Ứng dụng Phật pháp trong việc điều trị chứng trầm cảm
Chính vì Phật giáo cho rằng trầm cảm bắt nguồn từ nội tâm của chúng ta nên việc điều trị cũng chú trọng vào nội tâm. Hay nói cụ thể hơn là chú trọng vào việc thay đổi cách tư duy, phân tích vấn đề, chuyển hóa những tư tưởng tiêu cực, mang mầm móng bệnh hoạn thành những tư tưởng tích cực, lành mạnh.
Tại vì tâm vị kỷ, coi trọng chính mình, lấy mình làm trung tâm là nhân tố chính gây ra trầm cảm, cho nên chúng ta có thể dùng chính sự trầm cảm của mình như là một phương tiện để loại bỏ thói quen lấy mình làm trung tâm, coi trọng chính mình, không nghĩ đến lợi ích, hạnh phúc của người khác. Thay vì chúng ta nghĩ rằng: “mình thật là tội nghiệp khi bị trầm cảm, mình thật là kém may mắn” thì chúng ta hãy nghĩ: “thật là may mắn khi mình bị trầm cảm, thật là hạnh phúc vì có trầm cảm”. Nếu chúng ta suy nghĩ theo lối tiêu cực, tức là chúng ta nghĩ rằng mình kém may mắn, mình thật tội nghiệp, mọi người không ai coi mình ra gì,… thì chúng ta chỉ chuốc thêm sầu khổ, chỉ làm cho chúng ta thêm chán chường, buồn tủi và không loại trừ sự thù ghét người khác, tránh xa xã hội, không tiếp xúc với mọi người, thiếu sự tự tin ở bản thân, không còn niềm hy vọng để sống. Chính điều này sẽ làm cho sự trầm cảm của chúng ta càng ngày càng thêm nghiêm trọng mà thôi. Ngược lại, nếu chúng ta nghĩ rằng sự trầm cảm mà chúng ta đang chịu đựng là do những nghiệp nhân bất thiện trong quá của chúng ta, giờ này đã đến lúc chúng ta trả quả, khi trả hết rồi thì chúng ta sẽ được hạnh phúc. Cho nên chúng ta vui vẻ đón nhận, không oán hận, không chạy trốn. Có thể bạn sẽ cho rằng đây là một lối tư duy thụ động. Vâng, có thể vậy. Nhưng ít ra nó cũng giúp bạn cảm thấy an lòng, lạc quan để sống, không bị tâm chán ghét, oán hận, sầu khổ thiêu đốt.
Và chúng ta cũng có thể nghĩ rằng, chúng ta đang chịu chứng trầm cảm là một niềm hạnh phúc, vì chúng ta có thể thay thế cho những người thân của mình, cho những bà con quyến thuộc của mình, và cho tất cả mọi người để chịu điều bất hạnh, để cho họ có được hạnh phúc trong hiện tại cũng như trong tương lai. Mặc dù chúng ta có đau khổ, nhưng sự đau khổ của mình đổi lại niềm hạnh phúc cho bao nhiêu người khác, và chúng ta tình nguyện nhận lãnh sự bất hạnh này, chính vì thế mà chúng ta vẫn cảm thấy an vui, chứ không oán hận, không chán nản. Tác ý như thế có nghĩa là chúng ta đang tu tập tâm từ bi, đang nuôi lớn lòng thương yêu trong tâm của chúng ta. Khi tâm từ bi được nảy nở và đơm hoa kết trái thì tâm vị kỷ, chấp ngã, lấy mình làm trung tâm sẽ bị suy yếu dần. Từ bi chính là vũ khí lợi hại để phá tan tâm ích kỷ và chấp ngã. Khi chúng ta ước muốn đem lại hạnh phúc cho tất cả mọi người và mọi loài, và chúng ta cảm thấy hạnh phúc khi người khác có hạnh phúc thì niềm hạnh phúc của chúng ta sẽ được nhân đôi. Hơn nữa, bị trầm cảm là một cơ hội tốt cho chúng ta trải nghiệm và nhờ vậy mà chúng ta dễ dàng cảm thông và chia sẻ với những người bị trầm cảm khác, cho nên chúng ta vui với cơ hội tốt này. Và tất nhiên, khi chúng ta hạnh phúc, vui sống thì sự trầm cảm sẽ lặng lẽ ra đi. Như vậy là sự trầm cảm trở thành một đề mục, một phương tiện hữu hiệu, là một điều may mắn để cho chúng ta tu tập tâm từ bi, để cho chúng ta hoàn thiện nhân cách, hướng đến chân hạnh phúc chứ không còn là một căn bệnh, một thứ đáng sợ nữa.
