Chết có đáng sợ hay không?

Chúng sanh ai cũng sợ chết nhưng mong muốn khỏi già, khỏi chết là những sự kiện không thể có được như Đức Phật đã dạy:

 

– Này các Tỷ-kheo, có năm sự kiện này không thể có được bởi Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi Ma hay Phạm thiên, hay bởi một ai ở đời. Thế nào là năm?

– Phải bị già, phải bị bệnh, phải bị chết, phải hoại diệt, phải bị tiêu diệt. Với vị Thánh đệ tử có học, bị già đến; và già đến; khi già đến, vị ấy có suy tư: “Không phải chỉ một mình ta phải bị già và già đến. Nhưng đối với các loài hữu tình có đến, có đi; có diệt, có sanh, tất cả các loài hữu tình đều phải bị già và già đến. Và nếu phải bị già và khi già đến, ta lại sầu, bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh, thời ăn uống không làm ta ưa thích; thân ta trở thành xấu xí; các công việc không có xúc tiến; kẻ thù sẽ hoan hỷ; bạn bè sẽ lo buồn”. Vị ấy phải bị già, khi già đến, không sầu, không bi, không than khóc, không đập ngực, không đi đến bất tỉnh.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Biết suy nghĩ như thế, đây gọi là vị Thánh đệ tử có học, được nhổ lên là mũi tên sầu muộn có tẩm thuốc độc, mà kẻ phàm phu không học bị bắn trúng, tự làm mình ưu não. Ngoài phương pháp nhổ đi mũi tên sầu muộn, Đức Phật cũng dạy thêm về nơi cuối cùng mà mọi người phải đến:

Tất cả chúng sanh chỉ sẵn dành để chịu chết đều nhau cả, vì sanh mạng của tất cả chúng sanh, chỉ có sự chết là nơi cuối cùng. Tất cả chúng sanh đều phải chịu quả phước cùng quả tội, vừa theo của nghiệp của mình đã tạo, rồi đi thọ sanh trong kiếp sau. Chúng sanh nào làm nghiệp dữ, phải chịu khổ trong cảnh địa ngục, chúng sanh nào làm việc lành, được thọ vui trong Thiên giới, cho nên người đời cần phải hối hả làm việc phước đức, mà bậc trí tuệ hằng thân thiết, cho làm của để dành theo trong đời vị lai. Vì các việc phước đức là nơi nương nhờ của tất cả chúng sanh trong vị lai.

Để chuẩn bị cho cha mẹ già có cái chết tỉnh giác, nhẹ nhàng, người con có thể nhắc nhở cha mẹ về những nguyên nhân đưa đến cái chết, về pháp vô thường, hoặc trong lúc lâm chung nhớ về những việc thiện mà cha mẹ đã làm cũng có thể thoát khỏi bốn cõi khổ.

Khi tuổi thọ đã tròn đủ, chúng ta phải chuẩn bị để ra đi, giống một chiếc xe đã cũ, phải bỏ đi để thay vào chiếc xe mới, như tháo chiếc áo đang mặc để mặc vào một chiếc áo khác. Chiếc xe có lộng lẫy hơn, chiếc áo có đẹp hơn hay không tùy thuộc vào sự chuẩn bị của mình. Trong kinh Trường Bộ, Đức Phật đã nói về sự từ bỏ mạng sống của Ngài như sau:

Mạng sống có hạn hay vô hạn,

Tu sĩ từ bỏ, không kéo dài.

Nội tâm chuyên nhất trú thiền định.

Như tháo áo giáp đang mang mặc.

Con cái có thể chuẩn bị cho cái chết của cha mẹ mình một cách cụ thể hơn để cận tử nghiệp sẽ là chiếc cầu đưa cha mẹ về cảnh giới an vui. Chiếc cầu này có thể là niềm hoan hỷ của một buổi lễ dâng y, một buổi trai tăng hay những hình ảnh thanh tịnh nào đó, thí dụ như các Phật tích. Đối với nhiều gia đình có phương tiện con cái thường đưa cha mẹ đi du lịch chỗ này, chỗ nọ coi như trả hiếu cho cha mẹ. Quan niệm này cần được bàn lại. Cho dù mẹ cha có được ngắm Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc, có lên được đỉnh Eiffel của Pháp, có viếng được tháp nghiêng của Ý thì những cái thấy cái biết này không giúp ích được gì cho giờ phút lâm chung. Ngược lại chúng có thể là trở ngại cho việc tìm về nơi tịch tịnh. Một người con hiểu đạo nếu có phương tiện và khi cha mẹ còn sức khỏe nên đưa cha mẹ đến các Phật tích, những cảnh động tâm này sẽ trở về trong trí người chết, xua đi những cảnh giới xấu, cảnh ác mà trong suốt cuộc sống cha mẹ có thể đã trải qua.

Một người con hiểu đạo nên hiếu dưỡng cha mẹ theo những phương cách Đức Phật đã đề ra vì đó là những điều hữu ích mà Đức Phật muốn truyền bá đến mọi người, muốn chúng sanh được về miền Cực lạc, không phải rơi vào đọa xứ. Nếu những người con biết phụng dưỡng cha mẹ dựa theo những điều chỉ giáo của Đức Phật thì chắc chắn hiện đời cha mẹ được an vui và khi lâm chung, với tư lương đầy đủ, cha mẹ sẽ đến được nơi nhàn cảnh.

Như Quang