Cách xưng hô trong chùa, người Phật tử nên biết

Có nhiều người Phật tử đi chùa lâu năm; nhưng cách xưng hô vẫn chưa hiểu rõ. Hôm nay, chúng tôi sẽ viết về vấn đề này một cách rõ ràng, để quý vị lãm tường và cố gắng thực hiện cho thêm phần công đức lợi lạc trong cuộc sống đạo của mình.

Thông thường ở ngoài đời mình kính trọng ai hay có những cử chỉ kính, nể, sợ và khi mình khinh khi ai có những cử chỉ trái ngược lại. Trong hai chữ trọng và khinh cũng đã hàm chứa rõ ý nghĩa của nó rồi. Trọng nghĩa là nặng chồng chất lên. Khinh có nghĩa là nhẹ hoặc là riêng rẻ. Và hai chữ xưng cũng như hô cũng đã hình dung cho chúng ta biết được rằng có người trên kẻ dưới và người dưới đối với kẻ trên. Ở ngoài xã hội đã thế, trong chùa cũng có lối xưng hô tương đối khá đặc biệt hơn. Chúng tôi sẽ lần lượt trình bày như sau:

A. Giới xuất gia đối với người xuất gia

Người xuất gia là người đã rời bỏ gia đình, bà con thân thuộc, vào chùa để sống một cuộc sống đạo hạnh. Xem công danh, địa vị nhẹ tợ hồng mao. Nhưng không có nghĩa là không có trên dưới phân minh. Quy Sơn Cảnh Sách dạy rằng: “Bất kính thượng trung hạ tọa, như Bà La Môn tụ hội vô thù”. Nghĩa là kẻ nào không biết kính trên, nhường dưới và kẻ giữa mình, cũng giống như những người Bà La Môn lộn xộn, thiếu trật tự không khác. Vì thế, việc xưng hô ở đây không còn là giai cấp nữa, mà là một tôn ti trật tự trong cuộc sống hằng ngày.

1. Người lớn tuổi đạo với kẻ nhỏ tuổi đạo

Tuổi đạo ở đây được căn cứ theo công đức tu hành trong các phẩm vị Hòa Thượng, Thượng Tọa, Ðại Ðức, Sa Di và Chú Tiểu sơ cơ nhập đạo. Người lớn tuổi đạo được ngồi trước và ngồi trên hay gọi người dưới mình bằng tên hoặc bằng cấp bậc. Ðôi khi vị Hòa Thượng gọi một Thượng Tọa bằng Thầy hoặc pháp danh của vị ấy và vị Thượng Tọa gọi vị Ðại Ðức, vị Ðại Ðức gọi Sa Di cũng vậy. Người lớn tuổi đời; nhưng nhỏ tuổi đạo, vẫn phải xếp theo thứ lớp trong chùa chứ không như ngoài thế tục được.

Một vị Hòa Thượng khi nói chuyện với người dưới thường hay xưng tôi hoặc chúng tôi. Có nhiều người thắc mắc tại sao chỉ có một người mà hay thấy quý Thầy xưng là “chúng tôi”. Vì lẽ rằng Ðạo Phật là Ðạo diệt ngã.

Ở đời người ta bị khổ đau vì cái “ta” nhiều quá. Nên xưng “chúng tôi” cũng có nghĩa là có ý san bằng cái ngã tự kỷ của mình với ý niệm diệt ngã trong Ðạo Phật. Hoặc xưng “chúng tôi” cũng có nghĩa là nhún nhường. Có nhiều vị Thượng Tọa xưng là bần Tăng đối với người dưới hoặc ngay đối với kẻ trên, để chỉ cái nhỏ bé của mình đối với kẻ khác.

