Trị liệu các mối quan hệ trong gia đình
Cha không nghĩ rằng ta cũng là một con người như bao người khác có quyền được suy nghĩ, được hành động, được đi theo những gì mà ta tin là chân thiện mỹ. Tại sao lại có những người cha như thế? Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những người cha rất khác, rất tâm lý, có khả năng đối xử với con mình một cách rất kính trọng, cho con quyền được tự do lựa chọn.
Nếu cha đối xử không tốt với ta, có thể là do cha ta thiếu may mắn. Nền giáo dục và môi trường của cha không dạy cho cha cách cảm nhận cũng như cách bày tỏ tình thương yêu và sự hiểu biết. Nếu ta đổ lỗi cho cha, nếu ta muốn trừng phạt cha thì cha ta chỉ khổ đau hơn mà thôi. Ngoài ra không có lợi lạc gì cả. Chúng ta không thể giúp đỡ cha bằng cách ấy. Nếu ta hiểu được rằng do cha mình thiếu may mắn thì cái giận của ta đối với cha sẽ tan biến. Ta sẽ thấy cha ta là người cần tình thương của ta mà không phải sự trừng phạt.
Ảnh minh hoạ.
Tất nhiên, ta cũng cần giữ cho mình được an toàn. Nếu cha ta làm tổn hại ta vì cảm xúc hoặc hành động thì ta không nên đến gần cha. Tuy nhiên bỏ trốn cha cũng làm tăng thêm nỗi khổ đau cho cả hai bên. Nếu không thực tập chánh niệm với cha mẹ, chúng ta sẽ tạo ra địa ngục cho nhau.
Đôi khi cha mẹ chúng ta cũng không đủ khéo léo và sáng suốt để không bạo động với con cái cho dù họ rất muốn thương yêu con cái, muốn làm cho con cái hạnh phúc. Tôi biết có một em thanh niên trẻ đang học ngành y khoa. Cha em là một bác sĩ. Em muốn mình là một người thuộc thế hệ trẻ, hành xử phóng khoáng hơn, và em hứa với lòng mình là lớn lên em sẽ không hành xử như cha em. Nhưng khi làm cha, em lại hành xử y hệt như cha mình. Em la mắng và phê bình con cái mỗi ngày.
Khi làm con, ta nguyện làm ngược lại những gì mà cha mẹ ta đã làm. Tuy nhiên khi có con, chúng ta thường lặp lại tập khí của cha mẹ. Đó là một vòng luẩn quẩn, nối tiếp những nỗi khổ đau trong cuộc sống từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chúng ta phải thực tập để chấm dứt vòng luân hồi này, dừng lại những tập khí của mình và không để cho chúng ảnh hưởng đến mối quan hệ của ta với con cái.
Vì vậy hai bên phải đến với nhau, bạn đến với bạn, mẹ đến với con. Chúng ta đồng ý với nhau rằng cả hai bên đều đang khổ đau. Cả hai bên đều có những bạo động, hận thù và phiền não trong lòng. Thay vì chống đối hay đổ lỗi, chúng ta nên giúp đỡ và thực tập chung với nhau, nếu cần ta cũng có thể nhờ thầy hoặc tăng thân giúp đỡ.