Hạnh phúc từ hạt giống yêu thương

Những ngày tháng Bảy giữa mùa hè, một ngôi làng giữa mịt mù bụi đất cao nguyên lại tặng cho tôi một niềm vui mới từ một trường học hạnh phúc. Lớp học ấy ở H’ra – Mang Yang – Gia Lai.

 

Ở đó có một thầy giáo người dân tộc Banar bị bệnh teo dần 2 chi dưới từ năm 20 tuổi và một cô bảo mẫu cao tầm 1m4. Ngày qua ngày, cô bảo mẫu nhìn thế giới thêm phần đẹp đẽ qua đôi mắt của thầy và thầy đi lại dễ dàng hơn nhờ đôi chân của cô. Cùng với nhau, họ góp phần xây dựng nên một trường học hạnh phúc cho 40 em bé.

Những nụ cười hạnh phúc trong tình yêu thương ở lớp học hạnh phúc

Những nụ cười hạnh phúc trong tình yêu thương ở lớp học hạnh phúc

Những mái tóc bớt xác xơ màu nắng, những gương mặt bớt lấm lem, ánh mắt sáng niềm vui trong trẻo khi các em bé người Banar ấy được học chữ, được vui chơi, được ăn ngon hơn những bữa ăn ở nhà nhờ vào những nhân duyên kết nối. Những em bé ấy cũng được gieo những hạt giống tri thức nhỏ bé. Không ồn ào truyền thông, không dồi dào hỗ trợ, nhưng ngôi trường làng giữa gió bụi cao nguyên cũng hội đủ những yếu tố của một trường học hạnh phúc.

Khi nghĩ về trường học hạnh phúc và hai thầy cô khiếm khuyết về thể chất, tôi suy nghiệm về giá trị chân thật nhất của một người thầy, và tôi đồng cảm với quan niệm của một vị vua Ai Cập cổ đại trong cuốn sách “Dấu chân trên cát” (Nguyên Phong phóng tác từ The Egyptian):

“Một vị thầy theo đúng nghĩa không phải là người có nhiều kiến thức hay ăn nói lưu loát mà phải là người bạn đồng hành của đứa trẻ. Một vị thầy giỏi phải biết đặt mình vào địa vị của đứa trẻ, phát triển cùng đứa trẻ, hiểu biết đứa trẻ, đi sâu vào những vấn đề khó khăn của đứa trẻ, nhìn ngắm mọi việc xuyên qua con mắt của đứa trẻ, và hoàn toàn hiến mình cho sự giáo dục đứa trẻ ấy. Nếu một vị thầy không tiếp xúc mật thiết với đứa trẻ như thế thì mọi sự dạy bảo chỉ là những gì hời hợt bên ngoài, một sự lặp đi lặp lại những kiến thức chết, rồi để mặc cho đứa trẻ loay hoay với những khó khăn, sợ hãi và từ đó tạo những hố sâu ngăn cách con người.”

Hạnh phúc cho trẻ thơ có rất nhiều dáng vẻ. Hạnh phúc được được kiến tạo bởi những người thầy có thể không có nhiều chữ, nhưng nhất thiết phải có thật nhiều tình yêu thương.

Xem thêm “ngôi nhà hạnh phúc” của người khuyết tật ở cố đô: