Do nhân gì, duyên gì người giàu, kẻ nghèo?
“Một thời, Thế Tôn ở Sàvatthi, tại tinh xá ông Anàthapindika. Có thanh niên Subha Todeyyaputta đi đến đảnh lễ, bạch Thế Tôn: Thưa Thế Tôn, do nhân gì, duyên gì giữa loài người với nhau, chúng tôi thấy có người tài sản nhỏ, có người tài sản lớn?
Này Thanh niên, hãy nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ nói:
Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông không bố thí, cúng dường cho Sa-môn hay Bà-la-môn các đồ ăn uống, y phục, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, ngọa cụ, nhà cửa, đèn đuốc. Do nghiệp ấy, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú và đọa xứ. Nếu được đi đến loài người, chỗ nào người ấy sinh ra, người ấy phải chịu nghèo hèn, có tài sản nhỏ. Con đường đưa đến tài sản nhỏ, này Thanh niên, là không bố thí, cúng dường cho Sa-môn hay Bà-la-môn các đồ ăn uống, y phục, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, ngọa cụ, nhà cửa, đèn đuốc.
Nhưng ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay đàn ông có bố thí và cúng dường cho Sa-môn hay Bà-la-môn các đồ ăn uống, y phục, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, ngọa cụ, nhà cửa, đèn đuốc. Do nghiệp ấy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, thiên giới. Nếu được đi đến loài người, chỗ nào người ấy sinh ra, người ấy được giàu sang, có nhiều tài sản. Con đường đưa đến nhiều tài sản, này Thanh niên, là bố thí, cúng dường cho Sa-môn hay Bà-la-môn các đồ ăn uống, y phục, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, ngọa cụ, nhà cửa, đèn đuốc”.
(Kinh Trung bộ III, kinh Tiểu nghiệp phân biệt, số 135 [trích])