Tây Du Ký: Sắc Dục
Ở thế gian, sắc dục là một thứ dễ làm cho con người say đắm, bởi bề ngoài do trang điểm phục sức, với dáng điệu, cử chỉ khêu gợi và lời lẽ êm ái ngọt ngào làm quyến rũ khiến cho người ta rung động mê mẩn tâm thần mà mềm lòng sa ngã.
Ở thế gian, sắc dục là một thứ dễ làm cho con người say đắm, bởi bề ngoài do trang điểm phục sức, với dáng điệu, cử chỉ khêu gợi và lời lẽ êm ái ngọt ngào làm quyến rũ khiến cho người ta rung động mê mẩn tâm thần mà mềm lòng sa ngã. Nếu không dùng trí tuệ rõ được lẽ thật của sắc dục thì sẽ bị vướng mắc vào chúng. Như ở hồi 23 nói về ý này, xin lược dẫn một đoạn.
Mấy thầy trò Đường Tăng đến một thôn trang. Trong thôn có người đàn bà góa có ba đứa con gái… Bà gặp mấy thầy trò liền muốn kết đôi cho cả bốn… Đường Tăng nghe kể lể gia sản, nghề nghiệp, sắc đẹp liền sợ rúng người, mắt không dám nhìn lại. Còn Bát Giới nghe ngứa ngáy, đứng ngồi không yên bèn chạy lại sư phụ nói: “Bà đây nói chuyện với sư phụ sao sư phụ làm thinh, phải quan tâm một tý chứ”. Đường Tăng liền mắng Bát Giới: “Chúng ta là người xuất gia há lại để phú quý động lòng, vẻ yêu kiều mê trí, còn làm được gì?”.
Thế rồi mấy thầy trò không ai chịu, chỉ có Bát Giới động lòng nên giả đò đi chăn ngựa, lén ra nhà sau gặp người đàn bà để bàn việc ở rể … Bà nói có ba đứa con không biết gả đứa nào nên đành làm trò bịt mắt Bát Giới, hễ mò đụng đứa nào thì gả đứa đó… Bát Giới mò hoài không đụng ai mà chỉ đụng vào cột nhà, bàn ghế u đầu chảy máu trán… Rồi bà lấy ba chiếc áo của ba đứa con gái ra cho Bát Giới mặc, nếu mặc vừa của đứa nào sẽ gả cho, Bát Giới mới mặc áo vào thì áo liền hóa thành dây trói gô lại ở một góc….
Đây cho thấy những cái phú quý, vẻ yêu kiều hào nhoáng dễ quyến rũ và hấp dẫn đó làm cho lòng người say đắm không biết được lẽ thật. Nhưng chưa thưởng thức được trọn vẹn mùi vị của nó thì lại u đầu, dập trán và bị trói buộc không được tự do. Nó là sợi dây vô hình, nếu lơ là chủ quan theo bản năng thường tình của thế gian thì sẽ bị nó trói cột từ đời này sang kiếp nọ khó thoát ra được. Là người hành đạo phải có trí tuệ thấy tận bản chất lẽ thật bên trong của nó là một thứ nhơ nhớp hôi thối đáng gớm được định hình bởi sự ràng rịt của gân xương, phũ bên ngoài một lớp da, rồi phục sức trang điểm để che mắt những người mê lầm hay háo sắc. Ở Việt Nam chúng ta có vị vua ngự trên ngôi cửu trùng không thiếu vàng bạc châu báu và nhất là cung phi mỹ nữ… mà ngài lại thức tỉnh có nhận xét đúng đắn thiết thực được ghi lại trong sách sử qua những câu thế này:
… Đầu sọ khô cài hoa giắt ngọc
Túi da hôi ướp xạ xông hương
Cắt lụa là che đậy máu tanh
Giồi son phấn áp thùng phân thối.
Sắc dục có những điểm làm cho con người dễ say đắm ái nhiễm, chấp mắc mà trong nhà Phật gọi là lục dục. Tức sáu thứ dễ làm cho con người khởi tâm ham muốn luyến ái với đối tượng khác giới tính. Hơn nữa, không phải chỉ say đắm sắc khác giới, mà con người luôn luôn đắm ái sắc thân mình, nên hay trau chuốt nắn nót từ đầu đến chân và mãi chưng diện bằng mọi cách, hầu làm cho thân này tươi trẻ đẹp xinh để mọi người ngắm nhìn, đó là thói thường của phàm tình.
