Bảy loại tài sản của bậc Thánh

Con người quay cuồng trong đời sống vật chất với bao khát vọng, tham muốn không cùng. Tiền bạc, của cải được xem là phần quan trọng không thể thiếu, gắn liền với sinh mạng con người. Có tiền mới có được những giá trị vật chất khác, mà nhu cầu vật chất là căn bản, nhất là khi nó được đặt lên trên những nhu cầu khác thì không có tiền bạc bị xem như không có gì cả.

Vấn đề bức thiết mà xã hội hiện nay đặt ra là: Tạo ra tiền bạc của cải bằng cách nào, và cách thức đó có lương thiện hay không? Sử dụng tiền bạc như thế nào cho hợp lý? Việc chạy theo những giá trị vật chất một cách thái quá, xem nhẹ những giá trị tinh thần đã gây bất ổn thế nào trong đời sống cá nhân và xã hội?

Kinh Bát đại nhân giác nói về văn và tuệ tài: “Bồ tát thường nhớ học rộng nghe nhiều, tăng trưởng trí tuệ, thành tựu biện tài, đều vì niềm vui lớn”, hay “An vui với cái nghèo mà giữ đạo, chỉ lấy trí tuệ làm sự nghiệp”.

Kinh Bát đại nhân giác nói về văn và tuệ tài: “Bồ tát thường nhớ học rộng nghe nhiều, tăng trưởng trí tuệ, thành tựu biện tài, đều vì niềm vui lớn”, hay “An vui với cái nghèo mà giữ đạo, chỉ lấy trí tuệ làm sự nghiệp”.

Kinh Tăng chi bộ II (chương Năm pháp, phẩm Du hành dài), Đức Phật dạy rằng: “Tiền bạc, của cải là tài sản của năm nhà: lửa, nước, vua quan, trộm cướp, vợ con phá tán­”. Tài sản không của riêng một ai, chúng chỉ là vật sở hữu tạm thời trong tay người này một thời gian rồi lại sang tay của kẻ khác. Điều đó ai cũng thấy rõ, ngay cả tấm thân con người khi chết đi còn bỏ lại, huống hồ tài sản là những vật ngoài thân. Một trận bão lũ đi qua có thể cuốn trôi tất cả; một cơn hỏa hoạn có thể thiêu rụi hoàn toàn; chiến tranh, trộm cướp hoặc vua quan tịch thu, sung công, chiếm đoạt; vợ (chồng) con không lương thiện (đam mê rượu chè cờ bạc, ăn chơi hưởng thụ…) cũng làm tiêu tan tài sản mình đang có, chỉ trong phút chốc có thể trắng tay.

Cho nên tài sản chỉ được xem là phương tiện giúp con người đáp ứng các nhu cầu về vật chất để có một đời sống ổn định, giúp con người thực hiện những tâm nguyện, chí hướng cao cả để làm đẹp cuộc đời, vì mục đích an vui hạnh phúc cho cá nhân và cộng đồng, xã hội, rộng hơn nữa là nhân loại, chúng sinh.

Trong kinh Tăng chi bộ III (chương Bảy pháp, phẩm Tài sản), Đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, có bảy tài sản này, thế nào là bảy? Tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài và tuệ tài. Ở đây, vị Thánh đệ tử có lòng tin, tin tưởng vào sự giác ngộ của Như Lai, gọi là tín tài. Vị Thánh đệ tử từ bỏ sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, say sưa, gọi là giới tài.

Vị Thánh đệ tử có xấu hổ đối với thân, miệng, ý làm ác, gọi là tàm tài; có sợ hãi đối với thân, miệng, ý làm ác, gọi là quý tài. Vị Thánh đệ tử nghe nhiều, giữ gìn những gì đã nghe, đề cao đời sống phạm hạnh, đọc tụng nhiều lần, chuyên tâm quán sát, thành tựu chánh kiến, gọi là văn tài; tâm từ bỏ xan tham, ưa thích xả ly, san sẻ vật bố thí, gọi là thí tài; có trí tuệ về sinh diệt, thành tựu Thánh thể nhập, đưa đến chân chánh đoạn diệt khổ đau, gọi là tuệ tài. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là bảy tài sản, ai có được những tài sản này được gọi là không nghèo khổ”.

Tài sản mà Đức Phật nói ở đây không phải là tiền bạc, của cải vật chất, mà là tài sản về tinh thần, tài sản tâm linh, trí tuệ, đạo đức. Tín, giới, tàm, quý, văn, thí, tuệ là bảy thứ tài sản không bao giờ mất, không bị đánh cắp, chiếm đoạt, không bị phá hủy trừ khi người tạo ra tự phá hủy chúng. Trong kinh Ugga (Tăng chi bộ kinh III, chương Bảy pháp, phẩm Tài sản), Đức Phật tuyên bố: “Bảy tài sản này, này Ugga, không bị lửa, nước, vua quan, trộm cướp, những kẻ thừa tự không khả ái hay thù địch chi phối”. Đây được xem là tài sản của bậc Thánh.

