“Tu tâm” là tu thế nào?

Tu tâm, có nhiều người nói tôi lo tu tâm thôi lo đi chùa cũng vậy, lạy Phật để làm gì? Vậy, tu tâm là tu thế nào?

 

41298654_305265843616959_5567254213869699072_n

Học cách tu tâm dưỡng tánh

Tâm là chỉ cho mọi ý niệm xấu ác như tham, sân, si…

Tu tâm là bỏ được lòng tham lam, tính sân hận, đố kỵ , si mê…

Tham thì ai cũng có, và có nhiều loại như tham danh, tham lợi, tham tài, tham sắc, tham ăn, tham ngủ…ở đậy tôi chỉ đề cập tham ăn và tham ngủ, được mọi người coi là nhỏ mọn, song muốn bỏ không phải là dễ.

Ăn nếu dở quá thì không vui, nếu không no thì cũng không được; ăn thì muốn cho ngon cho no đủ.

Ngủ thì phải ngủ cho đủ giấc, nếu bắt dậy sớm thì không vui.

Vì vậy, chúng ta lúc nào cũng kẹt trong vòng tham muốn, mà đó là cái bệnh chung của mọi người, không ai là không có.

Tu là dẹp bỏ lòng tham, còn sân và si luôn luôn đi chung, hễ có sân là có si.

Thuở xưa có một gia đình gồm có ba người, người con đi làm ngoài đồng, ông nội và cháu ở nhà, ông đưa cho cháu hai cái tô và hai đồng bảo:

– Cháu hãy đi mua một đồng tương và một đồng chao.

Đứa cháu cầm tô và tiền đi một lúc về hỏi:

– Thưa ông nội, đồng nào mua tương đồng nào mua chao?

Ông rầy cho nó một hồi, rồi bảo:

– Đồng nào mua cũng được.

Nó liền chạy đi, một lúc lâu trở về hỏi:

– Thưa ông nội, hai cái tô cái nào đựng tương cái nào đựng chao?

Ông giận quá tát cho nó mấy tát tai, nó khóc lu bù.

Ngay khi đó, người con đi cày về, tay cầm cây roi đánh trâu, thấy con mình bị ông già đánh, nó la khóc nên nổi giận nói:

– Ông đánh con tôi, tôi đánh con ông cho ông biết.

Người con liền cầm roi tự quất lên mình túi bụi, ông già nóng ruột quá nói:

– Mày đánh con tao, tao treo cổ cha mày cho mày biết.

Ông liền làm vòng, đút đầu vô treo cổ.

Kết luận câu chuyện, quý vị thấy gia đình đó si mê ở mức độ nào?

Nếu nói ngu thì gia đình đó không ai bằng.

Đứa cháu đã ngu, người cha còn ngu hơn, đến ông nội lại quá ngu!

Ngu là do nổi giận mà ra vậy.

Nên có sân là có si, làm mà không biết sai không biết hại.

Xét lại xem, chúng ta có làm những chuyện na ná như vậy không?

Tưởng chừng như không, nhưng khi có làm mà không hay.

Chẳng hạn lúc nào đó, con làm trái ý, cha mẹ nổi giận chửi “Mày là đồ trâu đồ chó…” Nếu có người hỏi “Nó là trâu là chó, vậy cha mẹ nó là gì???”.

Làm cha mẹ chửi con như vậy có khôn không?

Thế mà có lắm người chửi như vậy!!!

Nên biết, hễ nổi sân là liền ngu, không biết phải quấy.

Tưởng nói cho đỡ bực, nhưng không ngờ tự ngầm nhận mình là trâu là chó. Vì con là trâu chó, cha mẹ đương nhiên phải là trâu chó mới sanh con trâu chó.

Hoặc có người khi giận con thì chửi ông cố nội, ông cố ngoại nó…

Ông cố nội ông cố ngoại nó là ai? Là ông nội ông ngoại mình.

Vậy mà khi giận thì người ta cứ nói cứ làm.

Chẳng khác gì người kia đánh con ông già để cho ổng tức, nhưng tự đánh mình thì mình đau. Rồi ông già treo cổ cha nó, cho nó hoảng sợ, nhưng rồi chính ông chết!

Vì sân si mà chúng ta không nhận biết điều phải lẽ trái, cứ làm bậy, nói bậy, khiến cho thiên hạ chê cười.

Nên ca dao Việt Nam có câu:

“Sân si nghiệp chướng không chừa,

Bo bo mà giữ tương dưa làm gì.”

Tu mà không chịu bỏ tham, bỏ sân, bỏ si mà cứ khoe “tôi ăn chay một tháng mười ngày, 15 ngày v.v…”

Ăn chay, ăn tương dưa là để chừa tham sân si.

Có chừa bỏ được tham sân si thì tâm mới sáng suốt, tâm sáng suốt thì không nói bậy làm bậy, không nói bậy làm bậy thì nghiệp chướng theo đó mà giảm.

Nếu không chừa bỏ tham sân si thì nghiệp chướng tội lỗi khó mà hết được.

Tuy nói tu thân, tu tâm, nhưng chủ yếu là tu tâm.

Nếu tu tâm mà được viên mãn thì mọi nghiệp chướng không còn, mọi họa khổ sẽ hết, không phải trả nặng nề như lúc gây tạo.

Trích trong: Tu Có Chuyển Được Nhân Quả Không? 

HT. Thích Thanh Từ