Giáo lý đạo Phật có nhiều tiềm năng lớn đối với việc chữa trị các chứng bệnh tâm lý, những rối loạn xúc cảm.
Bên cạnh đó, để đẩy lùi tư tưởng chán ghét bản thân, không vừa lòng với chính mình, và loại bỏ sự tự kỷ ám thị bởi những nhãn hiệu tiêu cực thì chúng ta hãy nghĩ về những điều may mắn, những sự hạnh phúc mà chúng ta đang có được, chẳng hạn như chúng ta may mắn hơn nhiều người vì chúng ta có nhà để ở, có chỗ để nghỉ ngơi trong khi nhiều người khác không có nhà cửa, phải đi lang thang, ngủ ở đầu đường xó chợ; chúng ta hạnh phúc hơn nhiều người vì chúng ta còn có cha mẹ, có người thân và được mọi người thương yêu, chăm sóc, trong khi không ít người mới mở mắt chào đời thì đã mang thân phận mồ côi, và có những người bị cha ghẻ, mẹ ghẻ hành hạ, đánh đập tàn nhẫn; chúng ta may mắn hơn nhiều người vì chúng ta có đủ điều kiện để học tập, để tiếp cận với nguồn tri thức hiện đại, trong khi có không ít người bị mù chữ, không có điều kiện để học hành; chúng ta thật may mắn vì chúng ta được làm thân người, sáu căn đầy đủ, thân thể khỏe mạnh, trong khi không ít người bị tàn tật, thân thể mang nhiều bệnh tật, và nhiều loài khác phải làm thân súc sanh, thân con vật, bị con người hành hạ, chém giết;… Cứ tư duy theo chiều hướng này thì chúng ta không còn than thân trách phận, không còn chán ghét bản thân nữa. Và một khi chúng ta có thể nhận thấy được những may mắn và niềm hạnh phúc của mình thì chúng ta sẽ tích cực và lạc quan trong cuộc sống. Chúng ta không nhất thiết phải là người số một mới được hạnh phúc. Có rất nhiều người bình thường, không có tiếng tăm gì, nhưng họ vẫn sống bình dị và vẫn hạnh phúc với cuộc sống của họ. Và chưa hẳn những người số Một, những người nổi tiếng là những người có hạnh phúc tràn đầy. Chúng ta không được là người ‘số Một’ cũng chưa hẳn chúng ta không đáng là gì cả. Vẫn biết rằng phấn đấu để trở thành người ‘số Một’ là điều đáng khích lệ, nhưng nếu không được là ‘số Một’ thì cũng không có gì đáng để tuyệt vọng, mất hết tự tin ở chính mình, chán ghét chính mình. Hãy hình dung, nếu trong xã hội ai cũng muốn trở thành người ‘số Một’, nếu không là người số một thì cuộc sống không còn có ý nghĩa gì nữa, và không thiết sống nữa, thì chắc hẳn xã hội này đầy dẫy những người trầm cảm nặng và ngày nào cũng có không ít người tìm đến sự tự vẫn. Nhiều người tuy không phải là số một, nhưng họ vẫn sống bình thường, và cuộc sống của họ vẫn có ý nghĩa, thế thì tại sao mình lại tuyệt vọng khi không được là số một, lại có ý nghĩ tiêu cực, muốn tìm đến cái chết? Nếu chúng ta suy nghĩ theo chiều hướng này thì tự khích lệ tinh thần mình rất nhiều, chúng ta sẽ lạc quan trong cuộc sống, và dĩ nhiên là sự trầm cảm sẽ không còn nữa.
