Sanh tử sự đại

Thiền sư Huyền Giác nói “Sanh tử sự đại, vô thường tấn tốc”. Ngài Từ Minh lại nói “Sanh như đắp chăn đông, tử như cởi áo hạ”. Là Phật tử, xuất gia cũng như tại gia, chúng ta phải sống như thế nào đối với hai quan niệm trên?

 

Thông thường có hai hạng người tu: chưa đạt đạo và đã đạt đạo. Hạng người chưa đạt đạo muốn tiến tu thì lúc nào cũng phải khắc trên trán bốn chữ “Sanh tử sự đại”. Đó là chủ đích của Đức Thích Ca lúc xuất gia. Khi đi tu là cốt giải quyết vấn đề này. Bao nhiêu người từ trước đến giờ đành bó tay đối với vấn đề sanh tử. Vì thế Đức Phật quyết định giải quyết vấn đề sanh tử, chớ không chấp nhận cách đầu hàng nó. Khi đạt đạo rồi, đó là Ngài thoát ly sanh tử. Thế nên tất cả người tu sau này khi phát tâm xuất gia hay quyết chí tu hành theo đạo Phật để giải thoát thì không ai coi thường vấn đề sanh tử. Đó là ý nghĩa của bốn chữ “Sanh tử sự đại” và cũng là bước đầu trên con đường tu của chúng ta.

Người đạt đạo thấy rõ mình có cái chân thật bất biến. Cái chân thật đó trong kinh gọi là Pháp thân hay Chân tâm, cái đó không bị sanh tử lôi cuốn và cũng không lệ thuộc vào sanh tử. Sống với cái không sanh tử thì cuộc sống này chỉ là tùy duyên, đủ duyên hợp lại là sanh, thiếu duyên ly tán là tử. Sanh tử là vấn đề của duyên. Đối với Pháp thân hay Chân tâm, nó không dính dáng gì hết. Vì vậy nếu sống với Pháp thân thì sanh tử như trò chơi, như ảo mộng, như huyễn hóa không gì phải bận tâm. Cho nên có thiền sư nói rằng “Ư chư sanh tử bất quan hoài”, nghĩa là đối với sanh tử không bận lòng.

Cùng một ý này, Thiền sư Từ Minh nói “Sanh như đắp chăn đông, tử như cởi áo hạ”. Người đạt đạo sống với cái không sanh tử, khi đó sanh cũng như mùa đông được chiếc chăn đắp lên cho ấm, có gì mà sợ. Còn khi bỏ thân tứ đại này để trở về Pháp thân thanh tịnh cũng như mùa nực cởi chiếc áo, mát mẻ có gì mà lo. Nhưng đối với chúng ta sanh tử là sự đại, nếu chúng ta chưa đạt đạo thì “Sanh tử sự đại” có giá trị. Chúng ta thấy hai câu trên đều đúng. Người tu mà chưa đạt đạo thì sanh tử là việc lớn, khi đạt đạo rồi thấy sanh tử là trò chơi.

Tôi có làm một bài kệ “Mộng”:

Gá thân mộng, dạo cảnh mộng

Mộng tan rồi, cười vỡ mộng

 Ghi lời mộng, nhắn khách mộng

Biết được mộng, tỉnh cơn mộng.

Chúng ta học Phật pháp tương đối kỹ rồi, chỉ cần có ý chí thực hành nữa mới đi đến giải thoát sanh tử.

Chúng ta học Phật pháp tương đối kỹ rồi, chỉ cần có ý chí thực hành nữa mới đi đến giải thoát sanh tử.

Hiện giờ, chúng ta thấy sự sống còn của thân này thật là quan trọng. Nhưng nếu dùng con mắt trí tuệ Bát nhã mà thấy thì chỉ là một mớ nhân duyên hòa hợp. Sự sống do duyên mà có, đủ duyên thì còn, thiếu duyên thì mất, không có gì bảo đảm lâu dài hết. Thân chúng ta gọi là nội tứ đại, bên ngoài là ngoại tứ đại. Hai phần này hỗ tương nhau mà tồn tại. Vì vậy cuộc sống chúng ta hiện nay là tạm bợ, vay mượn tứ đại bên ngoài hòa hợp với tứ đại bên trong. Sống bằng sự vay mượn tạm bợ như thế không phải mộng là gì, không phải huyễn hóa là gì? Nhưng chẳng lẽ chỉ có thân huyễn hóa tạm bợ này thôi sao? Ở đây chúng tôi dùng chữ “gá”. Ai “gá”? Không phải chỉ có thân tứ đại này là cứu kính duy nhất, mà còn có “chủ nhân ông”. Nói “chủ nhân ông” là khi nào chúng ta tỉnh giác. Nếu chưa tỉnh giác thì phải nói danh từ khác, tức là “nghiệp thức”.

