Sống thuận pháp là để cho tánh biết dẫn đường
Hai vợ chồng sống với nhau cũng vậy, nếu cả hai người đều sống sáng suốt, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau thì sẽ không bao giờ có va chạm, nhưng chỉ cần tâm bị chìm đắm để bản ngã xen vào mà làm theo ý mình thì chắc chắn sẽ phát sinh va chạm và phiền não.
Vậy bí quyết để sống thuận pháp chính là đừng để bản ngã tham-sân-si điều khiển, mà hãy để cho tánh biết sáng suốt-định tĩnh-trong lành soi sáng và hướng dẫn mọi hoạt động-nói năng-suy nghĩ nơi mình.
Trong câu chuyện hai người hàng xóm cùng vào rừng lấy gỗ, nếu hành động của cả hai người đều xuất phát từ nhu cầu thật sự chứ không phải từ bản ngã tham-sân-si thì thay vì cạnh tranh xem ai lấy được nhiều gỗ hơn, họ sẽ hợp tác với nhau cùng làm, sẽ giúp nhau cho đỡ vất vả, và nếu chỉ còn một cây gỗ thì cả hai cũng sẽ tự chia nhau sao cho thỏa đáng. Đó chính là thực tế cuộc sống chứ không phải là hoàn cảnh lý tưởng nào cả.
Ảnh minh hoạ.
Giống như bên Công Giáo có câu “Con hãy lo việc của Chúa, việc của con để Chúa lo” thì Đạo Phật chúng ta cũng có câu “con hãy sống thuận Pháp, việc của con để Pháp lo”. Hãy buông bản ngã xuống để có thể sống thuận pháp, lúc đó tánh biết sẽ tự soi sáng cho mỗi người biết phải làm gì trong từng hoàn cảnh cụ thể, và nên làm việc ấy như thế nào.
Pháp đã tự vận hành đúng theo quy luật và tánh biết tự biết hết những quy luật ấy, vậy mình còn lo làm gì nữa.
Ứng xử thuận pháp giống như nước vậy. Cái đặc biệt của nước là luôn tìm chỗ thấp mà chảy, đó chính là cách vận hành của Đạo. Ai chặn đường này thì tự tìm đường khác mà đi, chứ không có chọn lựa trước con đường nào cả.
Giống như mình thưởng ngoạn một vườn hoa thì cứ thuận từng bước đi thấy được cây hoa nào thì thưởng thức cây hoa ấy thì tự nhiên sẽ thấy hết vẻ đẹp của vườn hoa, hơn là chọn lựa và dừng lại bên cây hoa cúc để rồi đánh mất vẻ đẹp của tất cả những cây hoa khác.
Như Thầy từng chia sẻ “Khi thấy mình có điều gì thì coi như đã mất tất cả những thứ còn lại, khi mình chỉ chọn một cái thì các cái khác sẽ trở thành chống đối”.
Khi chọn “mát” thì sẽ bị “nóng” quấy rầy, thích “yên tĩnh” thì sẽ bị “náo nhiệt” chống lại, muốn “địa vị cao” thì ngay bây giờ đã phiền vì chưa đạt được, và sau này dù có đạt được thì cũng sợ “mất đi”, nên từ đầu tới cuối toàn đau khổ và phiền não.
Cuộc sống là vô tận các khả năng, nếu mình không chọn một khả năng nào thì mình sẽ vận hành cùng với Trời Đất, nhưng chỉ cần lựa chọn một trong các khả năng thì ngay đó chuẩn bị đón nhận sự đối kháng từ các khả năng còn lại.
Sống thuận pháp tức là dù gặp hoàn cảnh “nóng” hay “lạnh”, “yên tĩnh” hay “náo nhiệt”, địa vị “thấp” hay “cao” thì vẫn thấy bình thường vì đã thấy ra được rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, hạnh phúc & đau khổ đều xuất phát thái độ tâm nơi chính mình, chứ không ở nơi hoàn cảnh luôn biến đổi vô thường. Thấy ra được điều này thì “tâm” không còn động theo “cảnh” mà thoát khỏi phiền não và luân hồi sinh tử.
Khi chạy theo bản ngã tham-sân-si thì loay hoay cách mấy cũng quay lại chỗ cũ, vì vậy mới gọi là luân hồi. Thưởng thức bao nhiêu sơn hào hải vị, cuối cùng cũng sẽ tìm về đĩa rau luộc để thấy sao mà ngon đến vậy. Cái mình ghét thì thế nào mình cũng sẽ gặp lại thôi…