Tập nói đúng Pháp
Tập khả năng kiểm soát lời nói, làm chủ lời nói, có chánh niệm với lời nói là điều rất cần thiết, là tu thật. Một lời nói thất thố thiếu kiểm soát, thiếu chánh niệm có khi gây hại cả đời cho mình và người.
Bịnh từ cửa miệng đi vào, hoạ từ cửa miệng mà ra quả không sai.
Ông bà ta hay dạy con cháu: Học ăn học nói, học gói học mở, ngẫm kỹ thấy hay và giá trị vô cùng trong cuộc sống.
Những người thành công trong sự nghiệp chắc là họ đã vận dụng rất tốt lời dạy này trong cuộc sống của họ.
Dù là người xuất gia tu hành hay cư sĩ Phật tử tại gia mà nói những điều không nên nói, không đáng nói, không cần nói là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều bất hòa, thù hằn, khổ đau, thất bại.
Người sống trên đời chỉ cần học được cách chỉ nói điều thiện không nói điều ác xem như đã tu được một nửa rồi.
Thời quân chủ phong kiến các hoàng đế đều được dạy: Quân bất hý ngôn (vua không nói đùa), mỗi lời nói ra đều là thánh chỉ, có ảnh hưởng đến đất nước, muôn dân.
Người tu hành theo Phật pháp hiểu sâu và thực hành nói điều đáng nói, thuận chân lý, thuận hướng an lạc, giải thoát thì hiện tại được an lạc, mọi người quý mến kính trọng, tương lai sẽ gặt quả giác ngộ giải thoát. Thái tử Tất Đạt Đa sau khi giác ngộ thành Phật Thích Ca, mỗi lời nói ra đều là chân lý, là trí tuệ, là từ bi lợi ích cho muôn vạn chúng sanh.
Có những lời nói như hoa, như mật cũng có những lời nói như rác, như phân.
Vấn đề này rất đáng để chúng ta suy nghĩ.
Vậy cụ thể thế nào là nói điều đáng nói?
Trong Tám pháp giác ngộ (Bát thánh đạo), có chánh ngữ (lời nói chân chính)
Trong kinh Tức vị tỳ kheo thuyết thuộc Trung bộ kinh, đức Phật dạy kỹ rằng:
Này các đệ tử, hãy nên nói điều đáng nói,
Nói những điều phù hợp nghĩa của bậc Thánh tức là hợp chân lý, sự thật Trung đạo
Nói những điều khiến tâm nhu nhuyến, ôn hoà, được điều phục.
Nói những điều làm cho tâm không bị ác pháp che lấp tức không bị sự ích kỷ, đố kỵ, tham chấp, u mê, hận thù che lấp.
Tức là nói về giới, nói về định, nói về tuệ, nói về giải thoát, nói về giải thoát tri kiến,
Nói về sự tổn giảm lần lần các pháp bất thiện, các pháp ác như sát đạo dâm vọng, cố chấp, vướng mắc.
Nói về việc không ưa tụ họp ồn ào thị phi, chê bai chỉ trích nói xấu người khác.
Nói về thiểu dục (ít, bớt, không còn ham muốn dục lạc thấp kém của thế gian như tham đắm rượu chè bài bạc, hút sách…)
Nói về tri túc (hạnh sống đơn giản, tối giản)
Nói về pháp đoạn trừ các pháp ác, vô minh, phiền não, tập khí, thói hư tật xấu…
Nói về vô dục (tâm không còn tham đắm dục vọng)
Nói về pháp diệt (Đoạn trừ nguồn gốc của khổ đau, đạt được Niết bàn an vui)
Nói về tĩnh tọa (phương pháp ngồi thiền quán sát chân lý, thân thọ tâm pháp
Nói về duyên khởi.(lý duyên khởi là nguồn gốc thực tướng Vô thường khổ không vô ngã của các pháp).
Có được những điều được nói như vậy của Sa-môn được trọn đủ, dễ được chứ không khó.
Tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì hãy nên thực hành nói như thế.
Nói đơn giản hơn là hãy nên nói những lời chân thật, có giá trị xây dựng, hoà ái, hợp sự thật, điều hay lẽ phải lý thiện thuận hướng an lạc giải thoát Niết bàn.
Không nên nói những lời sai trái đâm thọc xấu ác hại người, thối tâm bồ đề tu hành.
Thế giới này, ai cũng tập nói điều đáng nói, không nói những điều không đáng nói thì đã góp phần biến toàn cầu này trở thành tịnh độ nhân gian.
Dưới một lời nói của một thiền sư có thể giúp thiền sinh ngộ đạo, vượt thoát khổ đau muôn kiếp trong sinh tử luân hồi.
Một lời nói cay nghiệt độc ác, thâm hiểm có thể hại người không gươm không dao.
Cho nên phàm làm người hãy nên tập nói những điều đáng nói mang lại an vui hoà hợp, hướng thượng, hạnh phúc giác ngộ cho muôn người, muôn loài.
Tu cái miệng
Nói đúng pháp
Về giới định tuệ
Thương yêu, giác ngộ
Điều đáng nói.
TS. Thích Hạnh Tuệ – TS. Thích Nữ Thanh Quế