Oai nghi – tế hạnh của người xuất gia

Phàm là người xuất gia ở chốn Tòng Lâm, tự viện, phải sống đời phạm hạnh, nghiêm trì giới luật đã thọ, giữ gìn oai nghi tế hạnh là trang nghiêm tự thân, kính trên nhường dưới, từ ái với mọi người.

 

Vì Tăng Ni chính là đoàn thể tiêu biểu cho ý nghĩa thanh tịnh, luôn nêu cao tác phong đạo đức của người xuất gia, xứng đáng là Tăng Ni mô phạm của mọi người, bậc gương mẫu của bốn chúng, hướng đến giải thoát sanh tử. Vì chưa phải là những bậc toàn thiện, toàn mỹ nên phải thể hiện sự chơn tu qua phương pháp hành trì theo lời Phật dạy như: Niệm Phật – Trì Chú hoặc Tham Thiền.

Bước đầu xuất gia học đạo, tâm ý Tăng Ni rất thành kính mạnh mẽ và cao thượng nên được Thầy thâu nhận, cho tập sự, dạy bảo rất chân tình. Đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, thưa hỏi, xá chào, ăn uống, ngủ nghỉ đều trong qui củ của thiền môn. Sau khi được cạo tóc xuất gia thì Thầy hoặc những người đi trước chỉ dạy, đánh khánh, chuông, mõ, lời kinh tiếng kệ cho đúng nghi thức, dạy chúng ta Tỳ Ni, oai nghi, cảnh sách.

Nếu muốn chuyên sâu rộng hơn nữa Tăng Ni được Thầy cho phép đến các trường Phật học. Khi vào các trường, lớp Tăng Ni phải tuân theo qui củ của trường, lớp. Tăng Ni vô trước Thầy giáo thọ vô sau, khi tan học Thầy ra trước mình ra sau. Trong giờ học nếu Tăng Ni quay ngang, nhìn dọc hoặc nói chuyện… không chú ý lắng nghe giảng dạy thì được sự nhắc nhở của ban giám thị. Khi được thọ giới thì có ban quản giới tử giám sát, nhắc nhở khi có lỗi lầm, ban điển lễ chỉ bày lúc nào quỳ, khi nào lạy. An cư kiết hạ thì giới luật và thanh quy nghiêm minh hơn sẽ đem đến cho mình sự an lạc thù thắng hơn.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Từ sơ tâm học đạo cho đến trưởng thành, Tăng Ni chúng ta đã trải qua những bước thăng trầm của cuộc sống, vui buồn đều có, cũng may mắn thay Tăng Ni luôn luôn đều nhờ sự dắt dìu, đùm bọc, chở che của những bậc Thầy cao cả, giới đức kim ưu.

Cổ đức thường dạy: Hổ ly sơn hổ bại, Tăng Ni ly chúng Tăng Ni tàn. Cho nên, Tăng Ni lập hạnh quyết định nguyện trụ tòng lâm, tự viện vì là nơi trang nghiêm thanh tịnh, chỗ tu học của người xuất gia đệ tử Phật, là nơi hướng thượng của người niệm Phật, trì chú hoặc tham thiền, là nơi giác ngộ của bậc hiền Thánh, chỗ kiến tánh của Tổ sư, những bậc tiền bối Tổ Sư của chúng ta từ thập niên 20 – 30 của thế kỷ trước (XX) đứng ra chấn hưng Phật Pháp, lợi ích hữu tình cũng xuất phát từ đây, là chỗ an thân lập mạng của mỗi người tu nên phải quyết định thề nguyền dù tán thân mất mạng cũng không rời khỏi chốn này. Nếu rời khỏi Tòng lâm, Tự, Viện thì cô phụ hạnh nguyện, lập chí, quyết định thuở ban đầu của chính mình thì bị nghiệp lực lôi cuốn trong lục đạo luân hồi. Bởi nơi đây đều có các bậc thiện tri thức thấu rõ phương pháp tu hành hướng dẫn, truyền trao cho Tăng Ni chúng ta thành tựu giới thân huệ mạng là nơi đào tạo Tăng, Ni có đủ tài đức, đạo hạnh trang nghiêm để gánh vác Phật sự, lợi ích chúng sanh.

Ví như, trong lòng đất có quặng vàng được khai thác lên nhưng chưa xài được vì còn lẫn nhiều tạp chất, phải trải qua thời gian tôi luyện, gạn lọc loại bỏ hết tạp chất mới dùng được. Nếu đem cất kỹ hay quăng bỏ bất cứ nơi đâu cũng là vàng ròng.

Cũng vậy, Tăng Ni bắt đầu niệm Phật thì tâm còn nhiều tạp loạn, lâu dần tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến… được loại bỏ chỉ còn niệm thiện thì tâm hay cung kính, bố thí, cúng dường, khiêm tốn với mọi người. Đi, đứng, ngồi, nằm hằng niệm Phật không gián đoạn thì đạt đến chỗ nhất tâm bất loạn, an trụ trong chánh niệm, chuyên sâu hơn nữa thì sẽ đạt đến chỗ liễu tâm.

