Tham ái là nguyên nhân dẫn đến đau khổ
Khi biết được nguyên nhân của bệnh rồi, người bệnh muốn biết bệnh này có chữa được không. May mắn thay, bệnh này chữa được. Như vậy, để an ủi những người đang chán ngán, mệt mỏi với khổ và nguyên nhân khổ, Đức Phật dạy về sự chấm dứt khổ.
Tóm lại, có phương thuốc để chữa trị bệnh khổ này; có sự chấm dứt khổ (dukkha); sự vắng bóng của khổ; hay sự chấm dứt đau khổ, đó là Niết Bàn. Niết Bàn là chân lý thứ ba hay chân lý về sự chấm dứt khổ.
Khi giảng giải về chân lý thứ ba, Đức Phật dạy: “Đây là sự hoàn toàn dập tắt hay hoàn toàn chấm dứt tham ái”.
Một điều lạ lùng là Đức Phật giảng giải sự chấm dứt đau khổ, nhưng Đức Phật dạy sự chấm dứt đau khổ hoàn toàn (có nghĩa là không còn gì lưu lại), hoàn toàn diệt tắt đau khổ tức là hoàn toàn chấm dứt tham ái. Điều này có nghĩa là tham ái là nguyên nhân hay nguồn gốc của đau khổ. Như vậy, ở đây Đức Phật đồng hóa sự chấm dứt đau khổ với sự chấm dứt tham ái. Bao lâu tham ái chưa được loại trừ thì đau khổ chưa được chấm dứt.
Khi nguyên nhân được loại trừ, thì hậu quả của nó cũng sẽ bị loại trừ. Đó là lý do tại sao Đức Phật nói rằng: chân lý thứ ba hay sự chấm dứt đau khổ thực ra là sự chấm dứt tham ái. Khi tham ái của người nào được loại trừ, thì người đó sẽ không còn tái sinh nữa, bởi vì tham ái là nguyên nhân khiến chúng sinh phải luân hồi tái sinh mãi mãi.
Chắc các bạn còn nhớ trong phần giảng giải về nguồn gốc của sự đau khổ, Đức Phật dạy rằng:
Tham ái làm khởi sinh sự tái sinh mới.
Bao lâu còn có tham ái, dính mắc, bấy lâu còn có tái sinh.
Khi có tái sinh thì sẽ có già, có bệnh, có chết, có sự gần gũi những gì mình không ưa thích, và có sự xa cách những gì mình mến yêu…
Một khi còn tham ái thì sẽ còn tái sinh mới do tham ái này tạo ra.