Sự trường tồn của Phật pháp

Sự trường tồn của Phật pháp

Duyên đủ thì hoa nở, đúng lúc thì tuệ giác bừng khai. Sự hiện ra như ở trước mắt hoặc sự ẩn tàng ấy thực ra cũng chỉ là các pháp ở đời. Các pháp có sinh có diệt, tùy theo nhân duyên, nhưng Chánh pháp – chân lý thì không sinh không diệt.

 

Trong phẩm 7, kinh Pháp hoa , Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã kể lại một câu chuyện vào thời kỳ xa xưa, rất xưa, về Đức Phật Đại Thông Trí Thắng, bậc được xem là “vị Tổ” của kinh Pháp hoa. Trước khi thành Phật, Ngài làm vua, là cha của 16 vị vương tử. Các vương tử ấy về sau đều thành Phật, trong đó có Đức Phật A Di Đà và Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Trong câu chuyện ấy, có một hình ảnh rất đẹp, rất kỳ đặc và hùng tráng về Đức Đại Thông Trí Thắng. Đó là khi Ngài đã phá tan quân đội ma vương rồi, sắp được tuệ giác vô thượng của chư Phật, nhưng các Phật pháp vẫn chưa hiện ra. Ngài ngồi xếp bằng như vậy, thân thể và tâm trí không dao động, trải qua 10 tiểu kiếp. Chư Thiên Đao Lợi thiết cho Ngài một tòa sư tử dưới cội bồ-đề cao đến một do-tuần. Khi Ngài ngồi lên tòa sư tử thì Phạm vương tung rải hoa của chư thiên trên khắp diện tích 100 do-tuần quanh Ngài để cúng dường. Gió thơm thỉnh thoảng lướt đến thổi lùa đi các hoa héo, và Phạm vương lại rải hoa mới thay vào. Tứ Thiên vương thường xuyên khởi trống trời, các vị khác thì tấu lên các nhạc khúc chư thiên để hiến cúng Phật. Trải qua 10 tiểu kiếp như vậy, Phật pháp hiện ra như ở trước mắt, và Ngài hoàn thành tuệ giác vô thượng.

Tất cả những sự kỳ đặc ấy ắt hẳn là để nói lên sự chẳng thể nghĩ bàn về chư Phật cũng như Chánh pháp. Dù vậy, hình ảnh Đức Đại Thông Trí Thắng ngồi an nhiên trước ngưỡng thành đạo vẫn là một hình ảnh gây xúc động mạnh đối với tất thảy những người con Phật. Giữa cảnh hoa, nhạc, trống trời rền vang và thơm ngát; giữa cảnh chư thiên hân hoan rạo rực, Đức Đại Thông Trí Thắng vẫn an nhiên – như nhiên như thị. Cái im lặng của Ngài là cái lặng im sấm sét, cái lặng im hùng tráng khiến cho tam thiên đại thiên thế giới phải rúng động. Sự điềm nhiên đó, là điềm nhiên của một bậc đại trí tuệ, một bậc sắp sửa mở toang cánh cửa giải thoát. Không nao núng, không chờ đợi, không mong cầu, cho dẫu là mong cầu Phật pháp!

Vì sao vậy? Vì, với tuệ giác của Ngài, Ngài biết lúc nào là phải thời. Buổi trời đang giá rét, cây cối thu mình ngủ đông; sớm mai xuân đến, nắng tỏa ấm, bỗng dưng hoa nở, bừng lên, tỏa hương ngào ngạt. Tất cả đều phải hội đủ duyên. Duyên đủ thì hoa nở, đúng lúc thì tuệ giác bừng khai. Bậc đại trí vẫn hằng nhận thấy Chánh pháp vẫn luôn có mặt ở đó, vẫn thường trú bất diệt, dẫu có Phật ra đời hay không. Sự hiện ra như ở trước mắt hoặc sự ẩn tàng ấy thực ra cũng chỉ là các pháp ở đời. Các pháp có sinh có diệt, tùy theo nhân duyên, nhưng Chánh pháp – chân lý thì không sinh không diệt.

Chúng ta vẫn thường lo lắng đến sự thịnh suy của Phật giáo, nên ra sức cổ xúy cho việc rao giảng, thu hút tín đồ, xây dựng đạo tràng, đến nỗi khiến chùa to Phật lớn. Những việc làm đó hẳn nhiên có công đức, nhưng chỉ là công đức hữu lậu. An nhiên như Đức Đại Thông Trí Thắng, diệt trừ tất thảy ma quân, thân tâm không dao động, để duyên đủ hoa khai, sáng bừng tuệ giác, tam chuyển Pháp luân, lợi lạc hết thảy nhân thiên. Đó là công đức vô lậu, bởi việc hành trì ấy không dựa trên các pháp sinh diệt của thế gian.

Nhân ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Thành đạo, kính tưởng nhớ đến lời Ngài dạy, người con Phật chúng ta an nhiên không sợ hãi, một lòng vững tin vào sự trường tồn của Phật pháp mà tu tập, nguyện chứng vô sanh.