“Trend” giảng nói Phật Pháp
Phật dạy thuyết Pháp cho người phải có đủ năm đức
Đáp:
Có nhiều người, nhiều giới quan tâm đến Phật pháp cũng tốt con.
Tuy nhiên, những người chưa Quy y Tam Bảo, chưa từng học Phật pháp, chưa từng tụng đọc kinh điển, chưa từng toạ thiền, chưa từng thọ giới pháp mà đại đởm, đại ngôn giảng nói Phật pháp cho nhiều người nghe thì có hại rất lớn, nguy hiểm vô cùng.
Tổ tiên chúng ta thường dạy con cháu: Trước khi nói phải uốn lưỡi bảy lần để ngăn ngừa khẩu nghiệp, nói càn, nói ẩu, nói sai.
Người trí thức chân chính họ rất cẩn trọng lời nói, chỉ nói những vấn đề thuộc chuyên môn nghiên cứu sâu của họ, không nói những điều họ chưa biết chắc, không hiểu kỹ.
Người trí thức có ảnh hưởng lớn đến xã hội, nếu nói về những vấn đề mình chưa chắc chắn, không am tường thì không phải là người thông minh.
Trách nhiệm đạo đức, lương tâm về những phát ngôn liên quan đến Phật giáo của những người trí thức có uy tín, có vai vế trong xã hội không phải là nhỏ.
Thầy nhớ Hoà Thượng Thiện Hoa dạy: Trước khi làm gì phải nghĩ đến hậu quả của nó.
Gây nhân ác gặt quả báo ác
Hãy thận trọng với lời nói ác
Trong ngũ giới nhà Phật, giới thứ tư là không được nói dối. Nói những điều mình không biết chắc, không am hiểu cũng phạm vào tội nói dối.
Trong Bát thánh đạo gồm: Chánh kiến là sự hiểu biết về khổ, nguồn gốc của khổ, con đường thoát khổ và sự chấm dứt khổ. Chánh kiến tức cái thấy, cái biết đúng đắn, chân chánh. Chánh tư duy là sự suy nghĩ đúng đắn, chân chánh, hợp chân lý. Chánh ngữ là lời nói chân chánh, hiền thiện, hợp đạo. Nói năng đúng chánh pháp, vì sự thật. Chánh nghiệp là nghề nghiệp chân chánh không sát sanh, trộm cắp, tà dâm; mở rộng ra thì chánh nghiệp tức là tạo tác sự nghiệp một cách đúng và chân chánh. Chánh mạng là sống có giá trị, nuôi mạng sống bằng cách chân chính. Chánh tinh tấn là siêng năng nỗ lực chân chánh. Chánh niệm là nghĩ nhớ chân chánh như niệm thân thọ tâm pháp trong tứ niệm xứ. Chánh định là sự tập trung tâm ý, chuyên nhất chân chính hướng đến giải thoát giác ngộ.
Nói những điều mình chưa biết, chưa hiểu thuộc về tà ngữ.
Tóm lại thấy mong mọi người, nhất là đồng bào Phật tử trí thức hãy tỉnh táo sáng suốt và nhẫn nại, cẩn trọng tối đa khi nói về Phật pháp; chưa thấm tương chao, chưa ăn cơm chùa, chưa biết thiền toạ, chưa học và thực hành Phật pháp thì không nên đu trend, ngoa ngôn giảng nói Phật pháp, giới luật kẻo tạo khẩu nghiệp đáng tiếc.
Trước khi muốn nhận định, phán xét, giảng nói bàn luận về Tam Bảo, Phật Pháp, Tăng chúng, giới luật….hãy tự vấn lương tâm của mình trước. Tự mình xem lại phẩm chất đạo đức của chính mình; mình đã đọc hiểu được bao nhiêu kinh luật luận trong biển Phật Pháp; mình đã có sống tu tập, giữ giới luật ở chùa như quý Tăng Ni được không, được bao lâu; mình đã thực hành thể nghiệm được pháp nào trong Phật pháp chưa…sau đó mới nghĩ đến chuyện nhận định, phán xét, giảng nói Phật Pháp.
Kể cả những người thông minh đọc được nhiều kinh luận nhưng trend giảng nói Phật Pháp chưa thọ giới, chưa công phu toạ thiền, chưa thực hành Phật pháp, chưa thấm tương chao cũng không nên giảng nói về giới luật Phật pháp.
Vì muốn hiểu đúng giáo pháp của Phật thì phải sống theo pháp, thực hành Phật pháp mới may ra hiểu được vài phần.
Thầy chắc những người thể nghiệm được một vài phần Phật pháp sẽ tuyệt đối cung kính Tam Bảo, tin sâu nhân quả, không dám khoa ngôn hủy báng Tam Bảo.
Những người dám vì lợi riêng mà hủy báng Tam Bảo Phật Pháp Tăng thì rõ ràng là họ không quy y cung kính Tam Bảo, không tin nhân quả, không sợ ác báo.
Nam Mô Phật Pháp Tăng Tam Bảo.