Kinh giải thoát
Khai kinh:
Phật pháp rất thâm diệu
Vạn ức kiếp khó tìm
Nay con được trì tụng
Nguyện hiểu và thực hành
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Ở đời có ba điều không đáng vui, không đáng yêu, không đáng nhớ. Những gì là ba? Đó là già, bệnh, chết. Ba điều này không đáng vui, không đáng yêu, không đáng nhớ. Ở thế gian nếu không có ba điều không đáng vui, không đáng yêu, không đáng nhớ này, thì không có Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở thế gian; và thế gian cũng chẳng có pháp được thuyết, sự giáo giới, giáo thọ của Như Lai. Vì thế gian có ba điều không đáng vui, không đáng yêu, không đáng nhớ này, nên Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở thế gian và thế gian biết có pháp được thuyết, sự giáo giới, giáo thọ của Như Lai.
Các thầy Tỳ-kheo bạch Phật:
“Có đạo lộ, có hành trì để tu tập, tu tập nhiều, sẽ dẫn đến đoạn trừ ba điều không đáng vui, không đáng yêu, không đáng nhớ này không?”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
Có đạo lộ, có hành trì để tu tập, tu tập nhiều, sẽ dẫn đến đoạn trừ ba điều không đáng vui, không đáng yêu, không đáng nhớ này. Những gì là đạo lộ, là hành trì để tu tập, tu tập nhiều, sẽ dẫn đến đoạn trừ ba điều không đáng vui, không đáng, yêu, không đáng nhớ này. Đó là tám Thánh đạo: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
Hồi hướng
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Mỗi ngày hãy dành khoảng 10 phút tụng đọc một bài kinh sẽ giúp cho đời sống tốt hơn lên. Ai rồi cũng sẽ già, ai cũng sẽ bịnh và ai cũng sẽ chết….hãy suy nghĩ.
Thực hành Bát Thánh đạo sẽ giải thoát khỏi khổ đau của già, bệnh, chết. Bát thánh đạo là con đường trung đạo đưa đến an vui, hạnh phúc, giác ngộ giải thoát. Trong bài kinh này Chánh tư duy là chánh chí và Chánh tinh tấn là chánh phương tiện.
(Tạp A Hàm, kinh 760, Tam pháp).
(Tạp A Hàm, kinh 760, Tam pháp)