Tùy duyên và bất biến nên hiểu, ứng dụng như thế nào?

Hỏi: Tôi nghe giảng thường gặp câu “Tùy duyên mà bất biến, bất biến mà tùy duyên”. Xin cho biết ý nghĩa của câu này. Ứng dụng tinh thần này vào cuộc sống của hàng cư sĩ thế nào? Hai chữ “tùy duyên” này có giống với tùy duyên mà người ta thường nói không?

 

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tùy duyên trong cuộc sống

Đáp: 

Trong Phật giáo, nhất là Phật giáo Phát triển, tinh thần phương tiện được linh động mở ra nhằm phù hợp với thực tiễn để xiển dương Chánh pháp, lợi lạc quần sinh. Đặc thù của tinh thần phương tiện là luôn khế lý, khế cơ, khế thời và khế xứ; khế lý là đúng với Chánh pháp, khế cơ là phù hợp với hội chúng đương tại, khế thời là đúng lúc, khế xứ là đúng nơi. Câu “tùy duyên mà bất biến, bất biến mà tùy duyên” chính là khái quát tinh thần phương tiện này.

Tùy duyên là tùy theo điều kiện và hoàn cảnh khách quan: Tùy theo căn cơ trình độ của chúng sinh, tùy theo phong tục tập quán của từng địa phương, tùy theo hoàn cảnh thực tế xã hội mà uyển chuyển, linh động, tìm phương thức phù hợp để giáo hóa, khiến cho con người nơi ấy hiểu và tin theo Phật pháp. Tuy có uyển chuyển và linh động một số điểm cho phù hợp, tương thích với tình hình mới nhưng phần chính yếu, cốt tủy của Phật pháp thì luôn được giữ vững, nên gọi là “tùy duyên mà bất biến”.

Bất biến chính là giữ vững các giá trị căn bản, những gì là bản sắc và tinh hoa của Chánh pháp. Tuy phương tiện được mở ra nhưng người thực thi phương tiện không được đi quá đà và quá xa.

Nếu tùy duyên mà không biết được giới hạn, không thấy rõ điểm dừng nhằm giữ gìn những tinh túy, đặc thù của Phật pháp thì chắc chắn sẽ rơi vào vong bản, tha hóa, thậm chí là lạc giáo. Chủ trương bất biến nhưng không cứng nhắc, giáo điều để tự đánh mất sự linh hoạt, năng động và tiệp thế của Chánh pháp, không mang đến những giá trị tích cực cho đời, do đó “bất biến mà tùy duyên”.

Thời Đức Phật tại thế, Ngài đã kêu gọi các Tỳ-kheo chứng đạo hãy đi khắp nơi rao giảng Chánh pháp, vì lợi ích, an lạc cho chư thiên và nhân loại. Cho nên Chánh pháp cần được rao giảng và thực thi để lợi đạo và ích đời, tự lợi và lợi tha đều viên mãn. Tinh thần tùy duyên mà bất biến nếu được vận dụng trên nền tảng trí tuệ và từ bi thì Phật pháp ngày một xương minh, chúng sinh được nhiều lợi lạc.

Đối với đời sống thực tiễn của hàng cư sĩ, tinh thần “tùy duyên mà bất biến, bất biến mà tùy duyên” được áp dụng trong tất cả các lĩnh vực cuộc sống. Trung dung, trung đạo, tùy duyên nếu vận dụng linh hoạt sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc.

Đời sống thế tục nhiều gia duyên ràng buộc nên cần dung hòa với lý tưởng sống đạo sao cho cân bằng để chu toàn mọi sự. Chấp thủ và cực đoan bất cứ điều gì cũng không hay, cần hài hòa trong mọi ứng xử để sống tốt đời, đẹp đạo. Cần phát huy trí tuệ và trưởng dưỡng từ bi mới có thể thực thi một cách thiện xảo phương tiện này.

Chữ “tùy duyên” mà mọi người thường dùng thì tùy theo cách hiểu của mỗi người mà mang ý nghĩa khác nhau. Người có trí tuệ thì thấu rõ lý duyên sinh, các pháp sinh trụ dị diệt đều do duyên nên tùy thuận an nhiên trước mọi biến động của vạn pháp.

Người tỉnh thức biết về duyên sinh rồi làm tất cả những gì cần làm, thành tựu được chừng nào thì vui theo chừng đó, không cưỡng cầu mà cũng chẳng thất vọng. Người không biết nhiều về lý duyên sinh cũng có thể tùy duyên, biểu hiện là an phận với hiện tại, chấp nhận những gì đang có. Dù ở cấp độ nào, biết tùy duyên thì có thể chấp nhận thực tại, chấp nhận được nhiều thứ thì sẽ bớt khổ đau.

Theo Giác Ngộ.