Sáu thứ đó là:
1- Sắc dục: Thấy sắc diện đẹp đẽ tao nhã, khả ái nên sanh lòng tham đắm.
2- Hình mạo dục: Hình dáng thùy mị đoan trang trắng trẻo, dung mạo duyên dáng mong muốn được gần gũi.
3- Oai nghi dục: Những cử chỉ hành động đi, đứng, ngồi, nằm cùng những nụ cười, dáng điệu tới, lui đoan nghiêm tề chỉnh mà sanh lòng cảm mến.
4- Ngôn ngữ âm thanh dục: Những lời nói dịu dàng êm ái, âm thanh trong trẻo ngọt ngào mà sanh lòng thích gần gũi lắng nghe.
5- Tế hoạt dục: Dáng vẻ nuột nà bóng bẩy xinh xắn, da thịt mịn màng hay cường tráng khoẻ mạnh của thân thể mà sanh lòng đắm mến.
6- Nhân tướng dục: Đây là nói cái nhân do quá khứ huân tập thâu thập những hình tướng của năm dục trên đem vào tạng thức làm chủng tử, nên khi hiện tại đối diện năm dục trên mà sanh lòng tham đắm dính mắc.
Bởi do nhìn bằng nghiệp cảm nên khi thấy một trong sáu dục trên thân đối tượng, con người dễ động lòng dính mắc mà dấy lên những ham muốn gần gũi người khác phái. Hơn nữa, trong Kinh Tăng Chi Bộ III, chương 8 có nói tám hình tướng trói buộc với đối tượng khác giới tính như sau: “Nữ nhân trói buộc nam nhân với nhan sắc dung mạo; lời lẽ âm thanh; tiếng hát lời ca; áo quần phục sức; vật tặng; xúc chạm; tiếng cười và thậm chí cả nước mắt”. Tất cả những thứ ấy đều là tác nhân tạo ra hấp lực luyến ái nhau. Ngược lại, nam nhân trói buộc nữ nhân với tám hình tướng tương tự như vậy. Thế nhân biết được những điểm yếu đó của con người nên khi cảm nhận đối tượng có một trong những điều đó thì họ làm cho đối tượng vừa ý hoặc xiêu lòng để họ lợi dụng thực thi theo ý đồ riêng của họ. Còn người hành đạo chân chính do thấu rõ tám điều trên có thể gây tác hại đến phẩm hạnh nên cần phải dè dặt thận trọng chớ có xem thường mà rơi vào cạm bẫy. Nói sâu xa hơn nữa là sự ham muốn của con người đối với sáu trần qua tư dục riêng, như mắt thì muốn thấy hình sắc đẹp, tai thì thích nghe những lời êm dịu, những âm thanh vui vẻ, nhẹ nhàng…; mũi thì thích ngửi mùi thơm tho trong sạch; lưỡi thì muốn nếm những vị ngon ngọt bổ dưỡng; thân thì muốn xúc chạm êm ái…; ý thì nghĩ tính muốn những điều lợi ích để thỏa mãn năm căn trên. Tóm lại sáu cái ham muốn ấy không ngoài sự cảm thích của sáu căn khi tiếp xúc với sáu trần.
Đây là nói chung cả nhân loại, bởi vì nó đã có chủng tử ngủ ngầm trong tạng thức ở nhiều đời kiếp rồi nên đời nay khi đến tuổi trưởng thành thì việc đó không ai dạy mà vẫn tự biết, khi gặp duyên thì nó liền sống dậy khởi động rồi kết tạo thêm nhân ái nhiễm tự trói buộc mình. Cho đến các việc khác cũng thế, trong đời không ai dạy mà khi gặp hoàn cảnh môi trường tương ứng với những hiểu biết có sẵn từ trước thì ta liền nhớ và biết. Chẳng hạn như có người thấy hình tượng Phật hay nghe pháp rồi phát tâm tu hành, là do gieo trồng nhân giác ngộ, quy y Tam bảo tu hành từ thuở trước nên nay vừa có duyên gặp lại thì liền nhớ. Cho nên chúng ta phải khéo biết để chuyển hoá những gì không hay, không tốt trở thành cao thượng hơn.