Khi gá vào thân tứ đại mộng huyễn này thì cảnh mà thân tứ đại tới lui qua lại đó cũng là cảnh mộng. Thân là mộng, cảnh cũng là mộng, nên nói “Gá thân mộng, dạo cảnh mộng”. Tổ Quy Sơn thường nhắc nhở: Người xuất gia phải coi mình như khách qua lại trong tam giới. Ở đây tôi dùng câu dạo cảnh mộng vì đa số chúng ta mắc kẹt trong cảnh, thấy cảnh này là thật. Nhà của mình, đất của mình, tất cả cái gì cũng là của mình hết, cho nên được thì mừng mất thì khổ, bị ngoại cảnh lôi cuốn, sống trong bất an, bất ổn. Nếu chúng ta thấy thân và cảnh đều là mộng thì còn gì ràng buộc, còn gì lo sợ, được mất đối với chúng ta như trò chơi, không còn gì phải khổ đau nữa.

Đó là tôi diễn tả lại thân và cảnh. Khi cảnh và thân này tan rồi tức “mộng tan rồi” thì thế nào? Thì “cười vỡ mộng”. Như chúng ta đã biết một khi trả ra mà không mượn lại là thân tứ đại sắp hoại. Thở ra mà không hít vào là phong đại đã hết. Phong đại đã hết thì hỏa đại sẽ tan từ từ. Rồi tới thủy đại, địa đại sẽ tan rã sau. Như vậy một khi thở ra không hít vào thì thân tứ đại chúng ta không còn hoạt động như trước nữa. Thân thiếu phong đại thì thân sắp tan, mắt không còn mở thì cảnh đời đối với chúng ta cũng vắng. Thân và cảnh tan hoại nên nói rằng “mộng tan rồi”. Khi đó người đời sẽ làm sao? Hoặc là khóc biệt ly, thương cha mẹ, thương anh em, thương tất cả người chung quanh… Coi đó như là một chuyến đi không bao giờ gặp lại. Hoặc là bản thân người đó sẽ khổ đau vì “Tiền lộ mang mang vị tri hà vãng”, nghĩa là đường trước mờ mờ không biết về đâu. Khi sắp tắt thở nhớ lại mình không có đức hạnh gì, không biết rồi sẽ ra sao, không biết mình đi đâu? Thật là đau khổ. Như vậy có hai nỗi khổ: khổ khóc vĩnh biệt và khổ không biết thân phận mình ra sao! Đó là nỗi khổ của những người không biết đạo.

Nhưng ở đây tôi nói “Mộng tan rồi, cười vỡ mộng”. Tại sao chúng ta lại cười vỡ mộng? Bởi vì mình biết đó là một giấc mộng. Đã biết là một giấc mộng thì khi hết mộng chúng ta trở về thật. Đang mộng mà chúng ta chợt tỉnh là hết mộng. Khi hết mộng chúng ta còn sợ hay không? Khi biết đó là một cơn mộng thì dù đẹp, dù xấu, dù khổ, dù vui, chúng ta đâu có gì phải sợ. Khi mộng tan chúng ta nở một nụ cười từ biệt mọi người, an lành trở về quê cũ, tức trở về cái chân thật muôn đời. Đó là “cười vỡ mộng”.

“Ghi lời mộng, nhắn khách mộng”, chúng tôi tự thấy mình sống trong cõi đời tạm bợ hư ảo không có gì thật, không lẽ biết nó hư ảo rồi an ổn vui vẻ, mặc cho người khác chìm lịm trong cơn mộng đó để than khóc, chịu đủ thứ đau khổ. Chúng tôi không nỡ nên buộc lòng phải ghi lại ít lời, nhắc những người đồng hành với mình trong cơn mộng đó. Đây là tấm lòng nghĩ đến người sau, muốn cho mọi người khi ra đi đều nở một nụ cười, chớ không phải rơi lệ dầm dề.

