Huân tập hạt giống thiện lành vào tâm hồn trẻ thơ

Tôi chắc một điều rằng, niềm tin, lòng tôn kính tuyệt đối trước đức Phật đã giúp cho gia đình tôi, người thân của tôi có những lợi lạc về tinh thần và dưỡng nuôi những giá trị đạo đức cao đẹp của một người Phật tử.

 

Tâm hồn của mỗi đứa trẻ đơn thuần như một hạt giống chưa nảy mầm. Để hạt giống đâm chồi nảy lộc, chúng ta phải chăm sóc cho cây đủ ánh sáng, đủ nước, chất dinh dưỡng…để cây lớn lên cứng cáp, tốt tươi.

Cũng vậy, ngoài việc dạy cách ăn, nói, đọc, viết, ông bà cha mẹ cần dạy dỗ, tưới tẩm vào tâm hồn trẻ thơ những điều tốt, những giá trị đạo đức chân – thiện – mỹ để mỗi ngày con lớn lên, biết yêu thương và san sẻ, để con trưởng thành và dạn dĩ trước bão dông cuộc đời.

Tôi rất thích cái tâm hồn trẻ con ấy, vô lo, vô nghĩ, sống vô tư và dễ dàng tiếp nhận những cái mới. Do vậy, người lớn cần chọn lọc những hành động thiện lành, lời nói từ hòa, nhân ái để trẻ quan sát và lắng nghe ngay từ những năm đầu đời.

Trở về thăm nhà sau vài năm xa xứ, tôi đã gặp Khánh Hiếu. Bé ra đời trong thời gian tôi đang tập sự xuất gia. Hiếu đã khóc khi gặp tôi vì hình dáng của tôi lạ quá, không giống với ba mẹ và những người hàng xóm mà bé từng thấy. Đó cũng là lần đầu tiên Hiếu tiếp xúc với người tu nên không có gì ngạc nhiên khi bé sợ chiếc đầu nhẵn bóng của tôi. Nhưng cũng rất nhanh sau đó, Hiếu đã bắt đầu làm quen và thích chơi cùng người cô xa lạ này.

Bé Hiếu ở nhà thường xuyên với bà nội do mẹ phải đi làm sau kỳ nghỉ hậu sản bốn tháng. Bà nội Hiếu là một Phật tử thuần thành nên mỗi ngày đều có thời khóa tụng Kinh ở nhà. Thế là bé Hiếu ngoan ngoãn ngồi kế bên bà, có lúc gật gù rồi nằm ngủ luôn. Dần dần Hiếu được bà dạy chấp tay, lạy Phật và đặc biệt hơn hết là đoạn gõ mõ cho bà niệm Phật. Bà kể: “ Ban đầu gõ cũng đều lắm, lát sau gõ loạn xạ nên bà phải lấy lại cái mõ.” Hai bà cháu suốt ngày thủ thỉ với nhau, nhờ đó mà bà có niềm vui tuổi già, con cái cũng yên tâm cho công việc.

Những em bé mới biết đi lạy Phật

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tôi thương cái sự ngoan ngoãn, vâng lời ấy nên khi nào có sách truyện Phật giáo dành cho thiếu nhi, tôi đều gửi về để mẹ hay bà nội đọc cho bé nghe. Mới có ba tuổi chưa biết đọc chữ mà đã thuộc lòng hơn 10 bài thơ trong sách. Mỗi khi tôi về thăm nhà, Hiếu hay khoe thành tích với tôi bằng cách đọc vanh vách các bài thơ bốn câu, mỗi câu năm chữ trong cuốn sách tôi tặng. Điều tôi thấy ưng bụng nhất là không chỉ thuộc lòng mà bé Hiếu còn biết ứng dụng trong từng hoàn cảnh. Như khi mẹ giận ba vì ba đi nhậu với bạn bè về trễ, bé liền đọc bài thơ cho mẹ nghe:

“Mẹ ơi Phật có dạy

Người ít giận hay cười

Lòng thanh trong trí sáng

Như sao trăng trên trời.”

Chỉ bao nhiêu đó thôi cũng đã xoa dịu nỗi buồn giận trong lòng mẹ bởi vì sự hiền ngoan dễ thương của em.

Thỉnh thoảng Hiếu cũng được mẹ đưa đến chùa lễ Phật, phụ xỏ chuỗi với các cô Phật tử vào cuối tuần hay những dịp nghỉ hè. Rồi em cũng được bà, mẹ chỉ dạy biết yêu thương mọi loài qua việc phóng sanh. Khi bà, mẹ niệm Phật chú nguyện trước lúc thả cá, rùa, bé cũng đọc bài thơ em được dạy:

“Con cá cũng có mẹ

Nên thả chúng về nhà

Phật khuyên em như thế

Yêu muôn loài quanh ta.”

Thời gian thăm thoát trôi nhanh, bé Hiếu ngày nào còn bồng bế trên tay nay đã vào lớp một. Mỗi lần tôi gọi điện về thăm nhà là bà nội bé lại khoe: “Hiếu lạy sám hối với bà”. Có hôm bà khen “Nay Hiếu đi học về, tắm rửa, ăn cơm xong rồi ngồi cùng bà suốt thời Kinh tối”. Nhiều lúc tôi thấy chạnh lòng khi không thể sớm hôm kề cận chăm sóc, trò chuyện với mẹ, nhưng nhờ có các anh chị và bé Hiếu, mẹ tôi có người bầu bạn lúc tuổi già.

Khánh Hiếu còn nhỏ tuổi nhưng đã được huân tập hạt giống thiện lành từ bà và mẹ. Khi mới ba bốn tuổi đã lẽo đẽo theo bà lạy gõ mõ tụng Kinh, lạy Phật mỗi kỳ sám hối. Lâu lâu lại được mẹ dắt đi chùa.

Trong tâm thức ngây thơ hồn nhiên của em, em chỉ biết Phật là một bậc cao quý, một tấm gương sáng về trí tuệ và đạo đức mà bà, mẹ và những người xung quanh đều tôn kính. Và tôi chắc một điều rằng, niềm tin, lòng tôn kính tuyệt đối trước đức Phật đã giúp cho gia đình tôi, người thân của tôi có những lợi lạc về tinh thần và dưỡng nuôi những giá trị đạo đức cao đẹp của một người Phật tử.

Đức Phật ra đời đã mang đến lợi lạc cho số đông bởi trí tuệ và lòng từ bi của Ngài. “Một chúng sinh duy nhất, một con người phi thường đã xuất hiện trên thế gian này, vì lợi ích cho số đông, vì lòng bi mẫn, vì sự tốt đẹp, vì lợi ích và hạnh phúc cho chư thiên và loài người”. (Kinh A-hàm)

Mỗi khi nghĩ về hình ảnh bé Hiếu mặc áo tràng lam, chấp tay trang nghiêm ngồi trước bàn Phật cùng bà, tôi lại nhớ về những kỷ niệm thời thơ ấu của mình. Tôi cũng thường được mẹ dắt lên chùa vào mỗi dịp nghĩ hè, được tiếp xúc gần gũi với quý Sư cô hiền hòa.

Phải chăng những hạt giống lành đã được gieo trồng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và với tôi, không mong gì hơn, bé Hiếu sau này lớn lên sẽ hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, quan tâm giúp đỡ những người xung quanh và nuôi dưỡng đạo đức, phẩm chất của một người đệ tử Phật, trở thành người có ích cho gia đình, cho xã hội.

Thích Nữ Diệu Trí