Làm sao để thoát khỏi nỗi sợ ma?
Thưa thầy, khi sự sợ hãi lên đến đỉnh điểm, con phải làm thế nào. Con thấy trong kinh Khiếp đảm và sợ hãi, Đức Phật nói “trong khi ta đang đứng mà sợ hãi khởi lên, ta phải đứng cho hết sợ rồi mới đi”. Con cũng có thực hành như vậy, nhưng càng quan sát càng sợ, lúc đó chỉ muốn đi đến nơi có ánh sáng hoặc chỗ đông người. Xin Thầy chỉ dạy.
Đáp:
– Sợ hãi xuất phát từ tưởng tượng, như sợ ma nhưng thực ra khi đó đâu có thấy ma. Cho dù thấy thật như thấy cọp chẳng hạn, thì cũng là do tưởng tượng nó giết mình nên mới sợ. Đôi khi có người không sợ cọp, vào rừng đi với cọp, không những không sợ mà cọp còn sợ lại nữa.
Hồi thầy ra Bà Rịa xây dựng Viên Không Tăng và Viên Không Ni, có người cho thầy con chó con. Một hôm thầy dẫn nó qua bên Ni, giữa đường có nhà nuôi một bầy chó, khi thầy đi qua đó cả bầy chạy ra sủa, nhưng con chó con thầy dẫn theo vẫn đứng tỉnh bơ, không hề sợ hãi, khiến bầy chó lớn phải tự rút lui. Chính sợ hãi chiêu dụ sự ảnh hưởng của đối tượng.
Khi sợ hãi phát sinh, nên quay lại cảm nhận trọn vẹn sự sợ hãi đó, chứ không nên nghĩ đến đối tượng, thì sợ hãi sẽ hết. Đó là nguyên lý rất phổ quát. Không những sợ hãi mà bất kỳ tâm trạng nào như tham, sân, đố kỵ, kiêu mạn, chỉ cần trở về trọn vẹn, lắng nghe hay cảm nhận trạng thái đó thì nó sẽ tự lắng dịu ngay. Có lẽ do lắng nghe, cảm nhận chưa được trọn vẹn, nên mới còn sợ hãi.
Một cách hữu hiệu khác là đối diện với sự sợ hãi đến tận cùng thì sẽ hết sợ. Hồi còn nhỏ, thầy sợ nhất là ma và chó. Một tối nọ, thầy giáo tổ chức cắm trại ngoài bờ biển cách nhà thầy khoảng ba cây số. Lần đầu tiên trong đời, nghe sóng biển đánh ầm ầm, nhưng trời tối không thấy gì hết, đã sợ quá chừng. Thế mà nửa đêm thầy giáo lại cho giải tán, nên ban đêm về nhà phải đi qua một nghĩa địa trên cánh đồng hoang ở thôn quê, thấy những quả lân tinh bay lơ lửng, tưởng ma, sợ đến khiếp đảm nhưng phải cắn răng mà chạy một mạch về nhà, khi bạn bè đã rẽ qua đường khác hết. Sợ quá chạy thục mạng, lại nghe tiếng thình thịch như có ma rượt theo đằng sau. Về tới nhà toát mồ hôi lạnh. Nhưng từ đó không còn sợ ma nữa.
Thầy Viên Minh