Đi tìm ngọn đèn
Trong hành trình đi đến Kusinārā – nơi Ngài sẽ xả bỏ tấm thân ngũ uẩn – Thế Tôn đã có rất nhiều lời dạy, nhắn nhủ và khích lệ đệ tử về những gì cần phải tu tập, sau khi bậc Ðạo sư viên tịch: “Này Ānanda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác” (2).
Trong suốt 45 năm hoằng pháp, Đức Thế Tôn đã tuyên thuyết Chánh pháp mà Ngài đã giác ngộ. Giáo lý của Đức Phật tỏa sáng rực rỡ như ánh mặt trời. Ngài chính là “Người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho những người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích” (3).
Thế Tôn thấy chúng sanh đau khổ nhưng vẫn mải mê với những thú vui trần tục, những dục lạc ngũ trần. Bởi thế, trong kinh Pháp cú Ngài dạy: “Cười gì, hân hoan gì/ Khi đời mãi bị thiêu/ Bị tối tăm bao trùm/ Sao không tìm ngọn đèn”(4). Chú giải Pháp cú kể rằng: Một lần nọ, bà Visākhā cùng những người bạn đi đến Thế Tôn để đảnh lễ và nghe pháp. Trước đó, những bà bạn của Visākhā có dự tiệc rượu, khi đến chùa họ không còn tự chủ được hành động của mình đã khua tay múa chân, ca hát và cười nói huyên thuyên làm náo loạn hội chúng. Bấy giờ, Đức Thế Tôn thấy vậy mới làm cho ánh mặt trời tắt mất, khiến cho những người phụ nữ này hốt hoảng sợ hãi và tỉnh rượu, không còn say sưa nữa. Lúc đó, Đức Thế Tôn mới thuyết bài kệ trên để giáo dục những người phụ nữ ấy (5).
Mở đầu bài kệ, Thế Tôn đã nói lên lời nhắc nhở: “Cười gì? Hân hoan gì?”. Cuộc sống với cơm áo gạo tiền bao vây, công danh sự nghiệp đeo mang, già bệnh chết bao trùm và sầu-bi-khổ-ưu-não bám níu, vậy có chi mà vui mà cười? Chúng sanh đang bị thiêu đốt, nên có cười cũng gắng gượng, giống như chúng sanh dưới địa ngục Hý tiếu, họ cứ như đang nhảy múa, ca hát nhưng thực sự ra là đang đau đớn, rên khóc từng giây từng phút.
Hai câu kệ “Cười gì, hân hoan gì/ Khi đời mãi bị thiêu” như là một lời trắc nghiệm tự thân. Nếu như một người tự hỏi chính mình, tự kiểm điểm lại chính đời sống này, mặc dầu mình sung sướng hạnh phúc bên vợ, chồng, con cái, tài sản nhưng mình có thoát được sự già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não trong đời sống hàng ngày hay không? Chưa thoát khỏi! Khi trả lời được như vậy, chúng ta thấy đây là vấn đề hết sức quan trọng của đời sống. Người tu tập chúng ta mỗi ngày cần phải tự vấn như vậy.
Hai câu cuối bài kệ “Bị tối tăm bao trùm/ Sao không tìm ngọn đèn?”. Khi ý thức được bản thân đang bị thiêu đốt, như vậy có gì vui mà cười giỡn hân hoan, nên tự mình cần phản tỉnh và phải tìm đường thoát. Như vị tướng lãnh tài ba, khi biết mình bị bao vây, phải biết tìm đường giải nguy cho mình và toàn quân. Cũng vậy, chúng ta phải biết mình đang bị bóng tối bao phủ thì phải biết tìm đường thoát khỏi bóng tối đó.
Bóng tối ở đây chính là vô minh, có nghĩa là không hiểu biết những pháp đáng hiểu biết. Pháp đáng hiểu biết ở đây là khổ, nhân sanh khổ, diệt khổ và con đường đưa đến diệt khổ. Không hiểu được Bốn chân lý, Bốn sự thật là vô minh. Hễ khi nào bóng tối vô minh còn bao trùm, bấy giờ chúng sanh còn vây hãm trong cảnh luân hồi, không thoát khỏi sự kiềm tỏa của phiền não tham sân. Ngày nào vô minh diệt thì tham sân diệt và không còn bị sự già chết chi phối, không còn sầu, bi, khổ, ưu, não nữa.
Trên thế gian này chỉ có một người duy nhất có thể tự mình phá vỡ vô minh, đó là Đức Phật. Ngài đã từ bỏ hoàng cung để đi xuất gia, tầm cầu chân lý. Trong sáu năm khổ hạnh, Ngài đã học đạo với các đạo sĩ chứng đắc đến thiền Vô sắc giới. Ngài nhận thức được rằng đối với loại thiền chứng này vẫn không thoát được cảnh sanh tử luân hồi. Sau đó, tự Ngài tìm ra con đường Trung đạo và trở thành bậc Chánh đẳng Chánh giác. Ngài là bậc duy nhất trên thế gian này tự mình phá vỡ màn vô minh.
Bây giờ, chúng ta hiểu được Phật pháp, biết được pháp môn tu tập thì tự mình phải tinh tấn, tự mình hãy thắp đuốc lên mà đi. Đức Thế Tôn từng dạy rằng: “Ngươi hãy nhiệt tình làm/ Như Lai chỉ thuyết dạy” (6). Padīpa chính là ngọn đèn, là ánh sáng. Khi ánh sáng xuất hiện thì bóng tối biến mất. Chỉ có ánh sáng trí tuệ mới có thể phá vỡ được đêm trường vô minh, thấu triệt Vô thường – Khổ – Vô ngã của danh và sắc. Chỉ có trí tuệ đạo quả, tuệ giác của bậc Thánh A-la-hán mới có thể phá tan được mê mờ si ám.
Tu tập là từng bước chuyển hóa, tự mình phải tu sửa ngay bây giờ. Khi chưa có trí của đạo quả thì người tu phải tạo trí văn – trí tư – trí tu (7) ngay từ chính trong đời sống của chúng ta. Ba loại trí này xem như là ngọn đèn để thắp lên mà đi. Mặc dầu trong đêm tối nhưng chúng ta có ba ngọn đèn này cũng có đủ ánh sáng để soi đường. Cũng vậy, trong đời sống tu tập mặc dầu chúng ta chưa được ánh sáng trí tuệ đạo quả nhưng phải có được ba loại trí văn, trí tư, trí tu.
Tóm lại, bài kệ Pháp cú 146 có giá trị thiết thực trong việc tu tập, mang tính cách như là một lời cảnh báo mà Đức Thế Tôn nhắn nhủ, đã gởi đến cho tất cả chúng ta. Chúng ta có thể tự mình tùy theo hoàn cảnh, trình độ tu tập mà cố gắng để vươn lên, thoát khỏi vô minh, phiền não.
Vui cười thích thú lẽ nào
Khi đời mãi bị phủ bao lửa hồng
Trong đêm tối có hay không
Sao chưa tìm ánh sáng hồng thoát ly.
……………………….
1 D.ii.107 (Mahāparinibbānasutta).
2 D.ii.101 (Mahāparinibbānasutta).
3 S.i.70 (Daharasutta).
4 Dhp.146.
5 DhpA.iii.100ff (Visākhāya sahāyikānaṃ vatthu).
6 Dhp.276.
7 D.iii.219 (Saṅgītisutta).