Ba cách để thay đổi số mệnh
Chúng ta có ba cách để thay đổi tướng của ta, thay đổi số mệnh của ta.
Cách thứ nhất là ta luôn phát khởi niệm lành. Niệm của ta lành thì tướng của ta sẽ đẹp. Chắc quí vị cũng đã từng nghe qua câu nói “niệm lành sanh tướng đẹp”.
Cách thứ hai là khi niệm phát khởi mà nó không lành thì ta phải nhận biết để ta không theo nó. Như vậy cách thứ hai là ta phải nhìn ra, phải luôn quan sát tâm của ta, luôn nhìn ra cái tâm của ta để ta có thể loại trừ những điều bất thiện, những điều không nuôi dưỡng. Để ta luôn giữ lại những cái lành thiện trong tâm.
Cách thứ ba, cách này rất là hay, đó là không khởi niệm luôn. Bây giờ niệm không khởi nữa. Niệm không khởi thì tâm ta luôn ở trong trạng thái của sự thanh tịnh. Mà tâm luôn ở trong trạng thái của sự thanh tịnh thì nó luôn thiện lành. Các bạn nhận ra chỗ này không? Trong trạng thái vô niệm thì ta luôn thiện lành do đó tướng của ta chắc chắn sẽ đẹp, sẽ thay đổi.
Mà tướng thay đổi thì vận mệnh của ta cũng được thay đổi theo. Khi ta có thể an trú trong trạng thái vô niệm thì ta sẽ từ một con người bình thường, một con người phàm phu thành một bậc thánh. Tâm vô niệm cũng chính là tâm thiền, tâm giải thoát.
Vua Trần Nhân Tông là một vị vua của đất nước Việt Nam nhưng đồng thời ngài cũng là một vị Thiền sư, ngài làm bài kệ như thế này
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn mệt nghỉ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.
Vô tâm trong bài kệ này chính là vô niệm. Tâm của ta không khởi niệm, vắng lặng, thanh tịnh mà sáng ngời thì đó chính là thiền. Vô tâm có nghĩa là tâm của ta nó không nghiêng về thiện hay ác và vượt thoát cả thiện lẫn ác thì có phải là nó luôn thanh tịnh hay không? Nó không thiện không ác có nghĩa là nó không rơi vào vòng xoáy của đối đãi nhị nguyên do đó nó luôn thanh tịnh. Mà tâm ta luôn thanh tịnh thì có phải là cái tướng của ta sẽ ứng ra tướng thanh tịnh. Thì số mệnh của ta lúc bấy giờ sẽ vượt ra khỏi thiện ác. Có nghĩa là số mệnh ta vượt ra khỏi số mệnh thường tình của thế gian.
Khi ta hiểu được điều này thì bây giờ ta cứ từng bước nuôi dưỡng, giữ gìn ý niệm của ta. Ta luôn phát khởi và nuôi dưỡng niệm thiện lành. Niệm thiện lành là niệm giúp ta, giúp người và không hại bản thân và hại người. Niệm của ta luôn lành như thế có nghĩa là ta đang tích lũy công đức rồi, ta đang tích lũy phước đức rồi.
Nhiều người họ không biết được bí mật này. Người hiểu được đạo lý này thì làm giàu bằng cách trao giá trị, tích lũy công đức bằng cách cho đi. Khi ta luôn cho đi những giá trị mà ta đang có thì ta đang tạo ra là âm đức.
Pháp Nhật