Vấn đáp về lợi ích của Phật Pháp với Pháp sư Thông Kham

Hỏi: Giáo lý của Ðức Phật thật là cao sâu mầu nhiệm. Vậy Phật pháp có ích gì cho nhân loại, cho hạng tại gia cư sĩ?

Đáp:

Người trần thế chia ra làm hai hạng:

Hạng không phải Phật tử, quan niệm rằng: ở đời cần có nhiều tiền, danh vọng lớn, uy quyền to, vì những điều ấy mang hạnh phúc lại cho họ. Vì hạng người này không bao giờ lưu tâm tìm hiểu Phật giáo.

Hạng Phật tử mặc dầu còn trong vòng thế tục, nhưng có xem kinh, nghe pháp, nên nhận thấy Phật giáo là con đường đi đến chân hạnh phúc. Hạng Phật tử được thừa hưởng rất nhiều lợi ích trong Phật pháp. Nhưng có ba điều lợi ích là:

1. Lợi ích tránh xa tội lỗi.

2. Lợi ích hành theo lẽ chính (làm việc lành).

3. Lợi ích dập tắt phiền não, giữ lòng thanh tịnh, để tiến lần ra khỏi vòng luân hồi khổ não.

Xin giải thích ba điều lợi ích kể trên.

Ðiều 1: Ðức Thế Tôn dạy tránh xa các tội ác thông thường:

1. Làm hại người và vật có thức tánh.

2. Trộm cướp, lường gạt, gian lận, cưỡng bách để đoạt của người về làm của mình.

3. Tà dâm.

4. Nói dối, nói đâm thọc, nói lời vô ích.

5. Chửi rủa.

6. Nói lời hung ác.

7. Tham lam.

8. Suy nghĩ phương thế làm hại người.

9. Cột oan trái, oán thù.

10. Tà kiến, là không tin nhân quả, luân hồi.

Muốn tránh 10 tội ác trên thì nên hành 10 Pháp đối trị:

1. Không làm hại người, vật, nghĩa là không sát sinh.

2. Không trộm cắp, lường gạt, gian lận, cưỡng bách để cướp lấy của người.

3. Không tà dâm.

4. Không nói dối, nói lời đâm thọc, nói lời vô ích.

5. Không chửi rủa.

6. Không nói lời hung ác.

7. Không tham lam.

8. Không bao giờ nghĩ đến sự làm hại người.

9. Không cột oan trái oán thù.

10. Có chánh kiến, nghĩa là tin nhân quả, luân hồi.

Chúng ta thấy rõ rằng: Phật giáo chủ trương dạy người tránh điều ác, làm việc lành, hầu xây dựng hạnh phúc cho mình và cho xã hội, đây là điều lợi ích thứ nhất của Phật pháp.

Cư sĩ, Phật tử tu học hướng tới điều gì?

03

Ðiều 2: Làm việc lành như hành theo chính pháp, tức là tuân theo lời giảng dạy của Ðức Phật lấy luân thường, đạo đức làm nền tảng, xây dựng xã hội lành mạnh. Ðối với đạo, phải căn cứ trên tinh thần tự độ, độ tha.

Muốn xây dựng đời:

1. Phải giúp đỡ lẫn nhau trong việc hoan, hôn, tang, tế, và chung sức lập cơ quan từ thiện, hầu cứu trợ đồng bào trong cơn hoạn nạn, nhất là giúp đỡ cô nhi quả phụ, cùng người già cả cô đơn, tật bệnh.

Phật giáo không chấp nhận sử dụng tiền của phát sanh do tà mạng như tiền trộm cắp, gian lận, vào trong mọi công tác từ thiện, vì tiền bất chính của kẻ bất chính làm việc thiện để che mắt thế gian và quảng cáo bản thân cho ra vẻ ta đây là người đạo đức.

Sự cung cấp rượu và nha phiến cho người ghiền, không phải là việc làm từ thiện của Phật tử.

2. Bố thí cho người hành khất, rải vật thực cho thú như cho chim ăn, hoặc mua thú phóng sanh, hoặc cung cấp vật cần thiết cho tu sĩ.

3. Cha mẹ có phận sự nuôi dưỡng và dạy bảo con cho nên người dân lương thiện đối với quốc gia, cho trở thành người đệ tử chân chính đối với đạo đức. Phật giáo dạy cha mẹ phải áp dụng 5 pháp đối với con:

a. Răn cấm con không cho làm tội ác.

b. Khuyên dạy con làm thêm những việc lành.

c. Cho con học nghề lương thiện hoặc học chữ tùy theo sở thích của con.

d. Chọn nơi xứng đáng dựng vợ gả chồng cho con.

e. Phân chia sự nghiệp cho con.

