Nghề nào được coi là Chính mạng?

Theo Phật học phổ thông, Chính mạng là sự sinh sống, việc mưu sinh chính đáng bằng nghề nghiệp lương thiện, không hại người, hại vật; sống Chính mạng, còn dạy con người không tham lam, ích kỷ… Trái với Chính mạng là Tà mạng, sống lừa dối gian trá.

 

Để thực hành tốt Chính mạng còn phải sống và làm việc đúng pháp luật, phù hợp với truyền thống dân tộc, tiêu dùng thông minh đúng nhu cầu, không lãng phí tiền của, thời gian gia đình và xã hội. Tài sản làm ra cần phải chia sẻ, giúp đỡ người khác để tạo nhiều công đức về sau. Chính mạng còn là nỗ lực một nghề lương thiện, đó là mạng sống chân chính. Nhưng để có cuộc sống lương thiện cần phải có tầm nhìn, suy nghĩ cùng nhiều nhân duyên hỗ trợ mật thiết để có cuộc sống thiện lành trên bước đường tu tập Bát Chính đạo và tiến lên con đường giải thoát của Đạo Phật.

Người Phật tử, nhờ thấu hiểu những lời dạy của Đức Phật, đã ý thức được rằng, có những nghề nghiệp, những phương tiện kiếm sống gây khổ đau cho mình, cho người và cho các loài khác, nên nguyện chỉ sinh sống bằng những nghề nghiệp chân chính, lương thiện, gọi là Chính mạng.

Người tu tập chính mạng phải biết bảo tồn mạng sống một cách trong sạch và bồi dưỡng sức khỏe một cách chính đáng.

Người tu tập chính mạng phải biết bảo tồn mạng sống một cách trong sạch và bồi dưỡng sức khỏe một cách chính đáng.

Chính mạng là gì?

Chính mạng, Phạm samyak-ājīva, có nghĩa là nghề nghiệp hay phương tiện sinh sống chân chính. Người Phật tử, y theo Chính pháp, giữ gìn ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh, từ bỏ những phương tiện mưu sinh bất chính, hại mình hại người và tổn thương đến muôn loài, đó là thực hành Chính mạng.

Trong Trung A hàm, kinh Phân biệt thánh đế, Đức Phật định nghĩa: “Này chư Hiền, thế nào là Chính mạng? Đó là khi vị Thánh đệ tử suy niệm về Khổ là Khổ, Tập là Tập, Diệt là Diệt, Đạo là Đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết bàn là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó không phải là mong cầu vô lý, không do nhiều tham dục mà không biết vừa đủ, không làm các thứ xảo quyệt bùa chú, để sinh sống bằng Tà mạng. Chỉ theo Chính pháp mà mong cầu y phục, chớ không phải với phi pháp, cũng theo Chính pháp để mong cầu thực phẩm, giường chõng, chớ không phải với phi pháp. Đó là Chính mạng”.

A-tỳ-đạt-ma pháp uẩn túc luận, định nghĩa: “Thế nào là Chính mạng? Là vị Thánh đệ tử, nơi Khổ tư duy Khổ, cho đến nơi Đạo tư duy Đạo, tư duy tương ưng với tâm ý vô lậu, có sức mạnh giản trạch, từ bỏ lối sống tà mạng với các hành động bất thiện của thân và khẩu, đạt được vô lậu, viễn ly cho đến thân và ngữ nghiệp vô biểu. Đó là Chính mạng.”

Luận Đại trí độ thì ghi rằng: “Chính mạng là, hết thảy các phương tiện mưu sinh đều chính chứ không tà. Trụ trong trí bất hý luận, không thủ Chính mạng, không xả Tà mạng, cũng không ở trong Chính pháp, cũng không ở trong Tà pháp, mà thường ở trong trí thanh tịnh, chứng nhập lý bình đẳng Chính mạng, không thấy mạng, không thấy phi mạng. Thực hành thật trí tuệ như vậy, nên gọi là Chính mạng”.

Nghề nào được coi là Chính mạng?