Tăng Ni có trì chú. Đi, đứng, nằm, ngồi không gián đoạn thì thân, khẩu, ý được tương ưng, sở cầu được như ý, lợi ích chúng sanh. Nếu tiến sâu hơn nữa thì cũng được liễu tâm.

Tăng Ni có tham thiền luôn đề khởi câu thoại đầu, có nghi tình thì mọi tạp niệm sẽ bớt dần. Công phu được miên mật thì nghi tình sẽ thành khối, cắt đứt được mọi vọng niệm, thình lình nghi tình tan vỡ thì tự tánh tự hiện, thấu rõ được chính mình để làm chủ cho mình, đến đi tự tại.

Dù niệm Phật, trì chú hay tham thiền đều phải đạt đến liễu tâm. Vì thấu rõ được bổn tâm hay cứu cánh tâm thì sanh tử mới có phần tự do giải thoát. Cũng chính vì nỗ lực công phu tu tập nên Tăng Ni được an trụ trong chánh niệm. Do vậy giới luật không hề vi phạm, nên:

– Thân khi đi luôn ngay thẳng, mắt chẳng ngó liếc hai bên, ung dung tự tại.

– Đứng thì trang nghiêm, chân không kiểng, bên cao, bên thấp, tay không chống nạnh.

– Ngồi lưng thẳng , đầu ngay không chồm phía trước, ngữa phía sau, không ngồi bó gối, không gác chéo, gác ngang, gác lên bàn, cũng không nương tựa bất cứ nơi nào.

– Nằm theo thế kiết tường, nghiêng bên phải, luôn không sái thời.

– Khẩu không nói vọng ngữ, thêu dệt dù một việc rất nhỏ, không chưa nói đã cười hoặc vừa nói vừa cười, luôn nói lời hòa nhã từ tốn với mọi người, nói lời đúng như chánh pháp khiến cho mọi người kính tin Tam Bảo, phát nguyện tu trì.

– Ý thường thấy lỗi mình – không thấy lỗi người, không khinh người sơ tâm học đạo. Vì luôn luôn có chánh niệm.

Do sống trong tòng lâm, tự viện, nương với đại chúng, mọi sinh hoạt đều theo thiền môn thanh quy mà hành sự. Ban chức sự, thanh chúng giờ nào việc đó, ai có bổn phận nấy.

– Giờ công phu: khi nghe hiệu lệnh, không trễ nãi, pháp phục nhẹ nhàng trang nghiêm là tế hạnh, tụng kinh, niệm Phật, trì chú, ngồi thiền luôn hòa nhịp với đại chúng là tế hạnh, khi đi kinh hành chân bước nhẹ nhàng ngay thẳng là tế hạnh.

– Giờ thọ trai: kéo ghế ngồi cũng như đứng dậy không gây tiếng động là tế hạnh, không ăn mích lòng chúng là tế hạnh, không khua chén đũa, vật thực rơi đỗ là tế hạnh.

– Giờ chỉ tịnh: ngủ, thức đều đúng giờ là tế hạnh, không loạn đơn, gây tiếng động cho người bên cạnh là tế hạnh.

– Giờ tắm giặt và vệ sinh: sinh hoạt cá nhân biết tôn trọng kính nhường người là tế hạnh, tắm giặt không xối nước ồn ào trong phòng tắm, phòng vệ sinh là tế hạnh. Rời khỏi phòng tắm, phòng vệ sinh luôn sạch sẽ là tế hạnh. Phơi y phục không làm ước đồ đã khô của người bên cạnh là tế hạnh. Biết tiết kiệm điện nước, vật dụng của thường trụ là tế hạnh.

Được sống trong đại chúng, thân cận với bậc minh sư theo thiện tri thức nhắc nhở Tăng Ni giữ gìn giới luật đã thọ, tôn trọng thanh quy giúp ích cho Tăng Ni chúng ta tăng trưởng đạo hạnh trang nghiêm, oai nghi tế hạnh được vẹn toàn. Trong khế hợp với chân như, ngoài hiển bày được phạm hạnh của người xuất gia.

Khi hội đủ nhân duyên ra ngoài xã hội tùy nghi giảng kinh, thuyết đúng như chánh pháp, hoạt động từ thiện làm lợi ích chúng sanh, được mọi người mến mộ oai nghi, tế hạnh của Tăng Ni trẻ họ sẽ quay về nương tựa Tam Bảo, hộ trì chánh pháp khiến được lâu dài.

Thế là Tăng Ni đã lưu bố được dòng thánh pháp vào cuộc đời xuôi ngược, làm an lạc chúng hữu tình. Phật pháp ngày mai có hưng thịnh hay không! đều trông cậy vào Tăng Ni trẻ, lúc nói năng, động tịnh, tạo tác thi vi, tu trì hoặc im lặng đúng như chánh pháp. Trên thì có thể đền đáp được bốn ân nặng – Dưới có thể cứu giúp được ba đường khổ.

Ngày tháng qua mau nếu phạm hạnh không tròn, một khi mất thân người rồi thì bị đọa lạc trong chốn tam đồ muôn kiếp khó được lại, Tăng Ni hãy nỗ lực tinh cần hạ thủ công phu thì oai nghi, tế hạnh tự hiển bày, tâm luôn an trụ trong chánh niệm mới mong có ngày giác ngộ giải thoát.

HT. Thích Minh Hiền