Báo Lao Động phản ánh chùa Phật Quang nhưng lấy hình Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM để minh họa

Vừa qua, Báo Lao Động đã xuất bản một video Những cơ quan nào bị “xướng tên” khi để chùa của sư Thích Chân Quang xây dựng trái phép, lấn rừng?, đã lấy hình ảnh cơ sở I Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM để minh họa cho phản ánh được cho là các vi phạm của chùa Phật Quang ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Qua phản ánh của bạn đọc, được biết video trên kênh YouTube Báo Lao Động và website Lao Động Media (laodong.vn/media) xuất bản ngày 29-8-2024, thuộc Báo Lao Động – Cơ quan của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Theo đó, khi dùng hình ảnh minh họa cho phản ánh liên quan tới các công trình xây dựng trái phép tại chùa Phật Quang (xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) và trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với tình trạng lấn chiếm đất rừng phòng hộ, trong video đã sử dụng nhiều hình ảnh chùa chiền không phù hợp với nội dung phản ánh.

Chẳng hạn, tại giây 1:03, Báo Lao Động đã lấy cảnh Đại Tòng Lâm (là một trong những trung tâm hành hương, tôn giáo của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nhưng không hề liên quan tới chùa Phật Quang cũng như sư Thích Chân Quang) để minh họa cho cái được gọi là “sư Thích Chân Quang xây dựng trái phép”.

Nghiêm trọng hơn, tại giây 1:36, video của Báo Lao Động đã sử dụng cơ sở cấp đại học thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam là Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM để minh họa cho nội dung được gọi là “các hạng mục sư Thích Chân Quang xây dựng trái phép”!

Hình ảnh Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM tọa lạc tại đường Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận, TP.HCM do cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu – Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng sáng lập chủ trương kiến thiết, là trung tâm đào tạo Tăng Ni cấp đại học và sau đại học về Phật học, đã bị sử dụng để minh họa cho nội dung được cho là “công trình xây dựng trái phép, lấn rừng” ở tận… tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trong video của Báo Lao Động không chỉ xuất hiện một lần, mà lặp lại sau đó.

Không chỉ sử dụng hình ảnh Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM để minh họa cho hành vi được cho vi phạm pháp luật nghiêm trọng từ năm 2018, liên quan tới trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về rừng phòng hộ ở địa phương, Báo Lao Động còn sử dụng hình ảnh của nhiều chùa khác (không phải chùa Phật Quang ở núi Dinh) để minh họa cho video của mình.

Việc làm đó, với một vấn đề được cho là vi phạm pháp luật nghiêm trọng là lấn chiếm rừng phòng hộ, lại đi lấy hình ảnh của các cơ sở giáo dục của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các chùa chiền khác, như Báo Lao Động đã làm trong video của mình, không rõ vì động cơ gì.

“Việc này khó chấp nhận đối với một cơ quan báo chí có ảnh hưởng như Lao Động, phải chăng do Giáo hội Phật giáo Việt Nam ít phản biện trước các vấn đề trên nên người ta muốn làm gì thì làm, bất chấp sự xúc phạm tới tổ chức giáo dục như Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, cũng như các tự viện khác; gây nên hiểu lầm đáng tiếc cho người xem, tiếp cận thông tin, nhiễu loạn dư luận về Phật giáo; đánh tráo hình ảnh như thế là việc làm không thể chấp nhận được.”, Nguyễn Văn Độ, một bạn đọc bày tỏ bức xúc.

Báo Giác Ngộ đã liên lạc với đại diện Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, Thượng tọa Thích Giác Dũng, Phó Viện trưởng kiêm Trợ lý Viện trưởng cho biết việc Báo Lao Động sử dụng hình ảnh của cơ sở giáo dục Phật giáo tại TP.HCM thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam để minh họa cho hành vi được cho là vi phạm pháp luật của một cơ sở khác ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là không thể chấp nhận.

Nói với Báo Giác Ngộ ngày 30-8-2024, Thượng tọa cho biết Học viện cũng đã nhận được một số phản ánh bày tỏ sự bức xúc về việc làm trên của Báo Lao Động. Nếu là sơ suất thì cũng khó chấp nhận đối với một cơ quan báo chí lớn, trước một hiện tượng liên quan tới pháp luật và quản lý Nhà nước; còn với sự cố ý thì đó được cho là ác ý bất chấp nguyên tắc đạo đức và nghề nghiệp. Rất mong lãnh đạo Báo Lao Động có tiếng nói chính thức về việc này.”, Thượng tọa Thích Giác Dũng cho biết.

Hà My/Báo Giác Ngộ