Nơi khởi nguồn yêu thương
Về thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh, TP.Hội An, ghé khu vườn nhà chị Phạm Thị Hoa, bạn sẽ thấy, sẽ cảm nhận được tất cả những gì giản dị, chân thành và yêu thương nhất từ nơi này.
Những ngày nắng hạ miền Trung oi nồng cũng là những ngày mọi người có thể cảm nhận rõ nhất cái tình từ nơi rất ấm áp với tên “Vườn rau 0 đồng” của Chi hội Phụ nữ Thanh Đông, xã Cẩm Thanh, TP.Hội An.
Mỗi sáng tinh mơ, chị em đã tranh thủ tưới bón, thu hái rau
Đây là một vườn rau nhỏ chứa đựng rất nhiều điều giản dị, yêu thương mà không phải nơi nào cũng có, bởi hoàn cảnh và mục đích ra đời của nó rất đặc biệt, cũng như sự lan tỏa của nó cũng lắng đọng vô cùng.
Trong thời điểm cả nước bị dịch Covid-19 đe dọa, cuộc sống trở nên khó khăn, nguy hiểm về mọi mặt, đã có những đoàn thể, cá nhân vẫn luôn đau đáu tìm phương pháp, mô hình hiệu quả, an toàn để góp cho cộng đồng những gì thiết thực nhất.
Nhận thức được ý nghĩa cũng như sự quan trọng của phong trào đoàn thể, nhất là trong hoàn cảnh bấy giờ, Ban chấp hành Chi hội Phụ nữ Thanh Đông do chị Phạm Thị Lai làm Chi hội trưởng, chị Phạm Thị Hoa làm Chi hội phó cùng 10 chị em cán bộ tiểu tổ đã đồng tâm đồng lực triển khai phương án, thảo luận và hành động, tạo vườn rau hữu cơ 0 đồng để hỗ trợ chị em cải thiện bữa ăn gia đình, giảm chi tiêu trong giai đoạn kinh tế khó khăn.
Vườn rau được triển khai vào những ngày giữa tháng 3.2022 với tiêu chí cụ thể: hoàn toàn hữu cơ, hoàn toàn 0 đồng cho chị em phụ nữ khó khăn, hoàn toàn số quỹ gây được sẽ được trưng dụng cho công tác hội và duy trì vườn rau.
Ngôi nhà cấp 4 chị đã từng cho những học sinh bên Duy Nghĩa ở trọ để đi học
Bất chấp mọi khó khăn, vườn rau luôn phát triển. Bám phương châm, chị em phụ nữ Thanh Đông luân phiên nhau làm phân hữu cơ, xới đất, ươm mầm, tưới cây để đảm bảo luôn có nguồn rau sạch cung cấp cho phụ nữ thôn nhà.
Từ khi khởi động đến nay, ngoài việc hỗ trợ rau sạch thường xuyên cho phụ nữ khó khăn, nguồn quỹ thu nhập từ rau sạch kết hợp với nguồn ve chai, các chị đã hỗ trợ khuyến học hàng chục trẻ em khó khăn; đỡ đầu được 2 trường hợp trẻ em mồ côi cha, mẹ; hỗ trợ sinh kế cho một phụ nữ khó khăn trong thôn; kết hợp với các nguồn quỹ từ những hoạt động khác, các chị đã hỗ trợ chuyến xe du lịch cho chị em phụ nữ đi tham quan, qua đó gắn kết chị em và phát triển phong trào.
Từ vườn rau này, còn có câu chuyện cảm động của cô chủ với những sẻ chia đầy ấm áp. Chị là người phụ nữ đã về hưu, tham gia công tác hội. Để có được mô hình vườn rau, chị đã thống nhất với chồng và mẹ cùng các con rằng, cho phụ nữ mượn mảnh đất gần 200 mét vuông để canh tác. Ban đầu để có vốn làm đất, phân, giống và chi phí cho vườn rau, chị đã hỗ trợ hội 4 triệu đồng. Lúc đầu, trông có vẻ thuận lợi về con người, vì dịch bệnh nên chị em tham gia đông, vườn rau cũng xuất nhập đều đặn. Nhưng khi dịch dần lắng thì chị em lại tất bật với kinh tế gia đình nên để duy trì vườn luôn có rau, các chị đã phải vận động thêm những chị em hội viên khác có thời gian linh hoạt hơn tham gia và luân phiên ươm mầm chăm sóc. Bản thân chị cùng chồng mỗi sáng đều tưới nước, chăm sóc để luôn có rau sạch vườn xanh.
Quán cà phê yêu thương chị tạo nên để giúp người em họ cải thiện cuộc sống
Và tại vườn rau này, chị đã dựng lên một quán cà phê nhỏ, cũng rất yêu thương, vì quán được hoạt động nhằm tạo thêm công ăn việc làm cho một người em họ có hoàn cảnh khó khăn. Một góc bên kia vườn rau là ngôi nhà cấp bốn cũ nhưng vững chãi. Tại ngôi nhà nà, chị đã từng cho những học sinh bên Duy Nghĩa qua trọ đi học cấp ba khi chưa có cầu Cửa Đại, rồi cho người thầy giáo tá túc trong mùa dịch – mang con chữ đến với học trò hay hiện tại là nơi ở cho gia đình của một cặp vợ chồng trẻ có đến 4 con gái, chị cũng chỉ lấy chút ít gọi là tiền điện, nước để giúp họ tá túc mưu sinh.
Khu vườn của chị.
Nơi có “Vườn rau 0 đồng” của Chi hội Phụ nữ Thanh Đông.
Nơi có quán cà phê yêu thương.
Nơi có ngôi nhà cũ nương náu ước mơ của những bạn học trò, nơi thầy giáo nương con chữ, nơi mưu sinh của một gia đình nhỏ với những cung bậc cuộc đời…
Tại nơi này, mỗi sáng luôn có tiếng cười nói rộn rã của chị em thu hái rau, tưới bón, ươm mầm; trao gửi những yêu thương… Và nữa, là mít, xoài, mận cứ thoảng hương thơm thảo gọi mời khi ai đó hữu duyên ghé vườn gặp mùa thu quả.
Khi hỏi vì sao trong thời buổi kinh tế du lịch, giá cả leo thang đắt đỏ mà chị sẵn sàng sẻ chia như vậy? Chị cho biết, chị về hưu rồi, tiền lương mỗi tháng cũng đủ chi tiêu, con cái đứa nào có phần nấy rồi nên giúp được gì cho đời thì mình giúp thôi…
Thế đấy. Mọi thứ cứ giản đơn và bình dị như không có gì đáng để nói, vậy mà sự yêu thương cứ lan tỏa đến vô cùng.
Những sẻ chia với mảnh đời thiệt thòi cứ thế làm ấm lên cả một khoảng vườn, lan tỏa khắp thôn xã và xa hơn nữa với những “tự nhiên hương”, bằng chính những điều thật giản đơn: yêu thương, dung dị, chân thành!
Nguồn báo Thanh niên