Một trong những biện pháp hữu hiệu để giúp chúng ta sống lạc quan, vui vẻ, không bị khổ đau, trầm cảm hành hạ đó là đối xử tử tế, thân thiện với mọi người, luôn luôn bao dung, độ lượng và hỷ xả với tất cả. Khi chúng ta đối xử tử tế, thân thiện với mọi người thì lẽ đương nhiên hầu hết mọi người cũng đối xử tử tế, thân thiện với chính mình, và điều này sẽ làm cho mình và người có được hạnh phúc trong cuộc sống. Hơn nữa, nếu chúng ta biết bao dung, biết tùy hỷ thì niềm hạnh phúc của chúng ta sẽ tăng lên rất nhiều, vì chúng ta không chỉ hạnh phúc với những thành công, những kết quả tốt đẹp của mình mà còn hạnh phúc với những thành công, những kết quả tốt đẹp của người khác. Chẳng hạn, có một người bạn có được sắc đẹp như tiên giáng trần, thay vì bạn ganh tị với sắc đẹp của người bạn đó thì bạn hạnh phúc và mừng cho sắc đẹp của bạn mình, như thế chẳng những bạn không đau khổ mà còn hạnh phúc hơn và tình bạn giữa hai người càng bền chặt.
– Nếu đến đó người ta chửi rủa, nhục mạ ông, thì ông nghĩ sao và xử lý bằng cách nào?
– Bạch Đức Thế Tôn! Họ vẫn còn tốt đối với con vì chưa đến nỗi dã man, họ chỉ chửi mắng mà chưa đem gậy gộc để đánh con, ngài Phú Lâu Na đáp lại.
– Nếu họ dùng roi, gậy, gạch ngói đánh chọi ông thì sao?
– Con thấy họ còn tốt, vì họ chỉ mới rượt đuổi mà chưa gây thương tích cho con.
– Nếu họ dùng dao búa gây thương tích cho ông?
– Con vẫn còn cảm ơn họ, vì họ còn tốt, còn lương tri chưa nỡ giết chết con.
– Nếu họ giết ông?
– Con lại cảm ơn họ bội phần, vì họ đã giúp con từ bỏ xác thân hư ảo, ô trược, sớm nhập Niết bàn. Ðó là dịp may hiếm có, chết vì truyền bá Chánh pháp, con sẵn sàng đón nhận mà không có gì ân hận, có ân hận chăng là tiếc cho con chưa được nghe Chánh pháp, chưa thấy con đường giải thoát sinh tử luân hồi.
Dù cho hoàn cảnh có bi đát, có xấu xa đến đâu, nếu chúng ta biết cách, nếu chúng ta tỉnh giác thì vẫn tìm thấy được những lợi ích, những khía cạnh tích cực của nó. Một khi chúng ta làm được điều này thì chắc chắn chúng ta sẽ không còn bị trầm cảm nữa.
Bên cạnh đó, việc thực tập thiền vipassana (thiền quán hay là thiền minh sát tuệ) cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chữa trị và ngăn ngừa sự tái phát của bệnh trầm cảm. Thiền quán là một quá trình thể nghiệm bằng kinh nghiệm của chính mình, dựa trên sự phát triển tỉnh giác một cách có hệ thống và thăng bằng. Người thực tập thiền quán quan sát những gì sanh khởi ngay lúc nó xảy ra nghĩa là chỉ ghi nhận trong giây phút hiện tại, và do đó hành giả sống trọn vẹn với giây phút hiện tại. Ghi nhận một cách chăm chú và chính xác, không đánh giá, không phê phán, cũng không tỏ thái độ. Sự tỉnh giác trong các sinh hoạt hằng ngày là điều vô cùng thiết yếu, đưa đến trạng thái chánh niệm cho người thực tập. Để cho chánh niệm được vững mạnh, chúng ta phải tỉnh giác liên tục, không gián đoạn trong mọi sinh hoạt hàng ngày.
