Ai là người niệm Phật?
Câu hỏi ‘Ai là người niệm Phật?’ chỉ để dành cho những người đã có sự tu học Phật khá vững áp dụng thực hành xoay lại quán xét nội tâm của họ. Người mới niệm Phật thì không thể áp dụng cách thức này.
Hỏi: Trong kinh sách có nói rằng, người niệm Phật thỉnh thoảng nên tự hỏi lại chính bản thân xem ‘Ai là người niệm Phật?’. Vậy câu nói đó có ý nghĩa gì?
Đáp: Câu hỏi ‘Ai là người niệm Phật?’ chỉ để dành cho những người đã có sự tu học Phật khá vững áp dụng thực hành xoay lại quán xét nội tâm của họ. Người mới niệm Phật thì không thể áp dụng cách thức này. Ban đầu, sự niệm Phật chỉ có mục đích chính yếu là để thu nhiếp cái tâm tán loạn, hết nhớ người này lại giận người kia hoặc nghĩ việc kia, việc nọ.v.v… mà không thể dừng lại. khi sự niệm Phật như thế được thuần thục và có thể thu nhiếp được vọng niệm rồi, lúc ấy mới có thể tiến thêm một bước sâu hơn nữa là tự hỏi lại mình ‘Người niệm Phật đó là ai?’ Hoặc ‘Ai đang niệm Phật?’. Đó là sự quán xét sâu của việc niệm Phật vào trong cội gốc của tâm. Nhìn xét lại tâm của mình xem cái gì đang niệm Phật? Thân do tứ đại gồm Đất, Nước, Gió, Lửa kết hợp lại thành, mỗi ngày đều cần phải ăn, uống, hít thở, mặc áo, ngủ nghỉ tức là liên tục vay mượn bốn đại ở bên ngoài để bồi đắp cho tứ đại ở bên trong kéo dài sự tồn tại. Đến khi gặp tai nạn xe đụng hay rủi ro trong lao động hoặc bệnh nằm hấp hối, một hơi thở ra không còn trở vào nữa, thì bốn đại này lập tức tan rã.
Tuy cái thân bốn đại hay năm ấm này bị tan hoại rã nát, nhưng cái tánh biết hay cái tâm trí huệ sáng suốt của mình thì nguyên vẹn, không bị tan hoại. Đó chính là chủ thật sự của cái thân này, mà mọi người bỏ quên để chạy theo những cái tạm bợ ở bên ngoài. Mục đích chính yếu của người tu là xoay trở lại soi rọi trong tâm để tìm kiếm cái chân thật, một báu vật vô giá mà lâu nay mình vô tình đánh mất, cho nên mới mượn phương tiện, dùng câu hỏi ‘Niệm Phật là ai?’ để phát hiện ra cái tâm chân thật sáng suốt, thanh tịnh không sinh không diệt đã sẵn có ở ngay nơi mình. Đó là phương pháp dụng công niệm Phật sâu xa phăng tìm nguồn cội.
Thích Minh Thành