4. Làm con phải đền đáp cho tương xứng với công ơn cha mẹ theo đúng 5 pháp:

a. Phụng dưỡng cha mẹ cho chu đáo.

b. Giúp đỡ cha mẹ mọi việc, không nên đợi cha mẹ sai bảo mới làm.

c. Luôn luôn vâng lời dạy bảo của cha mẹ.

d. Gìn giữ tài sản của cha mẹ đã chia cho, không để hư hoại.

e. Khi cha mẹ đã quá vãng phải tùy sức làm mọi việc phước thiện và hồi hướng phước báo đến cha mẹ.

5. Người bề trên thương yêu kẻ dưới như thân thuộc họ hàng phải đối xử theo 4 pháp dưới đây:

a. Mở rộng tình thương.

b. Giúp đỡ trong khi họ thiếu thốn, bệnh hoạn hoặc khi họ có tai nạn.

c. Nâng đỡ họ lên địa vị cao.

d. Ðối xử công bằng không thiên vị.

6. Kẻ dưới đối với người bề trên cũng phải áp dụng theo 4 nguyên tắc:

a. Không lẩn tránh phận sự.

b. Hết lòng làm tròn nhiệm vụ.

c. Không bê trễ, không làm hỏng công việc.

d. Làm việc mau chóng và tốt đẹp.

Người Phật tử lý tưởng, vị cư sĩ sáng chói

393409494_727418922758713_742525934570519536_n

Ðiều 3: Diệt trừ phiền não để giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi.

Ðiều này quan trọng nhất và lại khác hẳn với quan niệm của đời. Vì đời thường tìm hạnh phúc giả tạm trong vật chất nên không thông hiểu nổi tinh thần siêu việt của đạo giải thoát.

Diệt phiền não để thoát khỏi luân hồi đến nơi hạnh phúc tuyệt đối của Niết bàn thật khó cho người đời lãnh hội được. Vì đạo và đời tương phản nhau, theo quan niệm người đời thì càng kiếm thêm được nhiều tiền của lợi danh càng hay, còn theo lý đạo biết tri túc (tự biết đủ) là thượng sách.

Hơn nữa người đời ít hiểu phiền não là gì, hay có biết chăng nữa cũng chỉ biết một cách lờ mờ, nhiều người cho đó là nết hư tật xấu. Nhưng cũng có lắm chuyện tốt mà cũng là phiền não. Như ta muốn làm giàu, cặm cụi tối ngày quên ăn bỏ ngủ, nếu việc làm này đúng theo chánh mạng thì không tội lỗi gì. Nhưng vì sự làm lụng quá mức ấy, đời sống sẽ giảm thọ, mất vui và quên trau dồi về đạo đức nên kiếp vị lai cũng không hơn gì kiếp này mà còn e rằng kiếp sau càng tệ hơn kiếp này. Chính cái lo chạy theo tiền tài danh vọng ấy là phiền não, vì nó đem sự khổ đến cho ta. Khi bị thất bại thì đã đành rồi, nhưng nếu may ra có thành công cũng chẳng sung sướng gì hơn, vì còn phải để tâm giữ gìn của ấy nữa.

Vì thế nên Ðức Thế Tôn dạy chúng ta rằng: Phiền não có rất nhiều loại và mang nhiều hình thái khác nhau, lắm khi hết sức vi tế khiến các bậc xuất gia trí thức mà vẫn còn chưa phân biệt được rõ rệt, nhưng cái lầm ấy chẳng hạn như khi tham thiền, niệm một đề mục nào như niệm số tức quan, tức là niệm hơi thở, bỗng dưng thấy kim thân Ðức Thế Tôn hay thấy rõ ràng Ðức Thế Tôn hiện ra, vì thấy đề mục khác với cái niệm của mình, nhưng cái thấy ấy lại là thấy Phật thì vị Ðại đức ấy chấp cho là thật nên rất vui thích nên khoe khoang rằng: Ta đã gặp Phật. Thật ra đó chỉ là một hiện tượng của vọng tâm, đó là một phiền não rất vi tế và tai hại, vì nó có thể đưa hành giả đến nơi tà đạo và làm ngăn trở con đường giải thoát.

Tóm lại, phiền não là nguyên nhân làm cho tâm nhơ đục, bẩn thỉu: Phiền não có rất nhiều, nhưng không ngoài ba nguyên nhân chính là Tham lam, Sân hận, Si mê.

Cũng có thể hiểu cho dễ là: Những ác pháp trói buộc chúng sinh không cho giải thoát khỏi vòng thống khổ.

Trích từ “Giải đáp thắc mắc của người cư sĩ” – Pháp sư Thông Kham (Mahà Medhivongse). 

Pháp sư Thông Kham