2. Người nhỏ tuổi đạo đối với những vị lớn tuổi đạo

Chú Tiểu thường xưng với vị Sa Di là con. Vị Sa Di mỗi khi trình lên với vị Ðại Ðức một việc gì cũng thường hay “bạch Thầy” và “xưng con”. Cũng có nhiều vị Ðại Ðức đối với các vị Thượng Tọa cũng bạch Thầy, xưng con vậy. Lắm khi nhiều vị Thượng Tọa được Phật Tử nể kính tôn sùng; nhưng khi về lại chùa xưa gặp vị Hòa Thượng Bổn Sư của mình, ngoài việc bạch Thầy, xưng con ra còn phải đảnh lễ nhiều lần như thế nữa, để tỏ tình Sư Ðệ. Ðiều này cho chúng ta thấy rằng dầu người đệ tử của mình có trở thành một vị Thầy như thế nào đi chăng nữa, đối với Thầy Tổ của mình vẫn cung kính như xưa; không vì phẩm vị mà quên đi đạo nghĩa của ân sư.

Có nhiều người mới thọ giới hôm trước, ngày sau đã đắp y đội mũ xưng mình là một bậc Tỳ Kheo trong thiên hạ, không hổ thẹn lắm ru!! Hoặc hiêu hiêu tự đắc cống cao ngã mạn xem người trên kẻ dưới chẳng ai bằng. Vì thế Ðức Phật thường hay chế giới ra là để răn cấm những người phá giới.

Hướng dẫn cách chào hỏi và xưng hô của người Phật tử với chư Tăng

00

B. Người xuất gia đối với các vị tại gia cư sĩ

Ðược gọi là một cận sự nam hay một cận sự nữ khi nào người phật tử đó đã quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới hoặc Bồ Tát giới tại gia. Khi quy y, mỗi người phật tử có một vị Thầy truyền giới cho mình. Vị ấy gọi là Thầy Bổn Sư. Tức là vị Thầy chính của mình.

Trong gia đình, con cái đối với cha mẹ như thế nào; ở cửa Ðạo, người Phật tử tại gia cũng kính trọng Thầy Bổn Sư của mình như thế ấy. Vị Thầy của mình quy y cũng giống như là một vị hướng dẫn tinh thần của mình trong cửa đạo vậy. Vì lẽ ấy nên giữa tình nghĩa Thầy đối với đệ tử cũng như đệ tử đối với Thầy được phân định như sau:

1. Các vị xuất gia xưng với các đệ tử

Ðệ tử ở đây có thể kể cả hai giới xuất gia lẫn tại gia. Ít có Thầy nào tự xưng mình là Hòa Thượng, Thượng Tọa hoặc Ðại Ðức, mà những phẩm này do người dưới vì sự kính cẩn nên mới xưng tụng. Nếu có chăng đi nữa ở chỗ tâm tình, vị Thầy thường hay xưng với đệ tử của mình là “Thầy” hoặc “tôi” v.v… và vị Thầy đó gọi các vị cư sĩ tại gia bằng tên, pháp danh, đạo hữu hoặc phật tử v.v… Ví dụ một vị Thầy muốn gọi đệ tử của mình thường hay nói như thế này: “Này Hạnh Tâm! Lại đây Thầy nhờ cái này một chút”. Hoặc “Như Nguyện! Thầy muốn nhờ con đi mua dùm cái này cho Thầy một chút v.v… Nếu vị đệ tử ấy lớn tuổi đời hơn mình, vì lối xã giao thông thường hằng ngày nên gọi là anh, chị hay Bác v.v… để phù hợp với các xưng hô của thế trần. Nhưng nếu gọi đúng phải gọi là đạo hữu, Phật tử hoặc pháp danh là hay hơn cả.

2. Các vị tại gia cư sĩ xưng hô với quý vị xuất gia

Trường hợp này có nhiều vấn để để viết nơi đây. Có nhiều vị cư sĩ khi gặp một vị Thầy, vị Thầy này có thể lớn hoặc nhỏ tuổi, đạo hạnh hay bình thường, hay xưng bằng “tôi”, “con”, “cháu” v.v… Có nhiều trường hợp xưng bằng “em” nghe cũng ngộ nghĩnh và người nghe cảm thấy hơi nực cười.

