Kinh Trung đạo nhân duyên thực giải
Người đời thông thường nghiêng về hai khuynh hướng nhận thức: một là có, hai là không; chấp có hay chấp không cũng đều là chấp cả, hễ chấp sẽ khổ
Vướng mắc, chấp cố là do không thông đạt, bị vướng kẹt vào tri giác, nhận thức, hiểu biết sai lầm của mình. Vì vướng mắc vào nhận thức, tri giác, hiểu biết sai lầm cho nên mới vướng kẹt cố chấp vào hoặc ý niệm có hoặc ý niệm không.
Vượt qua ý niệm chấp có và chấp không là chúng ta đã giải thoát được một phần quan trọng, điều này vận dụng vào thực tế sẽ thấy rõ.
Người đời, hiếm thấy ai không bị kẹt vào chấp (cố chấp) và thủ (nắm giữ) Người không bị kẹt vào chấp và thủ thì không còn nắm giữ, kế đạt và vọng tưởng về cái ngã, cái ta, cái tôi, cái của tôi nữa. Người ấy biết khổ đau phiền não khi có điều kiện phát sinh thì nó phát sinh, khi hết điều kiện tồn tại thì nó mất đi, người ấy không còn nghi hoặc gì nữa cả. Cái thấy của người ấy không do bị ảnh hưởng của kẻ khác, của số đông mà có, trái lại do chính người ấy, nhờ tu tập đúng chánh pháp, đạt được. Cái thấy ấy gọi là chánh kiến. Đó là cách giải thích, trình bày chánh kiến của Như Lai.
Người có chánh kiến (tri kiến chân chính) khi quán sát về sự sinh khởi của thế gian thì không thấy, không chấp thế gian là không. Người có tri kiến chân chính thì khi quán sát về sự hoại diệt của thế gian thì không thấy, không chấp thế gian là có.
Đương nhiên “chấp có” là một biên kiến, “chấp không” là một biên kiến khác; Như Lai, bậc trí tuệ thông đạt xa lìa, vượt lên hai biên kiến đó mà thuyết pháp trung đạo.
Lý Trung đạo nhân duyên chỉ ra cái này có vì cái kia có, cái này sinh vì cái kia sinh; cái này không vì cái kia không, cái này diệt vỉ cái kia diệt. Mọi thứ trên đời đều do nhiều nhân duyên hợp lại mà thành, cũng do duyên tan rã mà hoại, không có cái gì tồn tại độc lập một mình.
Từ vô minh mà có hành, từ hành mà có thức, từ thức mà có danh sắc, từ danh sắc mà có lục nhập, từ lục nhập mà có xúc, từ xúc mà có thọ, từ thọ mà có ái, từ ái mà có thủ, từ thủ mà có hữu, từ hữu mà có sinh, từ sinh mà có lão tử và khổ đau, phiền não, lo sầu chồng chất thành đống thành khối.
Nói đơn giản, con người vì u mê, tham luyến, cố chấp, không biết tu tập nên từ thân, miệng, ý làm tổn hại người vật thiên nhiên, gây ra nhiều nghiệp chướng, phải theo nghiệp chướng ấy mà chịu quả báo khổ đau bất tận trong sáu nẻo sinh tử luân hồi (Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A tu la, người, trời).
Chiều ngược lại, nếu vô minh không còn, thì hành không còn, hành không còn thì thức không còn, thức không còn thì danh sắc không còn, danh sắc không còn thì lục nhập không còn, lục nhập không còn thì xúc không còn, xúc không còn thì thọ không còn, thọ không còn thì ái không còn, ái không còn thì thủ không còn, thủ không còn thì hữu không còn, hữu không còn thì sinh không còn, sinh không còn thì lão tử không còn và nguyên khối khổ đau phiền não lo sầu chồng chất kia bị tiêu diệt hoàn toàn.
Tức là người tu tập thành tựu trí tuệ giác ngộ, chuyển hóa, đoạn trừ hoàn toàn tận gốc vô minh phiền não, thân khẩu ý không còn gây tạo tội nghiệp, vượt qua khỏi tham ái, vướng mắc, chấp thủ thì sẽ vượt thoát mọi nỗi khổ niềm đau trong sinh tử luân hồi.
Khi đức Phật giảng kinh này xong, tôn giả Tán Đà Ca Chiên Diên thấy tâm bừng sáng giải thoát, cắt đứt được các võ minh phiền não chứng được thánh quả A La Hán, giải thoát được mọi nỗi khổ đau trong sinh tử luân hồi.
Vô minh là u mê, không sáng suốt, ai chưa hiểu rõ về tứ đế, chưa minh tâm kiến tánh, chưa thấu rõ lý duyên khởi, chưa chuyển hóa hoàn toàn tập khí phiền não, chưa thông đạt chân lý Trung đạo, chưa hiểu biết đúng như thật về thực tính của vạn pháp đều là còn vô minh.
Đức Phật dạy chân lý Trung đạo, Khổng Tử nói đạo Trung dung; ông bà ta bảo lẽ vừa phải, không quá tuy nông sâu có khác nhưng giá trị ứng dụng thực tế thì vô cùng tuyệt vời. Đương nhiên vấn đề này chỉ có đạt nhân mới thấu đáo tường tận.
Đọc tụng, tư duy, chiêm nghiệm, thực hành kinh Trung đạo nhân duyên, dùng tuệ giác duyên khởi soi sáng cuộc đời, giúp chúng ta nhìn mọi thứ thông đạt thấu đáo và độ lượng, dần dần không còn vướng chấp vào bất cứ thứ gì, vượt thoát mọi nỗi khổ niềm đau trong cuộc đời.
Kinh trung đạo
Lý nhân duyên
Tham chấp khổ sầu
Chánh kiến giải thoát
Nên tu học.