Cứu rùa và cái kết ly kỳ sau 16 năm
Vào ngày 9/5/1924, tại TP Cơ Long, Đài Loan, một con tàu chở khách của Nhật tên là “Đại Phước Hoàn” đang tới giữa biển Dã Liễu Quy Đầu thì đụng đá ngầm và bị chìm, lúc này trên tàu có khoảng 100 người, nhưng hầu hết đều làm mồi cho thuỷ thần.
Hôm đó đúng vào ngày mùng 6 tháng 4 âm lịch là ngày cung nghinh Thiên Thượng Thánh Mẫu xuống xem xét nhân gian, cho nên thiện nam tín nữ cùng khách du lịch khắp nơi đổ xô về đây để lễ bái thật náo nhiệt, các phương tiện giao thông đều quá tải, vì thế khi xảy ra tai nạn thì số lượng người chết sẽ rất cao.
Trên chuyến tàu đó có một hành khách 16 tuổi tên Lâm Thanh Kỳ. Khi tàu chìm, cậu nhanh chân bơi ra ngoài, nhưng vẫn vô cùng hoảng sợ, lo lắng. Xung quanh cậu là mặt biển bao la, tuy bơi lặn rất giỏi, nhưng đành bất lực trước sóng to gió lớn, chẳng mấy chốc cậu bị kiệt sức. Lâm Thanh Kỳ đã xác định số mình đến đây là hết.
Trong lúc đang chới với trong nước, thì cậu cảm giác có một tấm ván rất lớn từ dưới biển nổi lên, đỡ cậu nổi trên mặt nước. Nhưng nhìn kỹ thì không phải ván, mà hóa ra đó là lưng của một con rùa rất lớn, rộng như cái mặt bàn, miệng nó to như cái chậu. Cậu ban đầu tưởng con rùa khổng lồ này sẽ ăn thịt mình, sợ quá nên ngất đi.
Ảnh minh họa.
Lát sau tỉnh dậy, cậu kinh ngạc đến mức tưởng mình đang mơ. Con rùa đang cõng cậu trên lưng, từ từ bơi vào hướng đất liền. Cậu bắt đầu quan sát thật kỹ con rùa, để tìm hiểu xem chuyện kỳ quái gì đang xảy ra thế này. Và phát hiện thấy trên lưng rùa có khắc năm chữ rất to “Ích Nguyên Hiệu Phóng Sinh”.
Nguyên cách đây 16 năm, khi đó cậu mới sinh, chưa biết gì, xong được mọi người kể lại và cậu vẫn nhớ rõ. Cha của cậu là Lâm Tra, ông có mở tiệm bán tạp hoá và đồ trang sức trên đường Kim Bao, đặt tên là “Ích Nguyên”.
Một hôm, ngư dân trong làng kéo lưới bắt được một con rùa cực lớn, phải nặng tầm 500kg, họ định giết thịt chia cho mọi người. Đúng lúc đó ông Lâm Tra đi ngang qua, con rùa thấy ông, nó ngước đầu lên nhìn, đầu gục lên gục xuống với ý xin tiên sinh hãy cứu mạng.
Nhìn thấy con rùa sắp bị giết thịt, ông Lâm Tra thương quá, không cần đắn đo suy nghĩ, liền lấy ra một khoản tiền rất lớn mua nó phóng sinh. Đề phòng nó bị bắt trở lại, chính tay ông khắc trên mai nó năm chữ rất to “Ích Nguyên Hiệu Phóng Sinh”, rồi thuê người cùng với mình đem con rùa thả trở lại biển.
Khi con rùa vừa được thả ra, nó nổi lên mặt nước và lặn xuống vài lần, mỗi lần nổi lên nó đều gục đầu cảm tạ ơn cứu mạng của ông ba cái, sau đó lặn sâu xuống đáy biển.
Không ngờ 16 năm sau, cậu lại được chính con rùa cha cậu phóng sinh cứu mạng lại. Thật là một sự sắp xếp kỳ diệu của tạo hóa.
Chú rùa cứ cần mẫn bơi, sau một thời gian thì vào đến được bờ. Nó dừng lại cho Lâm Thanh Kỳ xuống. Cậu ngoái nhìn lại con rùa vẫn còn nổi trên mặt nước, cậu liền chắp tay cảm tạ ân cứu mạng của nó, con rùa hiểu được ý cậu, nó cũng gục đầu đáp lễ, nó còn kêu lên mấy tiếng, biểu thị ý rất vui mừng. Sau đó, nó lặn vào nước.
Cậu về nhà và lập tức được cả gia đình cũng như dân trong thôn vây quanh hỏi han. Mọi người lấy làm khó hiểu, bằng cách nào cậu đã thoát nạn và an toàn trở về.
Lâm Thanh Kỳ thong thả kể lại chi tiết đầu đuôi chuyện con rùa cứu giúp. Nghe xong ông Lâm Tra xúc động nghẹn ngào, nói không lên lời. Những người khác ai nấy đều tấm tắc khen ngợi nhà ông Lâm có phúc, nhờ lòng từ bi mà có được kết quả vi diệu như vậy. Từ khi con trai thoát nạn trở về, ông Lâm càng nỗ lực làm thiện, càng tu bố thí, phóng sinh, niệm Phật…
Còn ngư dân trong thôn chứng kiến việc này, được lòng từ của ông Lâm và lòng tri ân của con rùa nhiếp phục, mọi người đều thề rằng từ đây về sau họ sẽ không bắt, không giết, không ăn con rùa đó nói riêng và tất cả loài rùa nói chung, lời thề nguyện này cho đến hôm nay vẫn còn tồn tại và có hiệu lực trong thôn này.
Trích “Nhân quả báo ứng những điều mắt thấy tai nghe”.