Tại vì sao người Phật tử xưng “tôi” đối với một vị Thầy?

– Có thể vì họ chưa hiểu đạo. Hoặc vì họ nghĩ rằng họ lớn hoặc bằng tuổi với vị Tu sĩ kia. Nhưng nghĩ như thế là lầm. Vì mình tuổi đời lớn, chứ tuổi đạo có lớn đâu. Người nhỏ tuổi nhưng kiếp này đã tu trước mình, có nghĩa là kiếp trước họ đã tu và kiếp này họ đang tiếp tục. Còn mình mặc dầu đương lớn tuổi; nhưng chưa có duyên với Phật Pháp, nên vẫn là kẻ đi sau. Tuy lớn nhưng mà nhỏ.

Trong kinh Pháp Hoa có nói rằng:

“Có người trăm tuổi chỉ là một gã thanh niên bảo đây là cha ta và người thanh niên kia chỉ người trăm tuổi bảo đây quả thật là con ta. Cha trẻ mà con già”. Ðây là ý nghĩa đã trình bày như trên vậy.

– Hoặc cũng có thể người Phật tử tự cảm thấy rằng mình có địa vị hơn, giàu có hơn, học thức hơn, nên xưng tôi cũng không có gì khó coi lắm. Ðịa vị, giàu có và học thức là chuyện của thế gian. Còn người tu tất cả phải xem đời là vô thường mộng ảo, đối với họ đâu có gì quý báu ngoài giá trị của chơn tâm!

Tại sao người Phật tử thường hay xưng “con” với một vị Tăng sĩ?

– Có thể đây là những người đi chùa lâu năm và hiểu đạo. Có nhiều cụ già 70 tuổi; nhưng gặp một vị Ðại Ðức trẻ vẫn bạch Thầy, xưng con, đôi khi làm cho vị tân Ðại Ðức ấy cũng ngại ngùng. Thế nhưng ở đây có 2 điều lợi: Ðiều thứ nhất – người tự xưng có thể dẹp bỏ tự ái, cống cao ngã mạn của mình. Ðiều thứ hai – người được xưng tụng phải xấu hổ mà cố gắng tu hành. Nếu không lo tu, các công đức đều bị mất dần hết.

Có nhiều vị Phật tử còn lạy các vị Tăng nữa. Ở đây cũng có hai vấn đề được đặt ra:

– Vấn đề thứ nhất: vì cung kính đức hạnh của vị Tăng mà lạy. Khi lạy, người Phật tử dẹp được các tự ái ngã mạn của mình.

– Vấn đề thứ hai được đặt ra là: Vị Tăng ấy có xứng đáng cho mình lạy không? Có lẽ những người Phật tử vì quan niệm rằng vị Tăng ấy xứng đáng nên mình mới lạy. Nhưng xứng đáng hay không – phần người lạy được thêm phước; kẻ bị lạy, mất đức rất nhiều; nếu đức của vị Tăng ấy có. Nếu vị Tăng đó không có đức thì đức đó bị giảm dần và đôi khi còn bị trừ đi nữa là khác. Do đó dầu ở bất cứ trường hợp nào, người lạy vẫn có phước mà kẻ bị lạy bị hao tổn phước đức rất nhiều. Vì thế cần phải tu hành tinh tấn nhiều hơn nữa. Trong luật cũng có dạy rằng một vị Sư Bà khi gặp một vị tân Ðại Ðức cũng phải cung kính như bậc Thầy của mình. Do đó, một cư sĩ tại gia đối với một người xuất gia xưng bằng “con” là một điều đúng hơn cả. Con ở đây là con tinh thần của các vị tăng sĩ vậy.

Tại sao có nhiều vị cư sĩ gặp quý Thầy, quý Sư Cô xưng bằng cháu hoặc em?

