Thấy tham sân si như chúng đang là tức đang thấy sự thật
Kính Bạch Thầy, con đang gặp lúng túng trong tu tập, xin Thầy chỉ dạy. Trước đây, cũng đã lâu, trong một lần tình cờ con thấy được mọi pháp vận hành như nó đang là, và con đã trình với Thầy.
Từ đó con sống bình thường, lặng lẽ quan sát thấy biết một cách tự nhiên, nhưng con không một lần nào có lại được sự thấy biết rỗng lặng trong sáng như vậy được nữa…
Khi con buông xuống những cố ý tạo tác của cái Ta cá nhân thì lại dễ bị rơi vào tâm si…
Thưa Thầy, có phải chăng khi “rỗng lặng trong sáng” được cũng là một sự kiện “xảy ra” khi hội tụ đủ nhân duyên, không thể cầu. Vì thế tuy con hiểu không cố tâm tham cầu, nhưng dù sao cũng đã đôi chút cảm nhận mùi vị của Pháp nên con thấy lúng túng với viêc tu tập của con hiện nay.
Kính mong Thầy chỉ dạy. Con kính chúc Thầy luôn mạnh khỏe.
Ảnh minh hoạ.
Trả lời:
Bản thân thực tánh vượt ngoài khái niệm, do đó khi đã bị khái niệm hóa thì nó không còn là thực tánh mà chỉ là hình ảnh quá nhỏ nhoi về nó. Giống như con chụp tấm hình một dòng sông, trong tấm hình dòng sông đã dừng lại còn dòng sông kia thì vẫn tiếp tục trôi chảy không ngừng.
Vấn đề không phải ở chỗ con có thấy lại thực tánh hay không, bởi thực tánh luôn mới mẻ không ngừng, khi con muốn nắm bắt nó thì ý “muốn biết, muốn được” đã che mờ thấy biết của con, và thực tánh đã qua mất rồi.
Khi thấy biết có ý đồ thì thực tánh không bao giờ xuất hiện, dù muôn đời nó vẫn là như vậy chẳng mất đi đâu cả.
Vậy vấn đề không phải là thấy lại được “thực tánh” con đã thấy, mà là tâm thấy biết có rỗng lặng, vô tâm và trong sáng không?
Khi con không thấy thực tánh tức con đang thấy qua khái niệm của bản ngã, đó không phải là cơ hội để con thấy ra bản chất của cái Ta ảo tưởng hay sao?
Thấy rõ hành trình tham-sân-si hay vô minh-ái dục của bản ngã cũng là thấy thực tánh. Con cần khám phá cả hai:
Thực tánh của pháp tự nhiên và
Khi bản chất của cái Ta ảo tưởng đã bị phơi bày thì đồng thời thực tánh của pháp chân đế cũng xuất hiện.
Lần con thấy trước đây chỉ là nhờ cái Ta bỗng nhiên vắng mặt, nên chỉ thấy thực tánh pháp tự nhiên mà không thấy hành trình của cái Ta ảo tưởng vẫn còn đó trong vô thức chưa khởi lên. Nay khi nó đang hiện khởi và xen vào sự thấy biết của con thì con không khám phá nó mà lại muốn thấy thực tánh tự nhiên thôi, sai lầm của con chính là ở chỗ đó.
Trong kinh Tứ Niệm Xứ đức Phật dạy thấy thân-thọ-tâm-pháp như nó đang là, bao gồm cả tham-sân-si-khổ-lạc-xả… chính là thấy thực tánh, chứ không phải mong đừng có thực trạng tham-sân-si đó để thấy thực tánh của pháp nào khác.
Cái gì con thấy nó như nó đang là, chứ không phải con nghĩ là, chính là đang thấy thực tánh.
Chính vì vậy nên:
1. Con cố gắng buông tức là buông mà không xả, nên trong buông còn ý chí buông của cái Ta. Hãy để tự nhiên thì tánh biết tự thấy pháp mà không cần cố gắng gì cả. Vì thấy với tâm rỗng lặng trong sáng tức là buông chứ không có ai buông và cái gì để buông cả.
2. Nếu con biết bị rơi vào tâm si thì đâu còn si nữa. Phật dạy “nội tâm có si biết là nội tâm có si” tức là đang chánh niệm tỉnh giác, nghĩa là tánh biết vẫn sáng suốt, định tĩnh, trong lành. Khi con không biết bằng lý trí của thức tri, tưởng tri thì con lầm tưởng đó là tâm si. Nhưng không biết không hẳn là tâm si, chính cái biết bị chi phối bởi trạo cử và nghi hoặc mới gọi là tâm si. Còn biết (tuệ tri) mà không biết (tức không bị tưởng tri và thức tri che lấp) mới thực sự là biết thực tánh…