Nhưng “ghi” và “nhắn” cái gì đây? Nhắn rằng “Biết được mộng, tỉnh cơn mộng”, nghĩa là một khi biết rõ sự sống này là mộng thì tỉnh được cơn mộng. Chủ yếu là chúng ta phải thấy rõ lẽ thật, chớ đừng lầm lẫn tưởng cuộc đời là thật rồi chìm đắm, hết cơn mộng này đến cơn mộng khác. Như chúng ta gặp cơn ngủ quá mê, vừa mãn mộng thứ nhất, là vừa hơi tỉnh. Tỉnh rồi mà chưa có sức ngồi dậy, rửa mặt và cũng còn ham ngủ nữa thì sao? Cơn mộng thứ hai tiếp nối, và cứ thế tiếp nối tiếp nối, không biết tới bao giờ mới hết. Chỉ khi nào chúng ta biết đó là mộng, mặc cho mộng vui hay mộng buồn, chúng ta nhất định trỗi dậy rửa mặt, đi ra ngoài hoạt động thì khả dĩ hết mộng. Tỉnh được cơn mộng thì mọi khổ vui trong cuộc đời không còn chi phối được chúng ta.

Đây nói tới việc tu. Nếu chúng ta biết điều nào dở, điều nào tạo nghiệp khổ, cái nào giả cái nào thật, cái biết đó chưa đủ làm cho chúng ta giải thoát và hết khổ. Biết rồi chúng ta còn phải hành. Cho nên Phật dạy người học đạo phải đủ văn tư tu. Văn là nghe, tư là suy nghĩ, nhận định đúng. Cái biết mà chúng tôi vừa nói chính là văn và tư vậy. Nhưng chưa đủ, chúng ta còn phải tu tức là hành. Cái hành đó mới là thiết yếu. Như chúng tôi thường nói chủ động trong cuộc luân hồi, sanh tử là ba nghiệp, chủ động trong ba nghiệp là ý nghiệp. Ý nghiệp trong nhà Thiền gọi là vọng tưởng. Vọng tưởng là động cơ chính yếu khiến ta luân hồi sanh tử. Bây giờ muốn thoát ly sanh tử không gì hơn là chặn đứng hay dừng lại vọng tưởng. Nói chặn nói dừng chỉ là một lối nói, đúng ra chúng ta nhè nhẹ buông thôi. Biết rõ bộ mặt nó là không thật, buông nó rồi sẽ hết.

Như vậy công phu buông xả đó tuy nhẹ nhàng đơn giản nhưng đòi hỏi phải bền bỉ lâu dài. Thuở xưa, các thiền sư muốn buông hết phải trải qua mấy mươi năm. Như ngài Triệu Châu bậc kiệt xuất trong nhà thiền ở Trung Quốc còn nói: Ngót ba mươi năm phải buông hết mới thành một khối. Huống chi chúng ta mới buông sơ sài làm sao hết được. Như vậy chúng tôi nói rằng người quyết chí tu đạt đến kết quả viên mãn, thì phải khẳng định lập trường của mình trước mọi hoàn cảnh, nhất là về tình cảm. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến tình cảm của người xuất gia.

Người xuất gia trước tiên phải cắt đứt tình cảm gia đình, chính nó làm chúng ta rối ren, lo sợ, khó xử. Nói đi tu mà ít bữa nhớ nhà, lo ở nhà không có cơm ăn, áo mặc. Như vậy thì làm sao thực hiện được bản nguyện của mình. Nếu chúng ta không có thái độ dứt khoát, không can đảm như Đức Phật thì khó mà giải quyết nổi. Đức Phật một phen ra đi, đến khi thành đạo mới trở về. Đó là hình ảnh một con người dứt khoát, không có thái độ chần chờ. Ngài chỉ trở về thăm vua cha, độ thân quyến là sau khi đã đạt đạo. Nhờ thái độ khẳng định đó mà Ngài thành công.

Chúng ta học Phật pháp tương đối kỹ rồi, chỉ cần có ý chí thực hành nữa mới đi đến giải thoát sanh tử. Vì vậy tôi mong muốn tất cả Tăng Ni cũng như Phật tử đều lập chí vững chắc trên đường đạo. Nếu là người tại gia, khi biết đạo rồi chúng ta phải nỗ lực dùng mọi phương tiện để sống hợp với đạo. Còn người xuất gia thì phải ứng dụng sự hiểu biết của mình cho đúng và tự tháo gỡ hết những ràng buộc do bản ngã, do tình lưu luyến gia đình để mạnh dạn tiến tu. Làm sao cho đời tu chúng ta xứng đáng, không hổ thẹn khi nhắm mắt, tiếc một đời không đi tới đâu. Ngày nào còn sống thì xứng đáng là người xuất gia, đến khi nhắm mắt chỉ nở một nụ cười, thanh thản ra đi. Có như thế sự tu hành mới có ý nghĩa. Đó là điều chúng tôi mong mỏi nhất.

Hoà thượng Thích Thanh Từ