– Vì họ nghĩ rằng mình đáng vai cháu hoặc em của các vị Thầy này. Nghĩ như thế là nghĩ theo thế gian pháp. Phật pháp không như thế gian pháp được. Nếu xưng em mà một vị Cư sĩ nam đối với một vị Tăng sĩ nghe còn tạm được, mặc dầu hơi chướng tai. Nhưng nếu là một nữ thí chủ mà xưng “em” với một vị Thầy thì nên coi chừng sẽ bị tai tiếng hoặc sự dòm ngó bên ngoài. Có nhiều bà xưng với Sư Cô hoặc Sư Bà bằng em – điều này có thể tạm được. Nhưng nếu các vị cư sĩ nam không lẽ xưng với Sư Cô bằng anh hay Bác sao? Do đó xưng “con” vẫn là hay hơn cả.

Có nhiều người Phật tử trước mặt thì bạch Thầy xưng con; nhưng lúc không có mặt vị Thầy đó thường hay gọi là ông Hạnh Tâm, ông Hạnh Ðức v.v…làm như thế là tự mình dối lòng mình rồi. Có mặt Thầy cũng như sau lưng Thầy nên gọi bằng Thầy. Có nhiều người kính trọng Thầy, ít gọi tên Thầy mà hay gọi tên của chùa Thầy ấy trụ trì. Ví dụ như Thầy Vạn Ðức hay Ôn Chúc Thánh v.v…

Có nhiều người còn gọi ông Thầy Tâm Ðức, ông Thầy Vạn Phước v.v… Ðây là cung cách gọi của những người chưa hiểu đạo. Nếu gọi bằng “ông Thầy”, có lẽ phải có thêm “Bà Thầy” mới đúng. “Bà Thầy” ở Việt Nam chưa có, nhưng ở Nhựt thì đã có từ lâu. Vô hình trung các Phật tử Việt Nam đã đồng hóa Thầy của mình mà không biết. Hoặc có nhiều người lúc cung kính thì bạch Thầy xưng con ngọt xớt; nhưng khi có chuyện gì thì xắn quần quá gối đứng trước cửa chùa chửi vô “cái thằng cha Thầy chùa đó thế này thế nọ” hoặc “Sư gì như Sư hổ mang” hoặc “Tế Ðiên Hòa Thượng” v.v… Ðiều đó chứng tỏ được khả năng hiểu đạo của họ khá nhiều rồi… Đến đây sực nhớ một câu chuyện ngày xưa khi Ðức Phật còn tại thế như sau:

“Có một người Bà La Môn vì ganh ghét với Ðức Phật, nên ngày nào cũng đến nơi Ðức Phật ở để chửi rủa Ngài rất thậm tệ, đến khi sức mỏi lực hao Ðức Phật vẫn không có một thái độ nào cả. Người Bà La Môn kia mới hỏi Ðức Phật rằng:

– Bộ ông là gỗ đá sao mà tôi chửi ông không biết hổ thẹn ?

Ðức Phật hỏi lại rằng:

– Nếu nhà ngươi có đám giỗ, làm cỗ thật nhiều, sau khi giỗ xong, mang cỗ ấy đến biếu người hàng xóm. Nếu người hàng xóm ấy từ chối. Vậy mâm cỗ ấy về ai ?

Người Bà La Môn kia trả lời rằng:

– Thì về người cho mâm cỗ chứ về ai nữa.

Ðức Phật mới dạy rằng:

– Ở đây cũng thế đó. Lâu nay ngươi đến đây chửi ta; nhưng ta không nhận. Vậy xin trả lại cho ngươi đó.

Người Bà La Môn ấy xấu hổ ra về”.

Việc học đạo và tu theo đạo Phật là vậy đó. Mình đi chửi người hoặc xem thường người, chính tâm ta và miệng ta dơ bẩn trước; trong khi người khác vẫn còn trong sạch. Nên để ý lắm thay !