Cũng có trường hợp không phải đợi đối tượng có sắc đẹp mới được người đeo đẳng thương mến, mà đôi khi đối tượng sắc diện bình thường hay chẳng đẹp đẽ gì cả nhưng vẫn được người lưu tâm để ý; bởi lẽ họ có nhân cách hay một đặc điểm ưu thắng gì đó, như đức hạnh, cần mẫn siêng năng, thể hiện lòng từ với tha nhân, biết vị tha hỷ xả, cảm thông mọi người chung quanh… nên phần đông nhân loại mến thương, do vậy mới có câu “đẹp nết hơn đẹp người”. Hơn nữa, nếu có cái nhìn sâu sắc hơn thì dù đối tượng đó không có ưu điểm gì đặc biệt, lại vẫn có người để lòng cảm mến thì biết đó là do hai người đã có chủng duyên tình cảm từ nhiều đời, nay được duyên đối diện (dù chỉ lần đầu) liền cảm mến như có ma lực thu hút. Thế thì không phải đợi đối tượng có diện mạo đẹp đẽ người ta mới cảm thương. Trái lại, đôi lúc gặp đối tượng có sắc đẹp nhưng họ bộc lộ những hành vi chẳng mấy đàng hoàng, lời lẽ không được êm ái làm cho nhiều người chẳng màng đến, huống nữa là muốn gần gũi thương mến, nên dân gian có câu “cái nết đánh chết cái đẹp” là nói hạng người này.
Bởi sắc đẹp của thể xác không tồn tại lâu dài mà luôn bị phai tàn theo thời gian, hay có một biến cố nào đó nó sẽ không còn đẹp nữa. Nó như một loài hoa sớm nở chiều tàn do sự vận hành của định luật vô thường làm hoại diệt. Nhưng có một cái đẹp phơi bày trước mắt mọi người mà ít ai biết cảm nhận để tâm trao dồi. Đó là cái đẹp của đức hạnh.
Đức hạnh là cái đẹp không bị thời gian và không gian làm hao mòn hư hoại, nó luôn bền vững trong cuộc sống hiện tại và tồn tại mãi cho đến vị lai. Nó như loài hoa có hương thơm tỏa rộng bàng bạc trong không gian khiến những người chung quanh có thể cảm nhận được. Nếu người có sắc đẹp về thể xác mà nét đẹp của đức hạnh không có thì đừng tự mãn, họ giống như loài hoa có sắc không hương sẽ chẳng được mọi người ở xa chiếu cố, hãy cố gắng tạo thêm cho mình vẻ đẹp đức hạnh. Còn người khiếm khuyết vẻ đẹp nơi thể xác mà đức hạnh lại vẹn toàn thì giống như loài hoa có hương thiếu sắc, nhưng nhờ hương bay tỏa ra khiến mọi loài ong bướm cảm đến thưởng thức hương vị. Song mùi hương của các loài hoa đều không thể bay ngược gió. Chỉ có mùi hương đức hạnh tuy ngược gió nhưng vẫn bay khắp muôn phương. Cũng vậy, người đức hạnh nhờ có đức tính đó mà được mọi người quí mến tán dương. Cho nên cái đẹp không phải ở sắc diện mà chính nét đẹp của đức hạnh mới gọi là đẹp, nhưng nếu được cả hai thì toàn vẹn vậy.
Hình ảnh của các vị Bồ Tát là tượng trưng cho đức hạnh, nên ta thấy vị nào cũng có sắc diện đẹp đẽ và vóc dáng trang nghiêm phúc hậu, điển hình là Bồ Tát Quan Âm. Ngài là một hình ảnh tượng trưng cho tâm hồn cao thượng luôn ban vui, cứu khổ cho tất cả chúng sinh. Bởi mỗi vị Bồ Tát có một đức hạnh khác biệt nên vóc dáng và sắc diện của từng vị có vẻ đẹp riêng. Thế thì đức hạnh không thể thiếu ở con người, vì đó là cái đẹp ai cũng tôn trọng quí mến.
