Nghìn người tham gia rước kiệu, thỉnh tôn tượng Đức Phật đản sinh
Đoàn cung rước Đức Phật đản cùng nghi thức tắm Phật là một trong những hoạt động thiêng liêng mở đầu tuần lễ Phật đản (Phật lịch 2567).
Đoàn kiệu rước tượng Đức Phật đản cùng hơn 20 kiệu hoa của các ban ngành, hệ phái và cơ sở giáo dục Phật giáo TP.HCM với màu sắc và chủ đề phong phú được rước từ chùa Ấn Quang về Việt Nam Quốc Tự (quận 10) với chặng đường khoảng 1km, tối 15/5.
Các đoàn cung rước Đức Phật đản tập trung tại đường Sư Vạn Hạnh (tổ đình Ấn Quang) từ 20h đi theo lộ trình qua các cung đường: Ngô Gia Tự – Lê Hồng Phong – đường 3/2 (cổng chính Việt Nam Quốc Tự). Đoàn rước dài hàng trăm mét trong đó có cả nhiều em nhỏ tham gia với cờ hoa, đèn sáng lung linh,….
Đoàn cung rước Đức Phật đản sinh vừa thành kính vừa thiêng liêng đi trên đường Lê Hồng Phong với sự dõi theo của hàng nghìn người dân hai bên đường.
Đến Việt Nam Quốc Tự, đoàn cử hành nghi thức tắm Phật truyền thống. Đây là một trong những hoạt động thiêng liêng mở đầu tuần lễ Phật đản (Phật lịch 2567) do Ban Văn hóa Phật giáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM tổ chức.
Theo quan niệm Phật giáo, lễ Phật đản là ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chào đời. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thân là Thái tử Tất Đạt Đa, dòng họ Cồ Đàm, vương tộc Thích Ca. Ngài được cho là sinh vào ngày rằm tháng Tư âm lịch năm 624 trước Tây lịch (theo lý giải của phái Nam tông), mùng 8/4 âm lịch (theo lý giải của phái Bắc tông) tại vườn Lâm Tỳ Ni – nơi nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal.
Nghi lễ tắm Phật dựa vào truyền thuyết hai vị Long vương phun hai dòng nước, một dòng nước lạnh và một dòng nước nóng, tắm cho Thái tử Tất Đạt Đa trong ngày đản sanh.
Sau đó, hàng dài người xếp hàng để được tắm Phật, một nghi thức để thể hiện lòng tôn kính, hân hoan đối với sự xuất hiện của đấng Giác Ngộ – Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cách đây hơn 2.600 năm về trước.
Đại lễ Phật đản không chỉ là một biểu hiện của lòng kính trọng, mà còn là một ẩn dụ sâu sắc cho hành trình tâm linh của mỗi người.
Nhiều tăng, ni, phật tử chụp hình lưu niệm sau khi làm lễ tại sân chính Việt Nam Quốc Tự. Đây là trụ sở mới của Ban trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam (trụ sở cũ là chùa Ấn Quang) khánh thành 2017 với bảo tháp 13 tầng cao 63m, là tôn thờ xá lợi trái tim của Bồ tát Thích Quảng Đức.
Nguyễn Huế-nguồn Vietnamnet