Có một vị Thiền sư Nhật Bản thế kỷ thứ 13 có dạy đệ tử của Ngài rằng: “Ngươi học đạo phải nên thận trọng, Thái độ của mình lúc tiếp khách như thế nào thì khi ở trong phòng riêng của mình cũng như thế ấy”. Câu nói tuy đơn giản nhưng ý nghĩa biết dường nào, chúng ta nên xem kỹ lại. Vì thế cho nên lúc có Thầy cũng như khi không có Thầy, lúc nào cũng xem giống nhau, không nên thiên lệch mà tổn phước cho chính thân mình.

3. Các vị Phật tử tại gia đối với các vị Phật tử tại gia

Ở đời thường hay gọi Cụ, Ông, Bà, Chú, Bác, Cô, Dì, Anh, Chị, Em v.v… nhưng khi vào chùa nên gọi bằng pháp danh với nhau có lẽ dễ nghe hơn. Cũng có thể gọi nhau bằng anh, bằng chị – nhưng là anh Nguyên Giác, chị Diệu Mỹ v.v…nghe nó có vẻ Thiền vị nhiều hơn là ông này bà kia.

Có nhiều chùa còn nghe ông bà Ðại Tá, ông bà Ðại Sứ, ông Kỹ Sư v.v… nhưng khoe khoang như thế để làm gì. Ðó chẳng qua là nhãn hiệu của phù trần, đâu có cần thiết gì trong cửa đạo. Vì chuyện của thế gian là chuyện của khổ đau tục lụy. Chuyện của Thiền môn là chuyện của giải thoát nhiệm mầu. Khi vào chùa chúng ta nên cởi bỏ những nhãn hiệu ấy đi và nên để ngoài cổng chùa cho Thiền môn được yên tĩnh.

Trong chùa hai danh từ thường hay được gọi là Ðạo Hữu hoặc Phật tử. Ðạo Hữu là những người bạn cùng trong một Ðạo với nhau. Phật tử là những người con của Ðức Phật. Dùng danh từ nào cũng đúng nghĩa cả. Nhưng thông thường danh từ Ðạo Hữu có vẻ “già” và “đạo mạo” hơn nên để dành cho những vị lớn tuổi. Danh từ Phật tử có vẻ trẻ trung nên để gọi nhau với những người trẻ.

Trên đây là một số danh từ thông thường trong cách xưng hô ở chùa. Chúng tôi viết lên đây chỉ nhằm mục đích xây dựng đạo, không cố ý chỉ trích ai, hoặc khuyên bảo điều gì. Nếu quý vị Phật tử tại gia thấy cần thiết thì nên chấp nhận. Nếu thấy không hợp thời, không hợp cơ cũng chẳng có sao. Vì Ðạo Phật là đạo Tự Giác. Không có quyền năng gì để đi ép buộc người khác phải theo mình. Nếu có chăng, trong tinh thần tự độ và độ tha mà thôi.

Chúng tôi quan niệm rằng: “Sự thật bao giờ cũng là sự thật”; nên không ngại viết ra những dòng này để xây dựng một vài khuyết điểm nếu đã, đương và sẽ có trong cửa Thiền. Có lẽ sẽ có nhiều vị chống đối chúng tôi về quan điểm này. Vì chúng tôi đã viết lên sự thật. Nhưng người viết bài này không còn cách nào hơn là phải chấp nhận sự thật vậy.

Dù cho sự thật ấy có phũ phàng cay đắng. Biết mà không nói không phải là người có tâm, vì tha nhân mà nói mà không biết quả là người chưa biết bơi mà đã tự đi cứu người. Do đó, nếu bài này có đến mắt quý độc giả, Phật tử cũng như không Phật tử; người Ðạo Phật cũng như kẻ đạo khác xem đây như là một đóng góp chung nho nhỏ trong sứ mạng truyền giáo và hộ giáo của Tăng cũng như của Tục trong cuộc sống ngày nay.

HT. Thích Như Điển