Do đó, chúng ta phải biết chuyển cái nhìn để thấy đúng bản chất mọi sự vật như là Phật và Bồ Tát thấy thì mới không bị nghiệp cảm lôi cuốn. Nếu không như thế thì ít ra cũng phải có chút ít trí tuệ để thấy lẽ thật hành tướng của sắc dục. Sắc thân có là do hội hợp đủ các yếu tố mới thành hình. Nhưng khi thành hình phải vay mượn những vật chất bên ngoài để bồi bổ vào nó mới phát triển nở nang hồng hào, và phải phục sức trang điểm để che giấu những gì xấu xa dơ bẩn thì mới có một vóc dáng, hình hài dễ nhìn như thế. Bản chất sắc thân là nhơ bẩn nên ở thế gian người ta mới có sáng kiến chế phẩm ra các thứ nước hoa, hay xà phòng có hương thơm để cho người sử dụng át đi mùi hôi từ thập khiếu thải ra và để mọi người chung quanh được dễ chịu một chút. Nếu sắc thân vốn đã sạch, thơm thì con người khỏi phải tắm rửa và cũng chẳng cần dùng các thứ nước hoa xông ướp hay xà phòng thơm để tẩy rửa rồi! Nhưng thật ra là không phải vậy. Dù cho có tô son điểm phấn sắc thân như thế nào đi nữa thì cũng chẳng thể che giấu được bản chất dơ bẩn xấu xa của nó. Nếu có cái nhìn như thế thì ta sẽ không còn ái chấp thân mình và ngoại giới.
Thực tế ở đời, nếu ai có tâm đam mê sắc dục nhiều thì lại càng khổ nhiều, bởi họ lúc nào cũng luôn luôn tơ tưởng về nó, bị cái hình bóng đó ám ảnh không rời. Nếu họ thương yêu một đối tượng nào mà được đáp ứng lại thì còn cảm thấy phấn khởi đầy sinh khí sống. Bằng ngược lại họ sầu não, buồn chán không còn muốn sống nữa mà thế gian gọi là tình yêu đơn phương. Hoặc họ đang yêu thương một người mà không có điều kiện gần gũi mong được thỏa lòng như ý muốn, nên đầu óc cứ lắng đắng, lơ đễnh mọi việc, tâm trí lúc nào cũng có cảm giác đau khổ dằn vặt, mà người đời thường gọi là bệnh tương tư hay thất tình. Cho nên đối với sắc dục họ chưa có thưởng thức được những gì là vui, là thỏa mãn thì bị một sự đau khổ thầm lặng không ai có thể san sẻ, thay thế hay giải mở cho mà chỉ có họ tự chịu lấy. Cũng giống như Bát Giới chơi trò bịt mắt, mò hoài không đụng vào ai, lại phải bị u đầu, chảy máu trán vậy. Nhưng nếu họ có gần gũi với sắc dục được chút ít thì đã bị nó bó buộc hạn hẹp trong một khuôn khổ không được tự do. Vì vậy, đối với sắc dục, họ chưa được thưởng thức bao nhiêu thì đã bị sợi dây vô hình trói buộc suốt cả một quãng đời và bao kiếp thêm vướng lụy, giống như Bát Giới vừa mặc áo vào liền bị dây trói vào một góc không nhúc nhích được. Điều này mong thế hệ trẻ hãy thân cận với ông bà hoặc cha mẹ mình hỏi thử xem có phải thế không nào? Riêng tôi thì thấy nhan nhản những hiện trạng ấy chung quanh cuộc sống.
Tài, sắc, danh, lợi, tình là những thứ mà người đời hay đang say đắm, tìm tòi cảm thọ, thiếu những thứ đó người ta cảm thấy thiệt thòi và hết sinh khí sống, do đó họ dùng đủ mọi cách thức mong đạt được các thứ ấy. Nếu người lương thiện thì làm những việc chính nghĩa sòng phẳng, không lợi dụng công sức hoặc chiếm đoạt tài sản của kẻ khác; họ cần mẫn chất phác làm với hai bàn tay và kinh nghiệm sáng tạo ở tài trí để tạo ra những thứ cần dùng cho cuộc sống. Trái lại có người không giống như trên, họ tính toán thủ đoạn, lươn lẹo, dối trá lường gạt hoặc có khi chiếm đoạt của cải kẻ khác đem về làm của riêng cho chính mình, họ không biết gì đến tội lỗi và nhân quả. Trong khi đó những người bị họ gạt lại mất mát đau khổ, vì thế trên thế gian này có đủ chuyện đau lòng.
Để biết được đôi phần nguyên nhân gây ra đau khổ xin dẫn trong quyển Thập đại đệ tử có câu chuyện như sau. Ngài A Na Luật là một vị đã chứng A La Hán được Thiên nhãn thông đệ nhất, Ngài thấy đến thế giới Cực lạc và cũng thấy tận mọi hành vi ở chốn Địa Ngục. Vì vậy, Ngài thấy có rất nhiều phụ nữ bị đọa Địa Ngục nên thắc mắc trong lòng. Một hôm, Ngài đến hỏi Phật:
– “Bạch Thế Tôn, theo con thấy ở thế gian người nữ rất kính tin Tam bảo, nghe lời Phật dạy và con thấy người nữ có lòng nhân từ hơn người nam. Vì cớ sao họ lại bị đọa vào Địa Ngục nhiều như vậy?”.