Nếu hiểu theo nghĩa những nghề chân chính giúp người sinh sống, thì tục ngữ Pháp có câu rằng: “Chỉ có người hèn kém chứ không có nghề hèn kém”. Nói như vậy có nghĩa là không nên căn cứ vào nghề nghiệp mà đánh giá sự hơn kém của con người. Nói cụ thể hơn, một người phu quét đường chưa hẳn đã có nhân cách thua kém một thầy giáo. Ngược lại, một vị bác sĩ chưa hẳn đã có nhân cách tốt đẹp hơn người bán hàng rong trên phố.

Tuy nhiên, dù rằng nghề nghiệp chưa hẳn quyết định được sự cao thượng hay thấp hèn của con người, nhưng vẫn phải thừa nhận một điều là nó có ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách của người ấy. Mỗi một nghề nghiệp, trước hết đều phải giúp cho người ta có đủ thu nhập để nuôi sống bản thân và gia đình. Nhưng kèm theo đó, nó có những đóng góp nhất định vào cho toàn xã hội. Người nông dân làm ra lương thực để mọi người khác có thể mua lấy mà ăn. Người bác sĩ giúp xoa dịu nỗi đau bệnh tật của bao nhiêu người khác. Người thầy giáo giúp đào tạo nên những bậc nhân tài trí đức để ngày sau có thể giúp đời. Xét như vậy thì, tuy cũng đều là nghề nghiệp kiếm sống, mà sự lợi ích mang lại cho người khác đều có phần sai biệt chẳng hoàn toàn giống nhau.

Bởi vậy, người tu tập chính mạng phải biết chọn cho mình một nghề nghiệp chân chính. Những nghề gây hại đến kẻ khác như buôn bán vũ khí, thuốc độc, rượu bia… đều không thể xem là nghề chân chính. Thậm chí những nghề như chăn nuôi heo gà để giết thịt, hoặc mổ xẻ thịt để buôn bán… cũng đều là những nghề không tốt, dễ khiến người đi sâu vào ác nghiệp. Dù không chọn được những nghề cao quý như dạy học, chữa bệnh… cũng nên chọn lấy những nghề không làm hại đến chúng sinh khác. Nếu chọn được một nghề chân chính thích hợp, tức là một cách rất quan trọng để tu tập chính mạng vậy.

Người tu tập chính mạng phải biết bảo tồn mạng sống một cách trong sạch và bồi dưỡng sức khỏe một cách chính đáng. Phải biết chọn lấy món ăn, dùng những thức ăn nhẹ nhàng thanh đạm, như rau cỏ, trái cây, chỉ nhằm nuôi sống khỏe mạnh là được, không vì cho được ngon miệng mà tham cầu đến những món ăn như thịt, cá, khiến phải làm hại đến sinh mạng của muôn loài. Về thức uống, cũng chọn những món tinh khiết từ thảo mộc, không mê đắm những thứ rượu bia hay các chất có kích thích. Cho đến cách điều hòa hơi thở, rèn luyện thân thể, ngủ nghỉ có điều độ… cũng đều là những việc phải học tập, tu dưỡng. Bởi vì có nuôi dưỡng thân mạng mình một cách chân chính, thì mới có đủ điều kiện mà tu tập, hành trì những pháp môn giải thoát khác.

Đạo Phật với tuệ giác giải thoát, quán chiếu thấy thực trạng khổ đau, bất công của kiếp sống con người được tạo nên bởi chính những ngành nghề bất chính, không lương thiện nên quyết tâm xây dựng một xã hội lành mạnh, an vui hạnh phúc trên nền tảng Chính mạng mà mọi người đều có thể thực hiện được, đó là từ bỏ sinh nhai bằng một nghề nghiệp có hại cho kẻ khác, như buôn bán khí giới, chất uống say sưa, độc dược, giết hại súc vật, lừa dối, mại dâm v.v… và nên sống bằng nghề nghiệp đáng kính, vô tội, không có hại cho người và vật.

Chùa Vạn Hạnh