Bốn tăng thượng tâm – Hướng thượng và hướng thiện

Bốn tăng thượng tâm là các pháp quán niệm về Phật, quán niệm về Pháp, quán niệm về Pháp, quán niệm về Tăng và quán niệm về Giới. Đây được xem là những tâm hướng thượng và hướng thiện, giúp cho người tại gia có thêm niềm tin vững chắc đối với Tam Bảo, khiến mình và người hạnh phúc trong giờ phút hiện tại.

 

Niệm Phật niệm Pháp và niệm Tăng

Giữ tâm niệm ấy mãi thường hằng

Lòng luôn nhớ nghĩ điều đạo đức

Thảnh thơi tâm ý có vui chăng!

 (Kinh Người áo trắng)

Pháp quán niệm về Phật Như Lai là Bậc Thế Tôn, là Bậc Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự trong thế gian. Sở dĩ Đức Phật được thế gian tôn quý là bởi nhân cách, phẩm chất sống của người luôn từ bi song hành cùng trí tuệ, thấu hiểu, thương yêu, bao dung, sẻ chia và dấn thân phụng sự vì lợi ích của tất cả chúng sinh.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Niệm Phật là một pháp môn hành trì đem lại nhiều an vui, lợi lạc. Nhờ Niệm Phật mà ta ngưỡng mộ về nhân cách sống đạo đức và các đức tính cao quý của Ngài, từ đó có niềm tin vững vàng hơn nơi Phật. Người cư sĩ tại gia thường xuyên quán niệm Phật thì vọng tâm, dục niệm thảy đều tiêu diệt, không còn yếu tố bất thiện, uế nhiễm, sầu khổ, lo âu chi phối, phiền nhiễu, tâm tư ngày càng có sức định tĩnh, lắng trong.

Phép quán niệm thứ hai là niệm Pháp. Pháp là những điều Phật dạy, là phương pháp thực tập để đạt tới sự tỉnh thức, an lạc, hiểu biết và thương yêu, là con đường đưa chúng sinh tới giải thoát. Niệm Pháp cũng quan trọng như niệm Phật, vì Pháp là con đường thực hiện sự chứng ngộ. Hằng ngày, nếu chúng ta hết lòng học hỏi và đọc tụng Kinh Luật và Luận với chủ đích tu tập thì đó chính là chúng ta đã niệm Pháp. Trong khi tu học, đời sống của ta sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt và tuệ giác ta sẽ phát triển. Nhờ tưởng niệm tới Pháp mà tâm tư của ta lắng trong, có được niềm vui và đạt tới tâm cao đẹp thứ hai, từ đó an trú, hạnh phúc trong hiện tại một cách dễ dàng.

Pháp quán niệm thứ ba là niệm Tăng. Tăng là đoàn thể của những người thực tập theo pháp dưới sự hướng dẫn của Phật, biết sống theo nếp sống hòa hợp và tỉnh thức. Tu học mà thiếu Tăng thân thì khó thành tựu, người tu học không có Tăng thân thì sẽ dễ bỏ cuộc giữa đường. Tăng thân như một “điểm tựa” vững chắc cho sự thăng tiến tâm linh. Có thể nói, Tăng được ví như “thửa ruộng phúc đức”, trên đó ta có thể gieo những hạt giống quý báu nhất của mình. Nhờ luôn tưởng niệm tới những đức tính thanh tịnh và hòa hợp của Tăng mà tâm tư người quán niệm được lắng trong, hoan hỷ và an trú, hạnh phúc trong hiện tại một cách dễ dàng.

Pháp quán niệm thứ tư là niệm Giới. Giới được xem là “khuôn vàng thước ngọc” của một đời sống chính niệm, tỉnh thức, lợi mình và lợi người. Giới luật luôn là bức thành trì kiên cố có thể bảo vệ và giúp chúng ta thành tựu trong sự nghiệp tu học. Bản chất của Giới là lấy chính niệm, tuệ giác và từ bi làm nền tảng cốt lõi cho nên Giới này không có khuyết điểm, không bị sứt mẻ, không bị cấu uế, không bị ô trược. Giới ở đây là sự hành trì thông minh, cho nên trong Giới ta thấy có Phật, có Pháp và có Tăng. Chính vì vậy, Giới cũng cao đẹp và thiêng liêng như Phật, Pháp và Tăng.

Sống trong cuộc đời, chúng ta phải thực tập Giới luật để bảo hộ cho ta, cho mọi người cũng như có thể tiến xa hơn trên con đường thực hiện lý tưởng giải thoát và giác ngộ.

Nguồn: BTV9