Nét nhân văn trong đời sống Đức Phật
Một Tỳ-kheo trẻ xuất gia vì lòng mến mộ đức tướng của Phật. Sau một thời gian dài dong ruổi theo bước chân của Ngài, Tỳ-kheo ấy lâm trọng bệnh nên không thể diện kiến dung sắc của Ngài. Để thỏa ước nguyện trước giờ phút lâm chung của người học trò tội nghiệp, bậc đạo sư đã đến thăm Vekkhali, tên vị Tỳ-kheo, đang trú ngụ trong một căn chòi bé nhỏ lợp bằng tranh chỉ kê được một chiếc gường và để vừa một cái ghế. Sự xuất hiện của bậc Đạo Sư trong thời khắc ấy đã mang đến cho vị Tỳ-kheo niềm hỷ lạc vô biên, xua tan mọi nỗi đau, phiền muộn. Lời khuyến tấn “Ai thấy Duyên khởi là thấy Pháp. Ai thấy Pháp là thấy Phật” đã khai mở tâm trí cho Vekkhali về những gì mà một người đệ tử Phật đáng trân trọng và tìm kiếm trong cuộc đời. Với sự tỏ ngộ này, chắc chắn Vekkhali đã cảm nhận được hạnh phúc của “khoảnh khắc là thiên thu” trong kiếp sống đầy vô thường huyễn hóa này.
Ảnh minh hoạ.
Khi được biết Tôn giả Đại Ca-diếp (Maha Kassapa), đại đệ tử của mình, bị bệnh nặng kịch liệt và đang trú tại hang động Pipphali, Thế Tôn đích thân đến thăm, thuyết bài pháp “Bảy yếu tố giác ngộ”(Thất giác chi) giúp Tôn giả vượt qua được cơn bệnh. Sau đó, Đức Phật mời tôn giả về ở chung, san sẻ y áo, thuốc men và thức ăn với người học trò gương mẫu và đức hạnh của mình.
Với nhãn quan thế gian, những việc làm trên là thường tình, chuyện nhỏ, chỉ là cuộc viếng thăm người bệnh. Tuy nhiên, trong lãnh vực tâm linh, hành động ấy lại vô cùng ý nghĩa vì nó được Đức Phật, bậc Giác ngộ thực hiện. Thật không dễ gì để tìm thấy cách hành xử đầy lòng nhân ái và đậm tính nhân văn như thế trong cuộc đời của giáo chủ các tôn giáo! Bởi lẽ, đối với cảnh giới thần linh, cách hành xử như vậy chỉ xảy ra trong thế giới trần tục, những người còn nặng nợ ân tình với nhau, còn thế giới thần thánh chỉ liên quan đến đời sau, đến việc phán xét và thưởng phạt. Nếu vị giáo chủ của một tôn giáo thời danh đã giận dữ với cây sung tội nghiệp, buông lời nguyền rủa nặng nề và khai tử nó vì nó không thể đơm hoa kết trái khi chưa đúng thời vụ để thỏa mãn cơn đói khát của vị ấy, Đức Phật lại dạy hàng đệ tử của mình hãy bình tĩnh và sáng suốt trong việc hành xử với những gì trái ý của mình. Cùng song hành với Đức Phật trên đường, một thanh niên Bà-la-môn dùng vô số ngôn từ tốt đẹp để ca ngợi Ngài. Trong khi ấy, vị Bà-la-môn già, thầy của thanh niên kia, lại dùng tất cả những ngôn từ xấu xa để chê bai, phỉ báng Thế Tôn. Sau sự kiện đó, Đức Phật dạy rằng khi được người ta khen ngợi, đừng vì lời khen mà vui mừng. Thay vào đó, các đệ tử của Ngài hãy xem xét những lời khen đó có hiện hữu trong mình hay không! Nếu có thì ghi nhận là có và tiếp tục tu tập để làm lớn thiện nghiệp ấy; nếu không thì hãy nói rằng trong tôi không có những phẩm chất tốt đẹp ấy. Ngược lại, nếu bị người khác chỉ trích, phê bình, chống đối, đệ tử Phật hãy bình tâm quán chiếu, xem thử sự phê phán ấy có trong ta hay không, nếu có thì ghi nhận và sửa chữa. Nếu không có thì nói rằng những bất thiện pháp ấy không hiện diện trong cuộc sống của tôi.
Cuộc đời đang tràn ngập khổ đau: nỗi đau do bệnh tật, do thiếu ăn, thiếu mặc, chiến tranh, hận thù, thiên tai, bão lụt; nỗi đau do mất mát người thân, sinh ly tử biệt, thế thái nhân tình, vô thường biến hoại…. Cuộc đời đang chờ những nhân cách đầy lòng từ bi, tâm trí tuệ che chở. Khó có ai sống trong thế giới này mà không cần đến sự chia sẻ, lòng yêu thương, đức nhân từ, khoan dung, độ lượng. Vì thế, hình ảnh của người thầy tâm linh như Đức Phật thật sự cần thiết cho cuộc đời này. Sự quan tâm, chia sẻ và lo lắng của Đức Phật trong chính cuộc sống đời thường là những liều thuốc kỳ diệu nhất có thể làm dịu mọi cơn đau cho nhân thế. Hãy đem Đức Phật vào trong thế giới này bằng cách áp dụng lời dạy của Ngài vào trong cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta để làm lắng dịu bớt nỗi đau của kiếp người. Khi đức hạnh và trí tuệ của Phật được hiện thực hóa bằng hành động của con người, cuộc đời sẽ trở nên an bình và hạnh phúc. Từ đây, người ta có lý do để tin vào một tương lai tốt đẹp trong một thế giới đầy tính nhân đạo nhân văn qua một nghệ thuật sống mà suốt 26 thế kỷ qua đã được nhân loại thẩm định giá trị.
Hãy săn sóc chủng tử Phật trong tâm của chúng ta! Hãy để cho hạt giống này đơm hoa kết trái trong mỗi hành vi, cử chỉ của mọi người! Hoa nở là mùa xuân về. Thế giới này luôn mãi là mùa xuân khi tâm từ bi được nuôi dưỡng, khi trí tuệ kết hoa. Ở đâu có từ bi trí tuệ, ở đó có hình bóng của Đức Phật, bởi lẽ “Phật ở đâu xa, Phật ở quanh ta, Phật ở đâu xa, Phật ở trong ta”.