Nó như là nó

Quan sát thế giới thực vật, chúng ta thấy mỗi loài cây đều mang trong nó các thông số nhất định về hình dáng, chiều cao, khả năng cho trái và sức khoẻ.

 

Hai loài cây khác nhau trồng trên một vùng đất có cùng điều kiện khí hậu và chế độ chăm sóc, hai cây ấy vẫn không thể phát triển như nhau. Cây xoài Cát và cây xoài Thuỷ Triều trồng bên nhau, ngay cả ghép cùng nhau, phần xoài Cát vẫn phát triển theo hướng xoài Cát và phần xoài Thuỷ Triều vẫn phát triển theo hướng xoài Thuỷ Triều. Xoài Cát và xoài Thuỷ Triều không bao giờ quên được cái gì đó rất riêng trong chính sinh thể của nó. “Nó như là nó”.

Quan sát thế giới động vật, chúng ta cũng thấy điều tương tự. Voi ăn trái và cỏ, Trâu cũng ăn trái và cỏ. Nhưng không phải vì ăn trái và cỏ như nhau mà Voi phát triển hình thể và tập tính như Trâu và ngược lại. Cái gì đó riêng biệt từ bên trong sinh thể vẫn giữ quyền quyết định cao nhất. “Nó vẫn như là nó”.

Nhìn sâu để thấy nó như là nó

Nhìn sâu để thấy nó như là nó

Con người, một sinh thể đặc biệt hơn các sinh thể khác trên trái đất nhờ nhận thức và tự nhận thức, cũng chia sẻ bản chất “nó như là nó” trong tồn tại và phát triển. Từ cơ thể sinh học cho đến nội dung tinh thần, mỗi người mỗi vẻ. Ăn uống như nhau, học hành như nhau, môi trường ở như nhau, tôn giáo như nhau, thậm chí sinh ra từ một bố mẹ, hình thể và tính cách vẫn không thể như nhau được. Cái gì đó từ trong DNA và từ trong sâu thẳm tiềm thức vẫn giữ quyền tạo nên sự khác biệt. “Nó cũng vẫn cứ là nó”.

Nó không thể không như là nó, dù cho nó là con người hay một sinh thể khác. Tùy vào điều kiện, nó sẽ phát triển tốt nhất trên căn bản những gì bên trong nó. Tuy vậy, khi nó là con người, nó sẽ có cơ hội nhảy vọt phát triển nhờ nhận thức và tự nhận thức. Nhận thức và tự nhận thức giúp nó kết nối được sức mạnh thể xác và uy lực tinh thần trong nó và quanh nó, tạo nên bước nhảy kỳ diệu có thể vượt qua giới hạn thân xác, viết lại DNA và mở cửa không giới hạn tinh thần.

Lịch sử nhân loại đã từng ghi nhận Buddha Gotama (Đức Phật Thích Ca Mâu Ni) thành công trong việc thực hiện bước nhảy kỳ diệu vào đêm trăng tròn tháng 12 năm 528 TCN tại rừng Uruvela bằng thiền định. Người ta gọi bước nhảy kỳ diệu đó là giác ngộ. Cuộc đời của Buddha Gotama được nuôi dạy có định hướng nghiêm ngặt để trở thành quốc vương, nhưng cái gì đó bên trong Buddha Gotama tự nó đi ra khỏi định hướng được sắp đặt nghiêm ngặt đó. Sau Buddha Gotama giác ngộ, rất nhiều người cũng giác ngộ dưới sự hướng dẫn của Ngài.

Nhìn lại và nhìn sâu vào bản chất “nó như là nó”, chúng ta thấy từ con người cho đến các sinh thể sống khác đều mang trong nó khả tính tự do tồn tại và phát triển theo cách rất riêng. Nó chịu trách nhiệm chính nó. Nó phát triển cuộc đời theo khả tính của nó. Điều kiện tốt đẹp nào cũng chỉ dừng lại ở điểm dừng trợ lực. Nó vẫn phải làm việc như là nó. Sự tốt đẹp chỉ đến với nó khi nó biết tiếp thu và chuyển hoá bên trong chính nó. Nó là ai, là sinh thể nào, cũng đều tự mình đi theo một lối riêng.

Nhuận Đạt