Quảng Nam: Chư hành giả trình bày quan điểm tại tọa đàm của khóa tu truyền thống Giới – Định – Tuệ lần thứ 34
Nối tiếp chủ đề “Những lời dạy của Tổ sư Minh Đăng Quang về Pháp trau tâm”, trong ngày 18/04/2024 (10/03 Giáp Thìn), đại diện chư hành giả tham dự khóa tu truyền thống Giới – Định – Tuệ lần thứ 34, đã có buổi tọa đàm, trình bày những chia sẻ và quan điểm đến chư Tôn đức chứng minh và toàn thể hội chúng.
Tại buổi tọa đàm, đại diện các hành giả tham dự khóa tu, ĐĐ. Minh Tuế và ĐĐ. Minh Nhật đã trình bày quan điểm về các pháp trau tâm theo lời dạy của Tổ sư, như TT. Giác Hoàng đã lượt giảng ở buổi trước.
Theo đó, ĐĐ. Minh Nhật nhấn mạnh vào phương pháp trau tâm, đi từ việc trau tâm đến niệm tâm. Đại đức cho rằng, đối với pháp trau tâm, hành giả tu tập thường đặt trọng tâm vào việc giữ giới, giúp hành giả ngăn chặn những lỗi lầm từ thân và khẩu, ngăn chặn lỗi lầm từ tâm và ý. Song, bên cạnh đó, Đại đức cũng nêu ra phương pháp trau tâm bằng cách niệm tâm, hay còn gọi là chánh niệm, một phương pháp trong bộ tu tập Bát chánh đạo.
Diễn giải về phương pháp này, ĐĐ. Minh Nhật cho biết: “Khi chúng ta trau tâm, tức đang hướng đến giới luật, đang thực hiện việc giữ giới bằng cách cố gắng giữ gìn giới, phòng hộ các căn, từ bỏ các việc xấu ác. Song nếu chỉ trau mà thiếu niệm, đôi khi sẽ nảy sinh những việc khiến người tu tập chưa thể nhận rõ trong quá trình giữ giới trau tâm ấy. Chính vì vậy, niệm ở đây có sự liên hệ đến Tứ niệm xứ trong 37 phẩm trợ đạo mà Đức Phật đã dạy. Đây là một vấn đề quan trọng, bởi khi mỗi việc làm, mỗi hành động từ thân và tâm đều có niệm đi kèm theo, như trong đại kinh số 40 ghi rõ: ‘cho dù đó là chánh kiến, chánh tư duy đi đến chánh định, thì chánh niệm luôn phải được đi kèm trong tám chi phần này’. Khi niệm có mặt và đó là chánh niệm thì bất kỳ hành động nào từ thân-khẩu-ý cũng sẽ đi theo con đường chân chánh và ngược lại. Dẫu rằng một hành giả cố giữ gìn giới, nhưng thiếu đi chánh niệm, hay bị ảnh hưởng bởi niệm không chơn chánh, lúc này giới mà hành giả đang hành trì sẽ trở thành giới không chơn chánh. Từ giới không chơn chánh dẩn đến định cũng không chơn chánh”.
Qua đó, Đại đức khẳng định về tầm quan trọng của niệm trong quá trình trau tâm, đồng thời cho rằng, thiếu đi niệm nghĩa là hành giả chưa thật sự đi vào con đường tu tập: “Chúng ta có giới, có định và tuệ, nhưng vẫn cần chánh niệm đi kèm theo như một cách hỗ trợ, nhắc bảo hành giả trong xuyên suốt quá trình giữ giới tốt hơn. Việc tu tập thiếu niệm, như thể ta đang chạy theo một guồng máy, tu một cách thụ động và không hiểu rõ việc mình đang làm, khiến cho các hành xử tự thân dễ bị sai sót”.
Theo Đại Đức, niệm cần được duy trì trong từng phút, từng thời của đời sống tu tập, chứ không chỉ giới hạn trong một phạm vi nào. Bởi, khi thiếu đi niệm nghĩa là ta đang buông lung, để mặc cho lục căn phan duyên với bên ngoài. Thực tế cho thấy, phần lớn, khi tham gia vào các thời khóa, hành giả thường dụng công nỗ lực tu tập nhiều hơn thường ngày, song, khi quay trở lại sinh hoạt bình thường, hành giả lại buông lung tâm trí, ít thực hành chánh niệm hơn. Điều này phản ánh tầm quan trọng của niệm trong sự tu tập. Rõ ràng các hành giả không phải không có sự tu tập, nhưng tiến trình thăng tiến của sự tu tập chưa đạt được như mong muốn, hay thậm chí là ngưng trệ, lý do là bởi thiếu đi chánh niệm.
Khép lại phần trình bày quan điểm của mình, ĐĐ. Minh Nhật một lần nữa bày tỏ, mỗi hành giả trong quá trình tu tập cần lưu ý giữ chánh niệm, ý thức về từng niệm của mình, đó cũng là cách trau tâm chơn chánh và vững chắc.
Ban đạo từ tại buổi tọa đàm, chư Tôn đức chứng minh đã tán thán những quan điểm được nêu ra từ hai vị Đại đức hành giả của khóa tu. Chư Tôn đức khẳng định, những băn khoăn, quan điểm này, cho thấy sự lưu tâm, nỗ lực tu tập cũng như ý thức về trách nhiệm thiêng liêng của các hành giả đối với con đường tầm cầu đạo giải thoát của chính mình, góp phần mang lại lợi ích cho chính mình, cho HPKS và nhân sinh về sau.
Một số hình ảnh tại khóa tu truyền thống ngày thứ 8: