Bảy pháp tôn kính làm cho Chánh pháp tăng trưởng

Tôn kính là sự kính trọng cao tột. Khi tôn kính điều gì thì điều ấy trở thành thiêng liêng, là ngọn đuốc sáng soi đường, là biểu tượng cao cả để hướng đến. Mỗi người có đối tượng tôn kính khác nhau để dẫn lối cho cuộc đời.

 

“Một thời Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt cùng với chúng Đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người… Đức Phật dạy:

– Này các Tỳ-kheo! Lại có bảy pháp làm cho Chánh pháp tăng trưởng không bị hao tổn: 1. Kính Phật, 2. Kính Pháp, 3. Kính Tăng, 4. Kính giới luật, 5. Kính thiền định, 6. Kính thuận cha mẹ, 7. Kính pháp không buông lung.

– Bảy pháp như vậy làm cho Chánh pháp tăng trưởng mãi không bị hao tổn”.

(Kinh Trường A-hàm, kinh Du hành, số 2 [trích])

Tôn kính là sự kính trọng cao tột. Khi tôn kính điều gì thì điều ấy trở thành thiêng liêng, là ngọn đuốc sáng soi đường, là biểu tượng cao cả để hướng đến. Mỗi người có đối tượng tôn kính khác nhau để dẫn lối cho cuộc đời. Với người tu, Đức Phật dạy có bảy điều tôn kính sẽ làm cho đường tu thăng tiến và Chánh pháp tăng trưởng.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Hàng Phật tử tôn kính Đức Phật là đương nhiên. Hiện chúng ta cách Phật lâu xa nhưng hình bóng của Ngài vẫn còn, pháp thân Ngài luôn hiển hiện. Âm ba thuyết pháp trầm hùng của Phật vẫn không ngừng lan tỏa. Nhờ giáo pháp vẫn được bảo tồn và truyền lưu khắp nhân gian nên chúng ta biết nẻo tu hành. Giáo pháp được xem là xá-lợi, là Pháp bảo. Nương theo giáo pháp tu tập để được giải thoát, hạnh phúc an vui nên ta hằng tôn kính Pháp. Kính Tăng là đoàn thể xuất gia tu hành theo Chánh pháp, sống thanh tịnh và hòa hợp.

Kính tin Tam bảo là nấc thang đầu tiên khi bước vào đạo. Tuy vậy, để duy trì niềm tin trong sạch ấy với tất cả lòng kính trọng cũng chẳng phải dễ dàng. Kính tin vào Đức Phật Thích Ca thì trọn vẹn, nhưng tin vào chư Phật trong mười phương ba đời thì vẫn còn sâu cạn khác nhau. Kính tin vào Pháp thì tùy vào truyền thống và tông phái mà có sự khác biệt. Kính tin vào Tăng lại càng chông chênh hơn khi có những cá nhân chưa tròn phạm hạnh. Thế nên cần phải hiểu một cách sâu sắc về các phương diện của Tam bảo (nhất là Pháp bảo và Tăng bảo) mới thành tựu niềm kính tin.

Giới luật và thiền định liên quan mật thiết với nhau, nhân giới sanh định. Không có giới thì khó mà an trụ và hàng phục tâm. Thiền định là nền tảng phát sinh trí tuệ. Có trí tuệ mới vượt thoát đau khổ. Kính trọng giới luật và thiền định là thương cho sự tu hành của chính mình. Người tu mà xem thường giới luật và không quan tâm đến thiền định thì nội dung tu hành trống rỗng, chỉ còn hình thức mà thôi.

Tôn kính cha mẹ là thước đo đạo đức căn bản trước khi bước vào cửa Thánh hiền. Người tu tại gia thì báo hiếu cha mẹ. Người tu xuất gia thì hồi hướng công đức tu hành và tìm cách chuyển hóa hoặc cứu độ cha mẹ. Kính trọng và báo hiếu cha mẹ là sự tu hành quan trọng của mỗi người, hiếu thuận chính là đạo.

Đặc biệt là kính Pháp không buông lung, tinh tấn với hạnh không phóng dật. Buông lung hay chạy theo những gì mình thích, dính mắc cảnh trần là chướng ngại lớn. Sự buông lung dễ nhận thấy là ưa thích chạy theo ngũ dục (tiền bạc, sắc đẹp, danh tiếng, ăn uống, ngủ nghỉ) và ngũ trần (cảnh đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc chạm êm ái). Còn một trần cảnh nữa sâu kín hơn, pháp trần, là hình bóng của ngoại cảnh lưu lại trong tâm, tuy là cảnh của tâm nhưng thường khiến ta phiêu du với buồn vui vô tận.

Sự buông lung khó thấy là đánh mất chánh niệm, nên cần nỗ lực đưa tâm về an trú hiện tại, bây giờ và ở đây. Buông lung là tập khí từ nhiều đời. Cần phải tinh tấn, bền bỉ mới khắc phục được thói quen này. Tìm cách làm chủ sáu căn khi đối duyên xúc cảnh. Phát huy chánh niệm tỉnh giác để sống với thực tại đang là, hiện quán, tứ niệm xứ quán. Đây chính là nội dung tu tập trong đời sống hàng ngày.

Bảy pháp tôn kính này nếu được chúng ta thực hành đầy đủ thì đạo quả rất gần, Chánh pháp tăng trưởng và không bị hao tổn.

Quảng Tánh