huế. Nhà tôi gần con lộ và ngay sát đó là một ngôi chùa làng. Chùa có tên gọi là Linh Sơn, nhưng người dân trong vùng và cả tôi nữa vẫn thường gọi là chùa Dạ Lê. Chùa là của làng mà làng tôi là Dạ Lê Thượng.

Nhớ thời con đi học, đêm về mẹ tôi phó mặc chuyện thời gian cho tiếng chuông chùa.   

Tiếng chuông lần đầu tiên hãy còn quá sớm, một chút suy tư, một thoáng lưỡng lự. Lần thứ hai vào tầm khoảng 4 giờ sáng cũng là lúc mẹ rời khỏi giường lo bữa ăn sáng cho cả nhà và không quên đánh thức tôi tỉnh dậy học hành, lo bài vở cho buổi sáng đến trường. Ngày nắng nóng cững như lúc mưa lạnh, tiếng chuông chùa làng trở thành chiếc đồng hồ báo thức, đi sâu vào tâm thức của mẹ, của tôi và của nhiều người Huế khác nữa. Nó là sự khởi đầu của một ngày mới. Cùng với tiếng chuông chùa, nông phu thức dậy chuẩn bị cho buổi sáng ra đồng, lao động nghèo phố thị bật dậy chuẩn bị cho gánh hàng rong buổi sáng, cô cậu học trò ôn lại bài vở để bắt đầu một buổi học mới…

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Tiếng chuông chùa đã như một biểu tượng của Huế mình, thành phố được mệnh danh là “kinh đô của Phật giáo Việt Nam”. Cùng với hành trình mở cõi và mảnh đất xứ Thần kinh về với Đại Việt là sự có mặt của tiếng chuông chùa từ rất sớm nơi đây. Ngay từ năm 1553 trong “Ô châu cận lục”, Tiến sĩ Dương Văn An đã nói đến ngôi chùa Tư Khách ở của biển Tư Hiền có từ thời Hoá Châu. Còn Đào Duy Từ (1572- 1643) lại nhắc đến các chùa Bà Viên, Thái La và đặc biệt là chùa Không Hải Tự trong áng thơ văn nổi tiếng “Tư Dung vãn”.

Không chỉ nói đến chùa mà còn kể đến sinh hoạt của chư thiền tăng và cả tiếng chuông chùa vang vọng kia nữa. Đã đi vào lòng người xứ Huế câu ca một thời nổi tiếng “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Khương”. Cũng ngót nghét 400 năm trôi qua, tiếng chuông Thiên Mụ vẫn đều đặn giữ nhịp thời gian cho cuộc sống thường nhật ở đất Cố đô. Tôi nghe kể rằng, không phải bất kỳ ai cũng có thể đánh được chuông chùa Thiên Mụ khi mà tiếng chuông đầu tiên phải cất lên đúng vào lúc 3 giờ 30 mỗi sáng, đều đặn trong một giờ đồng hồ và phải đủ 108 tiếng. Phải là người tu luyện với đầy đủ công phu và làm chủ được bản thân! Ngủ lại ở quê, trong ngôi nhà cũ của ngày xưa ấy, đêm nay tôi nghe lại tiếng chuông chùa làng mà nơi phố thị với bao thanh âm ồn ào, đã lâu tôi không còn được nghe nữa. Lại nghĩ đến đêm hội Rằm tháng Tư rộn vang tiếng chuông chùa đang đến. Lại nghĩ, ai đó cũng như tôi, những người con của xứ Huế vẫn thèm được nghe âm thanh tiếng chuông chùa vang lên trong đêm khuya kia như một đồng hồ báo thức, như một thanh âm đẹp khiến cho người nghe cảm thấy lòng mình như lắng lại với một cảm giác thật khó tả, thanh thoát và nhẹ nhàng. 

Đan Duy