Phật đáp: “Này A Na Luật, trong Phật pháp người nữ dễ kính tin và nghe lời đó là sự thật, nhưng họ dễ tạo tội cũng rất nhiều đó là một sự hiển nhiên. Bởi họ có ba thứ tâm ái nhiễm dính mắc nhiều hơn người nam:
1- Lúc sáng sớm mới thức dậy tâm san tham của người nữ rất nặng, họ mong cầu tất cả tài bảo ở trước mặt đều muốn gom về cho mình.
2- Đến lúc trưa tâm tật đố ganh tỵ của họ lớn dần nên dễ sanh tâm ngã mạn. Họ cảm thấy rằng mọi người chung quanh đều làm chướng ngại mình.
3- Đến chiều tối, tâm dâm dục của họ lại bộc phát mạnh, lúc nào cũng mong có người kề vai dựa má bên mình.
Bởi do phái nữ phần đông có những tâm như trên nên họ rất dễ gây tạo lỗi lầm. Đó là nguyên nhân khiến họ chiêu cảm phạm tội phải đọa Địa Ngục rất nhiều”.
Những điều vừa nêu trên không chỉ riêng về phái nữ mà ở phái nam nếu có những tâm đó thì cũng đều nhận lãnh hậu quả giống nhau. Nói đây để ai có những tâm ấy hãy nên chỉnh đốn, chuyển hóa đừng để xảy ra điều sai lầm đáng tiếc đó, chớ không phải nói những cái không tốt của người.
Nếu người nào có tài, danh, sắc trong tay khéo biết sử dụng thì những thứ đó rất cần thiết và hữu ích trong cuộc sống cộng đồng. Vì có mà biết buông xả chia sẻ cho mọi người đó là tu hạnh hỷ xả, tức là ta không tham và mọi người sẽ bớt khổ nên cả hai đều có lợi. Như có tiền tài đem giúp cho người thiếu thốn hoặc bị thiên tai, bệnh tật, cô quả không nơi nương tựa v.v….; hay có địa vị chức phận trong xã hội, khi có người cần đến hãy hết lòng giúp đỡ với khả năng và sở trường của mình hiện có mà không phân biệt thân sơ, giàu nghèo, để người đỡ nhọc công tốn của. Còn người có những thứ đó mà không biết sử dụng vào việc hữu ích, chỉ biết bảo thủ lo cho tư lợi để cảm thọ, thì một thời gian nào đó phước hết sẽ bị khốn khổ đọa lạc không thể tránh khỏi.
Có điều ở đời, ta thấy những ai có tiền, tài, sắc đẹp và công danh thì người ta dễ gây cảm tình mà sẵn sàng giúp đỡ mọi việc khi đương sự cần đến, nên họ đi đến đâu cũng dễ dàng dành được sự cảm mến, ưu tiên. Bởi nó có một sức mạnh thu hút đối với những người có tư tưởng thực dụng nhìn cuộc đời bằng cái nhìn nghiệp cảm về tài, sắc và danh lợi. Điều này chúng ta chú ý một chút sẽ thấy rõ. Nên biết “Tài, sắc, danh, lợi, tình”, những thứ này khi bị vướng vào thì khó mà thoát ra được. Người xưa có nói:
Áo trần con lỡ mặc vào
Nợ trần con biết ngày nào cởi ra.
Thật đúng như câu:
Ta cứ ngỡ xuống trần chơi một lát.
Lại nào ngờ ở mãi đến bây giờ.
Đó là do mình quá nặng nợ trần (nghiệp quả phải mang), lại bị những sợi dây mơ, rễ má….(dây oan trái) cuốn quyện tâm can làm cho con người đau khổ quằn quại suốt đời kiếp. Có nhà thơ nói hai câu thế này:
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
Thành thử, người hành đạo phải sáng suốt tinh ý thấu rõ bản chất những thứ ấy để vượt qua, chớ có trách than. Hay là được chút ít phước báo hiện đời thì phải khéo léo sử dụng chớ có ái nhiễm dính mắc mà khổ lụy thân tâm.
(Theo sách Tây Du Ký qua cách nhìn của người học Phật).