Nhìn thấy chưa phải là thật!
Một bậc thầy lớn được mọi người vô cùng kính trọng và những học trò có tiếng tăm đi du hành các nơi để giáo hoá lễ nghi và đạo đức cho dân chúng. Trên đường đi, họ nghỉ lại một căn nhà nhỏ ven sông cảnh trí rất yên tĩnh và thơ mộng. Lúc ấy trời nhá nhem tối, vị thầy ngồi trên ghế nhà trên đọc sách, người học trò lớn có tiếng là đức hạnh nấu cơm dưới bếp, những người học trò khác quét dọn ngoài sân, vườn.
Bất chợt, vị thầy nhìn xuống bếp, thấy người học trò lớn đang xới cơm và bỏ vào miệng! Ăn vụng! Tự nhiên, người thầy thở ra một cách nặng nề, cảm thấy thất vọng về người học trò lớn của mình! uổng công dạy dỗ!
Đến giờ ăn cơm, vị thầy nghiêm khắc quở trách người học trò lớn, sao dám vô phép, dám ăn trước thầy. Người học trò lớn nhận lỗi và xin thầy và các đồng môn tha thứ lỗi lầm.
Đến tối, trước khi đi ngủ, vị thầy tỉnh tâm suy nghĩ lại. Càng nghĩ càng thấy vô lý, với đức hạnh của người học trò lớn, thì không thể nào phạm lỗi thô thiển như vậy?
Bèn gọi người học trò lớn vào hỏi, người học trò lớn thưa lại rõ ràng: Lúc nồi cơm sôi lên, nắp vung hở ra, ngọn gió lùa vào, làm cho lớp cơm phía trên dính bụi bặm. Người học trò không nỡ bỏ phí, nên tự mình ăn, chứ không để cho thầy và bạn đồng môn ăn cơm lẫn với bụi bặm.
Vị thầy, vốn là một bậc đạo đức khả kính, tự thấy mình trách lầm người học trò đức hạnh!
– Chúng ta hay nói: “Trăm nghe không bằng mắt thấy.”