Tất bật hơn thua rồi cũng bỏ, thong dong tự tại vậy mà vui

Buổi sáng, tôi hoàn thành xong bức thư pháp trên tấm gỗ hương cho anh bạn trẻ láng giềng mới tới ở xóm Dốc Ma này. Câu thư pháp tôi đã đọc đâu đó nhiều lần rồi, nhưng bây giờ đọc lại cảm thấy hay hay.

Tất bật hơn thua rồi cũng bỏ

Thong dong tự tại vậy mà vui.

Tôi treo bức thư pháp lên ngắm lại một chút, vừa lúc ông bạn tu đến chơi, vậy là tôi có bạn để trò chuyện:

– Ông nghĩ gì về bốn chữ tất bật hơn thua?

Ông bạn tu hớp một ngụm trà khen ngon:

– Bốn chữ tất bật hơn thua nói lên được nhịp sống hối hả của con người thời hiện đại, họ làm việc đầu tắt mặt tối, làm ngày chưa đủ tranh thủ làm đêm kiếm thật nhiều tiền để mua sắm, để hưởng thụ vì sợ thua chị kém em cho nên họ đã rất cố gắng làm việc tất bật đến quên ăn bỏ ngủ…

Tôi cười:

-Vậy là tốt nhưng sao… rồi cũng bỏ?

Ông bạn tu trầm ngâm một lát rồi tiếp tục bình luận:

– Cuộc sống cần phải có thi đua, mà thi đua là có hơn thua để khích lệ tinh thần làm việc cống hiến hết mình. Học sinh, sinh viên thi đua học tập, người lớn thì nỗ lực làm việc cống hiến cho đời… Với ý nghĩa hơn thua lành mạnh, người thắng kẻ thua đều hoan hỷ, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh, người thắng phải để cho người thua một con đường sống. Suy ngẫm cho cùng chẳng ai thắng mãi, chẳng ai thua mãi. Sông có khúc, người có lúc. Ta khi này, mày khi khác. Thịnh suy biến đổi không ngừng. Cho nên tất bật hơn thua rồi cũng bỏ theo tôi là vậy!

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Tôi đồng tình với ông bạn tu:

– Hiểu như vậy thì dù ở trong cái thế bị cuốn theo tất bật hơn thua cũng dễ thở hơn. Đúng không ông bạn? Tui và ông đã trải qua nhiều năm tháng hơn thua tất bật đó cho nên đã quá thừa hiểu. Mọi thứ hơn thua rồi cũng phải buông bỏ bởi quy luật vô thường không trừ một ai. Vì vậy, ai cũng thèm những phút giây tự tại thong dong. Xin mời uống trà…

Đúng hẹn, anh bạn trẻ láng giềng đến lấy bức thư pháp, tôi hỏi ngay:

– Này anh bạn, cho tôi hỏi một câu nhé! Đang ăn nên làm ra vậy sao lại thích câu thơ này?

Anh bạn láng giềng thật thà từ tốn trả lời:

– Dạ, trước đây em có một bức thư pháp viết câu thơ này trên giấy treo ở phòng khách, nhưng lâu ngày bị hư hỏng. Nay em nhờ bác viết lại trên gỗ. Em thấy treo nó trong phòng khách có nhiều cái lợi lắm bác ạ! Anh em cùng hội cùng thuyền buôn bán thỉnh thoảng gặp nhau tại phòng khách uống trà tranh luận một câu chuyện gì đó có lúc bất phân thắng bại, khi sự tranh cãi căng thẳng lên đỉnh điểm thì em đây là người chỉ vào câu thư pháp này đọc lớn: Tất bật hơn thua rồi cũng bỏ/ Thong dong tự tại vậy mà vui”. Ngay lập tức mọi sự tranh luận hơn thua đều im bặt, bác thấy đó, câu thơ có sức mạnh rất lớn.

Câu thơ như một vị trọng tài có quyền lực cao nhất đưa ra chiếc thẻ đỏ và thổi còi cảnh tỉnh, giúp con người ta quay về với sự yên bình đẹp nhất.

Hóa ra, tôi và ông bạn tu bình luận câu thơ ấy “cao siêu” quá. Riêng anh bạn trẻ láng giềng thì cảm nhận câu thơ một cách đơn giản thực dụng. Vâng, hai câu thơ treo trên tường hàng ngày đập vào mắt chỉ vỏn vẹn 14 chữ, nhưng sức mạnh của nó thật vi diệu, như một vị trọng tài sẵn sàng đưa chúng ta trở lại trạng thái bình yên, hạnh phúc.

Anh bạn trẻ có thể chưa hề biết câu kinh Bát-nhã “Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa, thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách” nhưng anh và những người bạn đã thấu lẽ vô thường, mọi thứ hơn thua đều bỏ lại qua câu thơ vi diệu ấy, thèm được giây phút hiện tiền thong dong tự tại vậy mà vui.