Nhờ đâu thái tử trở thành Phật?
Một vài phương diện của vật chất được khám phá, một vài góc khuất của tâm tư được ghi nhận, nhưng đứng trước cái toàn thể, con người vẫn đánh mất sức nhìn. Các giác quan của con người quá hẹp để thấy, cảm và tiếp xúc với sự sống toàn thể và vô tận.
Ngoài ra, ý thức hệ, giáo điều tôn giáo, tâm tư văn hoá và một ít kinh nghiệm chủ quan đã làm cho cảm thức con người thêm hẹp. Con người không thể cởi mở đủ để thênh thang trong khác biệt, thong dong trong bất toàn, an bình trong ngăn cách và tự do trong mắt tâm.
Lẽ ra, được hiện hữu như một con người có cảm quan và biết nhận thức là một ân huệ tuyệt vời trên mặt đất. Thái tử Siddhatha trở thành Buddha Gotama (Phật) từ đâu, nếu không có ân huệ hiện hữu như một con người? Con người dường như đã phí phạm quá mức đặc ân mà mình có trong thế giới sống. Con người không chịu và không biết mở toan cánh cửa tâm thức để tiếp xúc với mầu nhiệm của sự sống bao la. Người ta cứ giới hạn mình trong thích và không thích, cứ phân chia mình trong đúng và không đúng, cứ buột chân mình trong tin và không tin, cứ phiền luỵ mình trong tôi và không tôi.
Cởi mở. Con người không thể không cởi mở. Có cởi mở mới có nhận thức sâu, trải nghiệm đủ, nhân cách sáng và lòng mãn nguyện. Có cởi mở con người mới có đời sống như một con người với đầy đủ ân huệ của sự hiện hữu. Sự sống sinh động. Mọi sinh thể đều sinh động. Con người từ tâm đến thân cũng đều sinh động. Con người không thể giới hạn sự sinh động của thế giới sống.
Nếu ai đó không cởi mở, không sinh động cùng sự sống sinh động, không thụ hưởng quả mà cứ tìm rễ, người đó có thể sẽ khổ hạnh trong tên gọi, khổ hạnh trong ý thức hệ, khổ hạnh trong cảm tình tôn giáo và đôi khi khổ hạnh cả trong tâm tư văn hoá và kinh nghiệm chủ quan.