Lúc đang mắng chửi, mình là ai?
Cứ tưởng mắng chửi người khác, nói xấu người khác thì nhân phẩm mình cao lên, sự đúng đắn ở những khái niệm, triết thuyết tự cho là của mình được nâng thêm tầm quan trọng trong một nhóm người nào đó, thật sự không hẳn. Nó như con sóng được dâng lên đến một đỉnh cao rồi sẽ mất hút và chìm sâu không bọt bóng…
Ảnh: Làng Mai
“Lời nói là hoa cũng là gai nhọn. Lời nói rồi sẽ trôi qua nhưng mũi tên thì sâu hoắm. Học nói mãi vẫn chưa nên khôn, huống nữa lỡ dại một lần”. Ông bạn miệt biển nói xong, kéo cặp kính sát mắt để soi cho rõ mặt người đang đối diện. Người bạn trẻ ngồi cạnh mình liền hưởng ứng: “Một lời nói, ngàn mũi tên theo không kịp… Nói có khi gây thù chuốc oán, có lúc lại thành bạn, tri âm. Nói theo, nói leo, nói hùa, nói quên cả mình đang ở đâu thì tự mình khoét miệng vực cho mau lọt thỏm, đen thui”.
Chúng ta vẫn thường triết lý, hay tự cho mình đúng, là phát hiện, sáng tạo. Nhưng đôi khi và thật sự mình nhầm, rất nhầm. Cái biết, thấy cạn cợt mà mình tự cho là của mình, đã có hằng hà sa số vết chân qua.
Ý kiến, nếu ai cũng như ai thì không còn gì để nói, xã hội đó trở nên thước đo của tính tập thể đồng thuận rất cao. Tuyệt vời cực điểm nếu điều đó đem lại sự an ổn và giá trị tích cực cho tất cả và mãi mãi. Tuy vậy, ý kiến trái chiều để dẫn đến xung đột thì nó có cần thiết đến như vậy không? Có thể vết thương trên thân thể này, máu rồi sẽ khô, vết thương rồi khép miệng và lành nhưng vết sẹo thì còn, lời nói thì vẳng bên tai, bạn bỏ qua được chăng? Khó, khó lắm. Bởi, ai cũng to đùng “cái tôi”, là sĩ diện, cho rằng điều mình nghĩ, lời mình nói, việc mình làm là thước đo của giá trị chân xác và mãi mãi. Nó đâu thể hằng thường, mọi sự vật, sự việc vô thường cả, mình biết nhưng lờ đi, cố tình quên!
Lúc đang mắng chửi một ai đó thì mình đang là hoa hay là gai nhọn? Gương mặt mình đang tươi tắn hay có nhiều nét không dễ nhìn. Tim dồn dập đưa máu tuần hoàn có khi bị nghẽn nhịp vì sự tức giận cao trào. Lời nói càng độc, nhiều hiểm họa cho người thì mình cũng bị nhiễm xạ, trực tiếp và đầu tiên. Căng thẳng và mệt mỏi, lý luận miệng không xong có khi dẫn đến xung đột bằng ẩu đả, trầy trượt và tê tái trong nỗi khổ niềm đau cũng từ ngọn nguồn ham muốn hơn người, thông minh hơn đời.
Một khi cơn giận được trút xuống bằng ngôn từ không dễ chịu thì mọi sự thân quen hôm nào bỗng bị tắt ngúm. Bao nhiêu kế hoạch, hợp đồng, đối tác với nhau xù hết, không chơi nữa, chẳng dòm mặt nhau, nghe tên cũng đã ghét. Tự mình ghim mũi tên vào tim mình ngày thêm sâu. Có bao giờ mình đã hoán đổi vị trí mình là bạn và bạn là mình, mình là họ và họ là mình để có đôi lần cúi xuống nhìn cho thật kỹ, soi cho sạch lòng dẫu nhàu nhĩ.
Chợt nhớ câu chuyện về mắng chửi trong Tiểu bộ kinh.
“Một lần, Phật đi giáo hóa vùng Bà-la-môn, các tu sĩ Bà-la-môn thấy đệ tử của mình đi theo Phật nhiều quá, nên ra đón đường Phật chửi. Phật vẫn đi thong thả, họ đi theo sau chửi. Thấy Phật thản nhiên làm thinh, họ tức giận, chặn Phật lại hỏi:
– Ngài có điếc không?
– Ta không điếc.
– Ngài không điếc sao không nghe tôi chửi?
– Này Bà-la-môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng họ không nhận thì quà ấy về tay ai?
– Quà ấy về tôi chứ ai.
– Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì thôi”.
Cứ tưởng mắng chửi người khác, nói xấu người khác thì nhân phẩm mình cao lên, sự đúng đắn ở những khái niệm, triết thuyết tự cho là của mình được nâng thêm tầm quan trọng trong một nhóm người nào đó, thật sự không hẳn. Nó như con sóng được dâng lên đến một đỉnh cao rồi sẽ mất hút và chìm sâu không bọt bóng. Những tiếng vỗ tay ca thán kia có rát lòng tay chăng?
Lại nhớ vụ thằng nhóc hay nói láo “nhà tôi bị cháy”, lừa mọi người trong làng. Đến khi nhà nó cháy thật, chẳng ai thèm quan tâm, cứ tưởng nó đùa dai như những lần trước. Ông bạn rỉ rả nheo nheo mắt, nói với mình mà như tâm sự của ông: “Tụi mình ráng học nói, chứ không lại mang cái nhãn trên mình giống thằng hay nói láo ‘nhà tôi bị cháy’, thiên hạ cũng chỉ mượn cớ hùa để vì niềm riêng, chẳng ai khờ mà không biết và ghét thằng nói láo kia. Trò hề cả mà!”.
Lời thầy dạy bình văn thời phổ thông còn vẳng bên tai: “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Khi đám đông nguội dần, tiếng vỗ tay không còn, cuộc nói đã tàn, ai trong chúng ta hồi tâm suy xét chợt ồ, sao lại như vậy cà, cũng đã muộn màn… Mũi tên đã cắm vào trong gió rát. Day dứt đó theo nhau suốt quãng đường còn lại. Bởi, tật đố kỵ luôn neo trong lòng thì chúng ta không thể trưởng thành, mãi chỉ là những đứa trẻ bập bẹ học lời hoa.
Nói mãi mà quên xác trà ươm gốc hồng, hoa nở đẹp. Thôi, uống trà đi bạn ơi!
Theo Thiện Ngộ/Báo Giác Ngộ