Bảy tài sản này tuy được xem là tài sản tinh thần, nhưng cũng chính từ đó sản sinh ra tài sản vật chất, vì thế người có bảy loại tài sản này được xem là người giàu có, đầy đủ nhất về phương diện vật chất lẫn tinh thần, như lời Đức Phật đã nói ở trên: “Này các Tỳ-kheo, đây gọi là bảy tài sản, ai có được những tài sản này được gọi là không nghèo khổ”(không nghèo tức là giàu có; không khổ tức là an vui, hạnh phúc).

Tại sao Đức Phật nói có được bảy thứ tài sản đó là có tất cả mọi thứ tài sản khác trên đời (không nghèo khổ)? Thứ nhất, về phương diện đời sống tâm linh: khi có đầy đủ tín, giới, tàm, quý, văn, thí, tuệ thì thấy thân mình và mọi thứ tài sản khác đều phù du, tạm bợ, từ đó không tham ái và chấp thủ, vô cầu, vô dục, nhờ đó tâm an ổn, không lo lắng, sầu muộn, khổ não, không bị đời sống vật chất làm bận tâm. Cũng như lời kinh Bát đại nhân giác nói: “Muốn ít, vô vi thì thân tâm được tự tại”.

Hay trong kinh Di giáo: “Người thiểu dục, không mong cầu thì không khổ não”, “Người thiểu dục thì tâm an nhiên không lo sợ”, “Người biết đủ tuy nằm dưới đất cũng thấy an vui; người không biết đủ tuy ở thiên đường cũng không vừa ý. Người biết đủ tuy nghèo mà giàu; người không biết đủ tuy giàu mà nghèo”.

Thứ hai, về phương diện nhân quả đạo đức: Nhờ có tín, giới, tàm, quý, văn, thí, tuệ mà chúng ta không tạo tác các nghiệp bất thiện đưa đến khổ đau, biết chọn lựa pháp lành để tạo, chọn lựa những nhân duyên tốt đưa đến an vui hạnh phúc cho hiện tại và tương lai, đời này và đời sau. Nhờ biết cúng dường, bố thí, cung kính, phụng sự các bậc tôn trưởng (các bậc thánh hiền, cha mẹ, thầy tổ…), làm lợi ích cho chúng sinh (có thí tài) mà được sinh ra trong hoàn cảnh tốt, mang thân phận cao sang quyền quý. Nhờ siêng năng tinh tấn tu học, trau giồi phẩm hạnh, đạo đức, phát triển trí tuệ (có văn tài, giới tài, tuệ tài) mà hiện đời và tương lai những đời sau sinh ra làm người tài đức vẹn toàn có ích cho xã hội. Nhờ có đạo đức (giới tài), biết liêm sỉ (tàm tài, quý tài), luôn hướng đến những điều tốt đẹp, chân chánh, thiện mỹ mà nhân cách cao đẹp được mọi người kính trọng, yêu quý. Đó chính là có bảy tài sản của bậc Thánh là có tất cả những tài sản trên thế gian.

Về giá trị lợi ích các tài sản của bậc Thánh (tín, tàm, quý, văn, giới, thí, tuệ), bàng bạc trong nhiều kinh điển đề cập đến. Kinh Hoa nghiêm dạy: “Niềm tin (tín) là mẹ sinh ra các công đức”; Kinh Tứ thập nhị chương: “Thấy người bố thí, vui vẻ giúp họ thì được phước rất lớn”. Chỉ tùy hỷ bố thí thôi còn được phước rất lớn huống chi là tự mình bố thí. Kinh Di giáo: “Nếu người nào thường hay giữ gìn tịnh giới thì người ấy có được thiện pháp. Nếu không tịnh giới, các công đức lành đều không sinh được.

Do đó phải biết, giới là chỗ ở của công đức an ổn nhất”. “Áo hổ thẹn, đối với các thứ trang sức thật là hơn hết. Hổ thẹn ví như móc sắt có thể ngăn dứt được sự phi pháp của người. Thế nên thường phải biết hổ thẹn, không được quên bỏ. Nếu xa lìa hổ thẹn thì mất các công đức. Người có hổ thẹn thì có các thiện pháp. Người không biết hổ thẹn so với loài cầm thú không khác chút nào vậy”. Kinh Bát đại nhân giác nói về văn và tuệ tài: “Bồ tát thường nhớ học rộng nghe nhiều, tăng trưởng trí tuệ, thành tựu biện tài, đều vì niềm vui lớn”, hay “An vui với cái nghèo mà giữ đạo, chỉ lấy trí tuệ làm sự nghiệp”.

Cho nên có thể nói, tài sản trên thế gian không gì hơn tín, giới, tàm, quý, văn, thí và tuệ. Đây là bảy thứ tài sản không bao giờ mất, có giá trị vĩnh hằng trừ khi chúng ta hủy hoại nó. Có nghĩa là tài sản đó chỉ hao tổn, sa sút hoặc mất đi khi chúng ta không còn niềm tin, không có đạo đức, không còn tinh tấn học hỏi, tu tập, không biết xả ly tâm tham lam ích kỷ để chia sẻ với tha nhân, không biết xấu hổ, hổ thẹn khi làm điều lỗi lầm, sai trái.

Tín, giới, tàm, quý, thí, văn, tuệ không chỉ là thứ tài sản làm giàu, làm đẹp cho những con người có tâm cao thượng, mà đó còn là thứ tài sản giúp con người vươn tới phẩm vị Thánh hiền.

Thiện Tài