Khi chúng ta thực tập thiền quán, có được chánh niệm, thì chúng ta sẽ nhận diện tất cả những dòng ý tưởng, những lối tư duy phát khởi trong tâm thức của chúng ta, nhờ vậy mà chúng ta nhận ra được nguyên nhân của sự trầm cảm của mình. Với sự tỉnh giác, chúng ta sẽ nhận diện được những dòng ý tưởng, những lối tư duy tiêu cực hay là những tác nhân bên ngoài đã góp phần tạo nên sự trầm cảm của chúng ta như thế nào. Nhờ vậy mà chúng ta tìm ra những giải pháp thích hợp, những “liều thuốc” đúng đắn để chữa trị cho chứng trầm cảm của mình.
Hơn nữa, chánh niệm tỉnh giác sẽ giúp chúng ta quan sát những dòng cảm xúc, tình cảm đang diễn tiến trong tâm của chúng ta một cách rõ ràng và trọn vẹn hơn. Từ đó chúng ta nhận diện được bản chất của chúng và chuyển hóa chúng theo chiều hướng tích cực, hạn chế khả năng dẫn đến trầm cảm.
Không những thế, chánh niệm tỉnh giác còn giúp cho chúng ta đánh giá tình huống, nhận định vấn đề một cách bao quát và trọn vẹn hơn, chứ không còn phiến diện, một chiều nữa. Chính vì thế mà chúng ta nhìn nhận vấn đề một cách thực tế hơn, đưa ra những kế hoạch, những đánh giá đúng đắn, và hợp tình hợp lý hơn, hạn chế khả năng phát sinh những tâm lý tiêu cực gây nên trầm cảm.
Một lợi ích khác cũng không kém phần quan trọng của sự tu tập thiền quán là nó giúp cho chúng ta có được sự bình lặng và an tịnh trong tâm hồn. Điều này góp phần giảm bớt sự căng thẳng và những đau đớn về cơ thể vật lý cũng như những khổ đau về phương diện tâm lý. Những lợi ích này đã được các nhà khoa học kiểm chứng bằng các kết quả nghiên cứu thực nghiệm chứ không phải là những lời nói suông.
Chúng ta có thể thực tập thiền quán mỗi ngày, và ngay cả những lúc chúng ta bị rơi vào trạng thái căng thẳng, trầm uất nặng, chúng ta cũng có thể thực tập thiền, có thể theo dõi hơi thở, hay quán chiếu những dòng tâm thức đang sinh khởi, vận hành trong tâm thức của chúng ta, hoặc chú tâm vào một danh hiệu Phật, một câu thần chú,… Sự thực tập này sẽ giúp cho tâm của chúng ta được lắng dịu lại, được nhẹ nhàng hơn.
Như vậy, chúng ta có thể vận dụng giáo lý đạo Phật để điều trị bệnh trầm cảm với chức năng như là một liệu pháp tâm lý để giúp cho người bệnh giải tỏa sự trầm cảm một cách hiệu quả và ngăn ngừa không để cho sự trầm cảm tái phát. Liệu pháp tâm lý này có thể chữa trị trên cả hai phương diện là tâm lý và sinh lý. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta phủ nhận hoàn toàn vai trò của các dược phẩm trong điều trị sự trầm cảm. Đối với những trường hợp bị trầm cảm nặng, gây rối loạn cả tâm và sinh lý của người bệnh thì chúng ta cũng nên sử dụng các dược phẩm đặc trị để giảm sự căng thẳng, giảm mức độ trầm cảm trong nhất thời. Sau đó chúng ta mới dùng đến các liệu pháp tâm lý để chữa trị với tính cách lâu dài.
Giáo lý đạo Phật có nhiều tiềm năng lớn đối với việc chữa trị các chứng bệnh tâm lý, những rối loạn xúc cảm. Tất cả những tiềm năng ấy đang chờ đợi sự khám phá và vận dụng của các nhà tâm lý trị liệu, của những người học Phật. Tùy từng trường hợp, tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà chúng ta chọn lựa những biện pháp phù hợp, hướng dẫn lối tư duy, cách phản ứng đúng đắn để chữa trị và ngăn ngừa sự trầm cảm tái phát.